Xã Hội

Con người là trung tâm của sự phát triển thủ đô Hà Nội

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa thay mặt Bộ Chính trị ký, ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Bộ Chính trị lưu ý trong Quy hoạch thủ đô cần kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”

Văn hóa và con người là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển thủ đô

Theo Bộ Chính trị, Quy hoạch thủ đô cần có “tầm nhìn mới – tư duy mới toàn cầu, tư duy thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới – giá trị mới” trong phát triển thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại” cả trước mắt và lâu dài. Kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”, “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển thủ đô”…

Kết luận yêu cầu tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long – Hà Nội trong hơn 1.000 năm lịch sử và các tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Hà Nội để khai thác, phát huy tối đa cho phát triển thủ đô. Đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện.

Tập trung xây dựng kế hoạch và chương trình phát triển đô thị theo mô thức đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, vùng đô thị… để triển khai thực hiện 2 quy hoạch của thủ đô có hiệu quả, trong đó thể hiện rõ các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án lớn cần ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với phân kỳ thời gian, nguồn lực thực hiện, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Bộ Chính trị cũng lưu ý việc sắp xếp, phân bố không gian phát triển kinh tế – xã hội theo cấu trúc tâm – tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng, kết nối văn hóa và kết nối không gian số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối về giao thông, logistics để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của thủ đô Hà Nội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước.

“Thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc; đồng thời, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế – xã hội của thủ đô và các địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của thủ đô và khu vực đồng bằng sông Hồng”, kết luận nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh việc ưu tiên triển khai sớm việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm TP.Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt.

Bộ Chính trị: Con người là trung tâm của sự phát triển thủ đô Hà Nội- Ảnh 2.

Không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới”

Không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới”

Theo kết luận, Hà Nội cần tiếp tục rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực chủ yếu, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại khu vực nội đô lịch sử, quan tâm cải tạo, chỉnh trang đô thị trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác tối đa giá trị đất đai, giá trị các di tích văn hóa – lịch sử (với sự nâng tầm bằng công nghệ số), các trụ sở cũ, các khu phố cổ, các công trình kiến trúc Pháp để lại nhằm phát triển mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại; tiếp tục gia tăng diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ bằng việc khai thác đồng bộ, hiệu quả các không gian trên cao, mặt đất và không gian ngầm.

Cần nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng TP.Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế. Chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là tiềm năng hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch. Xác định khu vực dự trữ phát triển cho thế hệ tương lai.

Bộ Chính trị lưu ý, cần sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa như không gian Hoàng thành Thăng Long kết nối Ba Đình; không gian phố cổ kết nối cầu Long Biên; không gian quần thể di tích Cổ Loa; không gian làng cổ Đường Lâm; không gian một số làng nghề truyền thống. Xây dựng mới một số công trình văn hóa hiện đại, đặc sắc, đặc thù mang tính biểu tượng thời kỳ mới của thủ đô.

Đặc biệt, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là “biểu tượng phát triển mới” của thủ đô. Cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế – xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị trước năm 2035

Kết luận cũng nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ, không khí…, quy hoạch các khu xử lý rác thải, chất thải rắn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp bách, cần tập trung, ưu tiên thực hiện.

Cần đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.

Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời, giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập.

Có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô; có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía bắc sông Hồng; đồng thời tiến hành cải tạo, tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, an toàn cho người dân.

Chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại trung tâm chính trị Ba Đình; các không gian văn hóa, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh…

Xây dựng mô hình quận xanh, sinh thái thành hình mẫu tiêu biểu của cả nước; tăng cường các hành lang xanh, nêm xanh, thảm xanh để tăng diện tích đất xanh, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả trong nội thành, đặc biệt xanh hóa ở khu vực nội đô lịch sử. Phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới.

Nguồn