Tài Chính

Trung Quốc phát triển du lịch điện hạt nhân

Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (China General Nuclear Power Group, CGN) mới đây vừa chính thức mở hệ thống đặt chỗ trực tuyến, cho phép người dân nước này tham quan 9 nhà máy điện hạt nhân hàng đầu trên khắp cả nước, trong đó có 1 cơ sở ở Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, tiếp giáp với Việt Nam.

Một dự án điện hạt nhân ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Đây là hệ thống đặt chỗ du lịch đầu tiên của ngành điện hạt nhân Trung Quốc. Việc mở hệ thống được tổ chức cùng thời điểm với sự kiện CGN công bố “Sách Trắng du lịch ngành điện hạt nhân” nhân ngày trải nghiệm dành cho công chúng hôm 7/8. Đây cũng là sách trắng đầu tiên về du lịch điện hạt nhân của nước này.

Cuốn sách bao gồm các thông tin du lịch dành cho khách tham quan, như bản đồ tuyến du lịch của 9 cơ sở điện hạt nhân.

Theo lãnh đạo tập đoàn, Nhà máy điện hạt nhân Tam Áo (San’ao) được xây dựng gần bờ biển Ôn Châu, phía Đông Nam tỉnh Chiết Giang đã trở thành điểm check-in chụp ảnh nổi tiếng trên mạng xã hội nước này.

Ngoài mục đích thúc đẩy du lịch địa phương, CGN cũng mong muốn cách làm này có thể nâng cao lòng tin của công chúng vào ngành điện hạt nhân.

Người phát ngôn của CGN Quách Tân Cương phát biểu tại sự kiện ra mắt nhấn mạnh, đây không chỉ là hoạt động nhằm phổ biến khoa học cộng đồng, mà còn là một hoạt động thăm dò và thực hành quan trọng trong lĩnh vực du lịch điện hạt nhân. “Điều này không chỉ giúp nâng cao hiểu biết khoa học và niềm tin của công chúng đối với điện hạt nhân, mà còn góp phần vào sự phát triển chất lượng cao của ngành điện hạt nhân” Trung Quốc.

Được biết, Trung Quốc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân thương mại quy mô lớn đầu tiên vào ngày 7/8/1987. Từ năm 2013, CGN lấy ngày 7/8 là ngày trải nghiệm cộng đồng. Đến nay, sự kiện này đã tổ chức được 20 lần.

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 150 lò phản ứng hạt nhân mới từ năm 2020-2035. Tính đến tháng 4/2024, có 26 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở nước này. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực phát triển ngành năng lượng hạt nhân, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon, tức loại bỏ hoàn toàn khí nhà kính vào năm 2060.

Nguồn