Xã Hội

5 huyện TP HCM chưa lên thành phố trước năm 2030

Trong 5 năm tới, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ là đô thị vệ tinh, sau đó mới nâng cấp lên thành phố, theo Quy hoạch chung TP HCM.

Nội dung nằm trong Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt.

Tại quyết định nói trên, phương án quy hoạch hệ thống đô thị, quy hoạch xác định đến năm 2030, tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các tiêu chí về diện tích và dân số. Thành phố sẽ phát triển đô thị và nông thôn theo định hướng “làng trong phố, phố trong làng”, kết hợp giữa bảo tồn các giá trị vốn có và phát triển bền vững.




Các khu đất nền, chung cư, nhà phố, đất nông nghiệp; đoạn qua huyện Bình Chánh, tháng 11/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Không gian TP HCM được tổ chức theo định hướng đa trung tâm, đa chức năng và hình thành các khu đô thị tri thức sáng tạo, các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ với mô hình thành phố trong thành phố.

5 năm tới, TP HCM là đô thị đặc biệt bao gồm một khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc là TP Thủ Đức (đô thị loại I) và 5 đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

Sau năm 2030, TP HCM bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm: khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi – Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 – Nhà Bè và đô thị sinh thái biển Cần Giờ.

Ranh giới chính thức của các đô thị được xác định theo quyết định thành lập đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến năm 2050, hoàn thành việc xây dựng TP HCM theo mô hình thành phố đa trung tâm.





5 huyện ở TP HCM từng có kế hoạch lên thành phố. Đồ họa: Khánh Hoàng

5 huyện ở TP HCM từng có kế hoạch lên thành phố. Đồ họa: Khánh Hoàng

TP HCM tổ chức không gian lãnh thổ khu vực nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, đô thị sinh thái, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Đồng thời, sắp xếp lại hệ thống các khu vực dân cư nông thôn theo định hướng giảm số lượng xã; nâng cao chất lượng sống của người dân ở nông thôn; giảm mức độ chênh lệch về trình độ phát triển so với các khu vực đô thị.

Quy hoạch TP HCM cũng xác định vai trò của 5 huyện trong các động lực tăng trưởng của thành phố. Đơn cử khu vực phía nam, cùng với quận 7, huyện Nhà Bè là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái.

Huyện Cần Giờ tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.

Khu vực các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ, logistics; đô thị sinh thái kiêm kinh tế.

TP HCM cũng phân thành các tiểu vùng, khu vực khuyến khích phát triển.

Cụ thể, tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm giữ vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển TP HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ. Trong 5 năm tới, nơi này bao gồm 16 quận là 1, 3, 4, 5, 6, 7,8 10, 11, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.

Tiểu vùng TP Thủ Đức là đô thị loại I giữ vai trò là cực tăng trưởng mới, đô thị sáng tạo, tương tác cao và hạt nhân thúc đẩy kinh tế – xã hội của thành phố;

Tiểu vùng khu vực ngoại thành sẽ đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, đáng sống, hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm, gắn kết với phát triển nông nghiệp, đô thị sinh thái và nông thôn mới.

Đến năm 2030, tiểu vùng khu vực ngoại thành được chia thành 5 phân vùng gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Tầm nhìn đến năm 2050, tiểu vùng này được sắp xếp lại thành 4 phân vùng gồm phân vùng Củ Chi – Hóc Môn; phân vùng Bình Chánh; phân vùng Nhà Bè – quận 7 và phân vùng Cần Giờ.

Ranh giới các phân vùng trên sẽ được làm chính xác khi lập quy hoạch và đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Quyết định Quy hoạch TP HCM vừa được phê duyệt cũng xác định mục tiêu tổng quát là phát triển thành phố là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm về nhiều mặt của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Về kinh tế, TP HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, con số này là 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD. Dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của thành phố đến năm 2030 là khoảng 11 triệu người và đến 2050 là khoảng 14,5 triệu người.

Lê Tuyết



Nguồn