Tướng Nguyễn Chí Vịnh ‘chọn quân’ đi gìn giữ hòa bình
Nhờ quá trình tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng, tỉ mỉ, tướng Nguyễn Chí Vịnh và cộng sự đã tạo nền móng xây dựng lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam hùng mạnh, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhiệm vụ quốc tế.
Năm 2013, khi đang xây dựng lực lượng cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đầu tiên, Liên Hợp Quốc đề nghị Việt Nam xem xét nhiều phương án về nơi triển khai quân, trong đó có Mali, Cao nguyên Golan, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.
Sau khi cân nhắc, Quân ủy Trung ương chấp thuận điều động sĩ quan đến hai phái bộ Trung Phi và Nam Sudan. Nam Sudan tuyên bố độc lập ngày 9/7/2011, đánh dấu kết thúc một thời kỳ xung đột kéo dài giữa hai miền Nam và Bắc Sudan. Tuy nhiên, Nam Sudan đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, an ninh và ổn định chính trị, cần sự trợ giúp của các quốc gia.
Trong cuốn hồi ký được phát hành sau khi tướng Vịnh qua đời, có đoạn “không có màu xanh an toàn trên bản đồ cảnh báo an ninh của Nam Sudan, chỉ có vàng, cam, và đỏ thể hiện những mức nguy hiểm khác nhau. Đây là đất nước có hơn 10 triệu dân với 2,4 triệu người tị nạn”.
Cộng hòa Trung Phi giáp Nam Sudan về phía tây, từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập vào năm 1960. Quốc gia này đã rơi vào cảnh nội chiến suốt nhiều thập kỷ. Cơ sở hạ tầng tại đây khá hơn Nam Sudan, song người dân vẫn rất thiếu thốn, điều kiện an sinh đều dưới mức tối thiểu.
Việt Nam cử sĩ quan đến hai khu vực này để nắm bắt thông tin rồi mới tính đến triển khai quy mô cấp đơn vị. Trung tá Mạc Đức Trọng và trung tá Trần Nam Ngạn được cử đi “mở đường” cho sứ mệnh tại Nam Sudan. Tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, người được giao trọng trách là trung tá Nguyễn Xuân Thành, thiếu tá Vũ Văn Hiệp và đại úy Hoàng Trung Kiên.
Khi các thành viên “đoàn tiền trạm” trở về, đọc bản báo cáo, Tướng Vịnh thêm đăm chiêu. Ông nhận ra chất lượng là yếu tố then chốt để thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình. “Trang bị tốt, doanh trại hoành tráng, mời được chuyên gia quốc tế huấn luyện, mà bộ đội mình không đủ năng lực coi như công cốc,” tướng Vịnh viết trong hồi ký.
Để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, các sĩ quan phải đảm bảo đủ 6 tiêu chí quan trọng: kiến thức gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; trình độ tiếng Anh; kiến thức đối ngoại quốc phòng; khả năng hoạt động độc lập; phẩm chất chính trị và sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ phải dưới 55 tuổi để đảm bảo sống và làm việc được trong môi trường nhiều dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn và nguy hiểm ở châu Phi.
Mặc dù chuyên môn tham mưu, quân y, công binh của các sĩ quan Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu, nhưng vấn đề ngoại ngữ vẫn là một thách thức lớn. Những người biết ngoại ngữ chủ yếu là giảng viên hoặc làm chuyên môn kỹ thuật, không có trình độ quân sự. Một số ít sĩ quan chỉ huy chỉ nói được tiếng Nga hoặc tiếng Tây Ban Nha (do đào tạo ở Cuba) và đang giữ những cương vị cốt cán tại các đơn vị.
Trước thực trạng đó, ông Hoàng Kim Phụng (sau này trở thành Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam) cảm thấy như đi vào ngõ cụt. “Như thế này thì khó quá. Yêu cầu của Liên Hợp Quốc thì ta phải tìm được người vừa biết tiếng Anh, vừa có kiến thức gìn giữ hòa bình”, ông Phụng nói. Nghe vậy, Tướng Vịnh chỉ đáp ngắn gọn: “Khó cũng phải làm, Phụng ạ”.
Để giải quyết khó khăn, Tướng Vịnh giao cán bộ tìm trong toàn quân những người có kiến thức đáp ứng nhiệm vụ hoặc từng ra nước ngoài học về gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng chịu “nhả người” vì cán bộ biết ngoại ngữ luôn được coi là của hiếm và giữ lại làm “nguồn”.
Trước tình hình này, tướng Vịnh đã phải tính đến phương án đào tạo lại từ đầu, tổ chức tập huấn tại nước ngoài. Từ tổ năm người, bao gồm các sĩ quan Hoàng Kim Phụng (Tổ trưởng), Lưu Đình Hiến, Nguyễn Bá Hưng, Mạc Đức Trọng và Nguyễn Xuân Thành, ông yêu cầu nhanh chóng tìm kiếm, phát hiện nguồn cả trong và ngoài quân đội.
Nhiều năm công tác tại khu vực Mỹ – Latinh, ông Hoàng Kim Phụng là một trong số ít tướng lĩnh Việt Nam thông thạo ba ngôn ngữ: Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. “Chứng kiến Phụng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại nhiều quốc gia, tôi tin rằng ông hoàn toàn đủ khả năng đảm nhận những thử thách mới cho quân đội”, tướng Vịnh viết trong hồi ký.
Trong nhóm năm người ban đầu, ngoài ông Phụng còn có sĩ quan Mạc Đức Trọng, từng công tác tại Phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam ở Indonesia; ông Lưu Đình Hiến, từng giữ vị trí Phó Tùy viên Quốc phòng tại Mỹ và là giáo viên tiếng Anh; Nguyễn Xuân Thành, xuất thân từ một gia đình có cha là liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới. Thành viên cuối cùng là Nguyễn Bá Hưng, từng giữ chức Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 229, một chuyên gia giỏi về rà phá bom mìn.
Từng người lần lượt được tướng Vịnh cử đi tham gia các khóa huấn luyện, hội thảo về gìn giữ hòa bình do Mỹ, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, và Nepal tổ chức. Đây là cơ hội để họ tích lũy kinh nghiệm trước khi chính thức triển khai trên thực địa. Trước mỗi chuyến đi, các cán bộ được yêu cầu mang tài liệu khóa học về phục vụ công tác huấn luyện trong nước.
Trước khi nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, các sĩ quan phải tham gia khóa huấn luyện một tuần ở Uganda và hoàn thành ba bài kiểm tra về an ninh, an toàn và chống quấy rối tình dục. Liên Hợp Quốc còn kiểm tra trình độ tiếng Anh và kỹ năng lái xe địa hình.
Quân nhân cũng cần trau dồi kiến thức văn hóa, tôn giáo để phục vụ nhiệm vụ. Họ được hướng dẫn chi tiết về cách ứng xử, chẳng hạn không bắt tay hay động chạm phụ nữ Hồi giáo khi chào hỏi. Ngược lại, ở Mỹ – Latinh, việc hôn má từ lần gặp thứ hai là phổ biến. Nhiều nữ sĩ quan Mỹ – Latinh còn trêu bộ đội Việt Nam thiếu lịch sự khi chào họ, “chỉ vì nhiều anh em ngại kề má đồng nghiệp nữ”.
Dù mới thành lập, không khí học ngoại ngữ tại Trung tâm Gìn giữ Hòa bình rất sôi nổi. Trung tâm tổ chức hai lớp đào tạo ngoài giờ làm việc để cán bộ trong nước bắt kịp yêu cầu. Trung bình sau 12 tháng, một sĩ quan có thể đạt trình độ ngoại ngữ và kiến thức về gìn giữ hòa bình đủ thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài.
Những sĩ quan “thế hệ đầu” của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam luôn được tướng Vịnh lựa chọn kỹ lưỡng và dành nhiều sự tin tưởng. Trong hồi ký, ông đánh giá trung tá Mạc Đức Trọng có nền tảng ngoại ngữ vững chắc; tốt nghiệp Học viện Khoa học Quân sự và xuất thân là lính trinh sát nên dễ dàng thích nghi để trở thành sĩ quan thông tin. Trọng cũng nắm vững kiến thức về đối ngoại quốc phòng và gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Qua nhiều lần tiếp xúc, tướng Vịnh nhận thấy “Trọng là người quyết đoán và cá tính, luôn sẵn sàng xả thân cho những nhiệm vụ có tầm ảnh hưởng đến danh dự quốc gia”.
Trung tá Trần Nam Ngạn từng là cán bộ Cục Đối ngoại trước khi chuyển sang Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, là một quân nhân kỷ luật, thông minh và có khả năng phiên dịch tốt. “So với Trọng, Ngạn trầm tĩnh hơn, nhưng cả hai bổ sung cho nhau rất tốt”. Cả hai là những quân nhân mẫu mực, xuất thân từ gia đình có truyền thống quân đội và lý lịch trong sạch. Hai sĩ quan đã tham gia nhiều khóa huấn luyện về gìn giữ hòa bình ở nước ngoài, trưởng thành từ lĩnh vực đối ngoại quốc phòng và có quân hàm trung tá phù hợp với yêu cầu của Liên Hợp Quốc.
“Đó là lý do chúng tôi chọn hai người này đảm nhận nhiệm vụ đầu tiên trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc”, tướng Vịnh viết trong hồi ký.
Đại tá Mạc Đức Trọng (nay là Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam) cho biết tướng Vịnh luôn cởi mở trong việc tiếp thu ý kiến từ cấp dưới và chấp nhận sự khác biệt. Có lần ông tâm sự, mong muốn trong đội hình duyệt binh của quân đội sẽ có một khối của lực lượng Gìn giữ Hòa bình. Tuy nhiên, tại Lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024, tướng Vịnh không kịp chứng kiến khối nữ sĩ quan Gìn giữ Hòa bình “sải bước đầy tự hào và kiêu hãnh”.
Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, từ ban đầu chỉ có 36 cán bộ, chiến sĩ, nay đã được nâng cấp thành Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam với biên chế mở rộng. Hiện nay, tính cả lực lượng phối thuộc từ các đơn vị trong toàn quân thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, qua đời ngày 14/9/2023 sau thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 64 tuổi. Ngày 8/1/2025, Cục Gìn giữ hòa bình và NXB Quân đội nhân dân ra mắt sách “Hành trình vì hòa bình” của cố thượng tướng. Đây là hồi ức của tác giả với tư cách người trong cuộc, kể lại quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam.
* Bài viết sử dụng tư liệu từ sách “Hành trình vì hòa bình” của tướng Nguyễn Chí Vịnh