3 lý do khiến điện ảnh Hoa ngữ không còn “mặn mà” với bối cảnh nhà Minh
Vốn dĩ, nền điện ảnh Trung Quốc nổi bật với thể loại cổ trang, phản ánh rõ nét các triều đại trải dài suốt hơn 5000 năm lịch sử. Tuy nhiên, trong khi nhà Thanh dần chiếm ưu thế và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền điện ảnh Hoa Ngữ, thì bối cảnh thời kỳ Đại Minh đã dần bị lãng quên, không còn thu hút được sự chú ý của khán giả trong những năm gần đây. Nguyên nhân vì đâu?
Khán giả không mặn mà
Mặc dù không còn tồn tại, triều đại nhà Minh vẫn để lại một khối lượng tài liệu lịch sử phong phú hơn so với nhiều triều đại khác. Điều này có thể thấy rõ qua tác phẩm “Những chuyến du hành của Marco Polo” – trong đó có nhiều mô tả liên quan đến đời sống và chính sự thời nhà Minh. Dẫu vậy, hầu như các tài liệu lưu trữ về thời đại này đã bị nhà Thanh phá hủy gần như toàn bộ. Đến mức chuyện này được gọi là “Đại hưng Văn tự ngục”. Việc này dẫn đến các tư liệu về sau được biên soạn theo ý của nhà Thanh, nên không có sự tin cậy tuyệt đối. Chỉ còn sót lại thông qua những góc nhìn từ người ngoài hay các câu chuyện lưu truyền lại. Nhờ đó, bối cảnh thời Minh được xuất hiện dày đặc trong văn học đại chúng, đặc biệt là các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long,… giúp độc giả và khán giả phần nào đã có sự quen thuộc nhất định với thời kỳ lịch sử này.


Tuy nhiên, trên màn ảnh nhỏ, triều đại nhà Thanh lại chiếm ưu thế hơn trong việc lựa chọn bối cảnh cho các bộ phim cổ trang. Đặc biệt, những giai thoại xoay quanh hai vị vua nổi tiếng là Khang Hy và Càn Long – cả về mặt chính trị lẫn đời sống tình cảm – đã trở thành chất liệu hấp dẫn cho các nhà làm phim. Điển hình là các bộ phim ăn khách như “Chân Hoàn Truyện” (2011), “Bộ Bộ Kinh Tâm” (2011), “Diên Hy Công Lược” (2018)… Những tác phẩm này không chỉ gặt hái thành công về mặt thương mại mà còn góp phần định hình một “thị hiếu thẩm mỹ” trong tâm thức người xem: cứ nhắc đến phim cung đấu hay cổ trang, công chúng thường liên tưởng ngay đến triều đại nhà Thanh.


Chính sự phổ biến này khiến cho các bộ phim lấy bối cảnh nhà Minh gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả đại chúng, đặc biệt là khi xét đến yếu tố tỷ suất người xem (rating). Một lý do quan trọng là các câu chuyện thời Minh thường gắn liền với chính trị và các vấn đề lịch sử phức tạp, khó lòng chuyển thể thành những bộ phim mang tính thương mại mà vẫn đảm bảo tính chính xác – yếu tố Cục điện ảnh Trung Quốc đặc biệt xem trọng.
Hơn nữa, phần đông khán giả truyền hình hiện nay là nữ giới – nhóm người thường bị cuốn hút bởi các mối tình tay ba, âm mưu cung đấu hoặc những khúc mắc tình cảm đầy kịch tính. Trong khi đó, các câu chuyện thời Minh lại khó khai thác khía cạnh này một cách hấp dẫn. Dù vẫn có một số giai thoại hậu cung đáng chú ý, chẳng hạn như Vạn Quý Phi thời Thành Hóa – người được hoàng đế sủng ái đến mức bỏ bê triều chính, hay Trịnh Quý Phi thời Vạn Lịch – người từng tranh đoạt ngôi Thái tử và gây ra vụ án nổi tiếng “Án đảo cung” (vu khống Hoàng hậu), thì những câu chuyện này vẫn đậm tính chính trị hơn là tình cảm. Thậm chí, các phong tục hà khắc như tuẫn táng – phi tần bị ép tự sát để chôn theo vua – cũng rất khó được đưa lên màn ảnh vì không phù hợp với quan điểm nhân đạo thời hiện đại.


Do đó, dù một đạo diễn hay nhà sản xuất có đủ can đảm để thực hiện một bộ phim lấy bối cảnh nhà Minh, và dù có vượt qua được vòng kiểm duyệt gắt gao của Cục Điện ảnh, thì tác phẩm ấy vẫn có nguy cơ vấp phải làn sóng chỉ trích nếu không xử lý tinh tế. Điều này tạo ra một rào cản lớn cho những ai muốn khai thác giai đoạn lịch sử này theo hướng đại chúng.
Chế tác tốn nhiều công sức và tài nguyên
Xét về khía cạnh phục dựng các tuyệt tác thủ công mỹ nghệ và trang sức cổ, bối cảnh triều đại nhà Minh hoàn toàn không phải là trở ngại đối với các nhà sản xuất phim. Thực tế đã có nhiều tác phẩm thể hiện sự đầu tư nghiêm túc vào thiết kế trang phục và phụ kiện. Điển hình như “Như Ý Truyện” (2018), các bộ y phục và trang sức được chế tác tinh xảo đến mức nữ diễn viên chính Châu Tấn đã chi một khoản tiền lớn để mua lại hơn 90% trang phục mà cô mặc trong phim – điều này cho thấy giá trị thẩm mỹ và công phu của phục trang cổ không hề thua kém bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào. Hay “Trường Nguyệt Tẫn Minh” (2023) – bộ phim gây ấn tượng với phong cách Đôn Hoàng độc đáo, từ đó tạo nên làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng tạo hình trong các phim cổ trang và tiên hiệp từ năm 2023 đến 2024.


Trang phục thời Minh cũng mang những đặc trưng riêng, thể hiện rõ đẳng cấp và địa vị xã hội. Chẳng hạn, giới quý tộc thường mặc áo Phi Ngư – loại áo dài thêu hình rồng, phượng một cách tỉ mỉ và trang trọng. Trong khi đó, thường dân hoặc tầng lớp trí thức lại ưa chuộng áo Đối khâm – kiểu áo cổ tròn, tay rộng, màu sắc giản dị nhưng thanh nhã. Phụ kiện đi kèm như trâm cài ngọc, vòng tay chạm khắc thủ công đều thể hiện sự tinh tế trong gu thẩm mỹ của người xưa. Những tạo hình này đã từng xuất hiện trong một số bộ phim như “Đại Minh Kiếp” (2013), “Ngọc Lâu Xuân” (2021), “Đại Minh Dưới Kính Hiển Vi” (2023), góp phần tái hiện sống động hình ảnh của thời đại này trên màn ảnh. Có thể nói, việc tái chế và thiết kế phục trang, trang sức thời Minh hiện nay không còn quá khó khăn, bởi Trung Quốc đã và đang làm rất tốt trong việc bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống.


Tuy nhiên, dù việc phục dựng về mặt hình ảnh có dễ dàng đến đâu, thì bài toán kinh phí vẫn là một trở ngại lớn. Trong bối cảnh hiện tại, ngành công nghiệp phim ảnh Hoa Ngữ đang bị lấn át bởi các sản phẩm phim ngắn, vốn có chi phí thấp và tốc độ sản xuất nhanh. Do đó, để thuyết phục được nhà đầu tư mạnh tay chi tiền cho một tác phẩm cổ trang có quy mô lớn, đặc biệt là lấy bối cảnh triều đại ít phổ biến như nhà Minh, là điều không hề đơn giản.
Hơn nữa, thực tế cho thấy trong nửa đầu năm nay, phần lớn các bộ phim cổ trang – tiên hiệp đều không đạt được thành tích như kỳ vọng, thậm chí thất bại về mặt doanh thu lẫn hiệu ứng khán giả. Ngoại lệ hiếm hoi là “Quý Nữ” – bộ phim duy nhất đạt được thành tích tích cực sau khi phát sóng hoàn chỉnh. Điều này càng khiến các nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn với những dự án cổ trang đòi hỏi kinh phí cao nhưng lại không đảm bảo thành công.


Thiếu kịch bản chất lượng
Không quá lời khi nói rằng, trong những năm gần đây, nền điện ảnh Hoa Ngữ có xu hướng tập trung vào việc cải biên các tác phẩm văn học nổi tiếng hơn là đầu tư cho những kịch bản gốc. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là vì các tiểu thuyết đã có sẵn lượng người hâm mộ ổn định, từ đó giúp phim dễ đạt được mức rating ấn tượng cũng như thu hút quảng cáo và nhà đầu tư. Đây được xem là chiến lược an toàn trong một thị trường đầy tính cạnh tranh. Tuy nhiên, bối cảnh triều đại nhà Minh lại không mấy phù hợp với hướng khai thác này.
Thực tế cho thấy, phần lớn các tiểu thuyết nổi tiếng được chuyển thể thành phim trong giai đoạn gần đây đều không xoay quanh các vị vua, hoàng hậu hay đại thần dưới triều Minh. Nếu có thì cũng là các tác phẩm ít được biết đến, chưa đủ độ nổi bật để bảo chứng doanh thu hoặc sức hút phòng vé. Điều này khiến cho việc lựa chọn bối cảnh nhà Minh trở thành một rào cản lớn đối với các nhà làm phim đang tìm kiếm các kịch bản dễ tiếp cận thị trường đại chúng.


Mặc dù vậy, một số nhà sản xuất vẫn nỗ lực phục dựng bối cảnh thời Minh trong các dự án phim gần đây. Có thể kể đến như “Thượng Thực” (2022) – bộ phim do Ngô Cẩn Ngôn thủ vai chính, lấy bối cảnh cung đình thời Minh, xoay quanh nghệ thuật ẩm thực và cuộc sống hậu cung. Tuy bộ phim không đạt được thành công vang dội, nhưng vẫn cho thấy sự đầu tư đáng kể về phục trang và bối cảnh lịch sử.
Tương tự, “Ngọc Lâu Xuân” (2021) do Bạch Lộc và Vương Nhất Triết đóng chính, lấy bối cảnh nhà Minh thời Vạn Lịch, khai thác câu chuyện tình yêu xen lẫn âm mưu trong tầng lớp quý tộc và thương nhân. Ngoài ra, bộ phim cổ trang chính luận “Đại Minh Phong Hoa” (2019) với Thang Duy đóng chính, cũng tái hiện thời kỳ hỗn loạn dưới triều Minh Tuyên Tông, mang màu sắc cung đấu – chính trị rõ nét. Những tác phẩm này tuy đã phần nào gợi lại hình ảnh thời Minh trên màn ảnh nhỏ, nhưng nhìn chung vẫn chưa tạo được cú hích lớn trong lòng công chúng, lý do là vì bối cảnh triều Minh không gắn liền với một “biểu tượng văn hóa phim ảnh” rõ ràng như thời Thanh với các nhân vật như Càn Long, Khang Hi hay Từ Hy Thái hậu.


Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng triều Minh từng là thời kỳ đỉnh cao của văn học cổ điển Trung Quốc. Ba trong Tứ đại danh tác – gồm “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, “Thủy Hử” của Thi Nại Am và “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân – đều có nguồn gốc từ các tác giả sống dưới triều Minh. Ngoài ra, các tác phẩm nổi bật như “Kim Bình Mai” (Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh), “Liêu Trai Chí Dị” (Bồ Tùng Linh), “Phong Thần Diễn Nghĩa” (Hứa Trọng Lâm) cũng ra đời trong thời kỳ này, và từng được chuyển thể thành các bộ phim kinh điển – trở thành dấu ấn không thể thiếu trong ký ức nhiều thế hệ.


Tuy nhiên, để tái hiện lại những tác phẩm này trong bối cảnh hiện đại là điều không hề đơn giản. Sự thành công quá lớn từ các phiên bản trước đã tạo ra một áp lực đáng kể lên các đạo diễn hiện tại. Thêm vào đó, việc phải đảm bảo cả yếu tố nghệ thuật lẫn doanh thu, đồng thời vượt qua rào cản kiểm duyệt và làm hài lòng khán giả – đặc biệt trong một thị trường đóng băng hiện tại – là một thử thách không nhỏ.