Xã Hội

Đề xuất Bộ trưởng Công an quyết định biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết

Chiều 3.6, kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục làm việc với phiên thảo luận tại hội trường về luật Cảnh vệ sửa đổi. Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Trước khi phiên thảo luận diễn ra, Bộ Công an đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến tại tổ của đại biểu Quốc hội đối với dự án luật nêu trên.

Dự thảo luật Cảnh vệ sửa đổi đề xuất nhiều nội dung mới so với quy định hiện hành

Trường hợp nào gọi là cấp thiết?

Theo quy định tại dự thảo, Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều 10 luật Cảnh vệ.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu xác định trường hợp nào là cấp thiết, tiêu chí xác định và phải quy định rõ trong luật cho chặt chẽ.

Bộ Công an cho hay, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường; ngoài việc bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Do đó, tùy tình hình an ninh, trật tự trong từng thời điểm, trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng (thường là trong phạm vi, thời gian nhất định).

Để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, đó là để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại.

Vẫn theo Bộ Công an, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác không được quy định tại điều 10 luật Cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của các bộ, ban, ngành, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Đến nay chưa xảy ra vấn đề gì lạm quyền.

Bộ Công an cũng khẳng định, việc đề xuất như dự thảo không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính, vì thực tế đã và đang được thực hiện trên cơ sở biên chế hiện có và tài chính hiện tại.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan, quy định rõ trường hợp cấp thiết áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không thuộc quy định tại điều 10 luật Cảnh vệ, gồm: theo đề nghị của người đứng đầu các cơ quan ở T.Ư, người đứng đầu chính quyền địa phương, đại sứ quán các nước.

Đề xuất Bộ trưởng Công an quyết định biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết- Ảnh 2.

Phiên họp sáng 3.6 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Luật hóa việc kiểm soát ra vào tại một số khu vực trọng yếu

Quá trình cho ý kiến đối với dự thảo luật, một số đại biểu đề nghị cân nhắc giữ như luật hiện hành quy định về biện pháp cảnh vệ đối với khu vực trọng yếu.

Giải trình nội dung này, Bộ Công an cho hay, dự thảo luật bổ sung biện pháp cảnh vệ “kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực” áp dụng đối với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn (Q.Ba Đình, Hà Nội) là xuất phát từ thực tiễn yêu cầu công tác cảnh vệ.

Qua tổng kết thi hành luật Cảnh vệ năm 2017 cho thấy, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn là những khu vực trọng yếu. Nếu không áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an ninh, an toàn cho các đối tượng cảnh vệ này.

Thực tế, trong những năm qua, lực lượng cảnh vệ đã phải triển khai áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khu vực này.

Cùng đó là kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý ngay các hành vi mang chất nổ, chất cháy, công cụ, phương tiện nguy hiểm hoặc các hành vi phá hoại khác đối với khu vực trọng yếu nêu trên.


Nguồn