Siêu công trình dưới lòng đất bảo vệ cả thành phố Tokyo khỏi lũ lụt
Thành phố Tokyo ở Nhật Bản nằm trong khu vực dễ xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão và mưa lớn, có thể gây ra lũ lụt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Tokyo có địa hình trũng thấp cắt ngang bởi năm hệ thống sông lớn và hàng chục con sông nhỏ. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, công nghiệp hóa nhanh chóng và khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát khiến một số khu vực bị sụt lún, làm tăng nguy cơ ngập lụt cho thành phố.
Dù Nhật Bản trải qua hàng thế kỷ chống lũ, hệ thống chống ngập ở Tokyo hiện nay chỉ thực sự hình thành sau chiến tranh.
Năm 1947, cơn bão Kathleen đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, khiến hàng nghìn người dân thành phố thiệt mạng. Một thập kỷ sau, bão Kanogawa tiếp tục tàn phá Tokyo, khiến đường phố, nhà cửa và các cơ sở kinh doanh bị ngập lụt.
Với vị thế là trung tâm kinh tế toàn cầu và trung tâm đô thị đông dân của Tokyo, chính phủ Nhật Bản quyết tâm hành động chống lũ lụt. Sau nhiều thập kỷ lên kế hoạch và xây dựng những công trình tương ứng, Tokyo hiện sở hữu hệ thống chống lũ với hàng chục con đập, hồ chứa và đê.
Ấn tượng nhất trong hệ thống này là Kênh xả nước Ngầm khu vực Đô thị (MAOUDC), siêu công trình dưới lòng đất Tokyo, xây dựng bên cạnh các tuyến đường tàu điện ngầm và đường ống dẫn khí đốt của thành phố.
Theo Japan Daily , công trình MAOUDC khởi công năm 1992 và hoàn thành vào năm 2009, với tổng chi phí 2,6 tỷ USD.
Hệ thống này hút nước từ những con sông nhỏ tại khu vực phía bắc Tokyo, sau đó đổ về 5 bể trụ. Mỗi bể trụ có đường kính khoảng 30 m và sâu 70 m, đủ lớn để chứa một tàu con thoi hoặc tượng Nữ thần Tự do của Mỹ.
Nước sau đó lưu chuyển qua một đường hầm dài 6,3 km với đường kính 10,6 m dẫn đến một bể chứa ngầm khổng lồ nằm bên dưới Kasukabe, một khu vực ngoại ô ở phía bắc Tokyo.
Bể chứa ngầm này dài 177 m, rộng 78 m và cao 25 m, được 59 cột bê tông khổng lồ chống đỡ trần bể. Bể có thể chứa tới 670.000 m3 nước, đủ để lấp đầy 300 bể bơi kích thước Olympic.
Nước lưu trữ trong bể được 78 máy bơm công suất lớn xả ra sông Edo, con sông đủ lớn để xử lý lượng nước bổ sung mà không gây ngập lụt. Nếu tất cả các máy bơm cùng hoạt động, chúng chỉ mất 2 – 3 giây để xả hết nước trong hồ với công suất lên tới 200 tấn nước mỗi giây.
Kể từ khi hoàn thành, hệ thống MAOUDC đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thành phố Tokyo. Hệ thống này đã được kích hoạt nhiều lần trong các cơn bão và mưa lớn, chuyển hướng thành công nước lũ và giảm thiểu những thiệt hại đáng kể cho thành phố.
Hệ thống MAOUDC giảm thiểu những thiệt hại đáng kể cho thành phố Tokyo trong mùa bão lũ.
Siêu công trình dưới lòng đất này cũng trở thành một điểm đến phổ biến cho du khách và những người đam mê kỹ thuật. Chính quyền thành phố Tokyo cung cấp các tour du lịch có hướng dẫn tại đây, mang đến cho du khách cái nhìn cận cảnh về một trong những kỳ công kỹ thuật ấn tượng nhất thế giới.
Những tour này cũng mang mục đích giáo dục, giúp nâng cao nhận thức về kiểm soát lũ lụt và phòng chống thiên tai.
“Nó giống như một cơ sở trong truyện khoa học viễn tưởng” , Miki Inaoka, chuyên gia về thảm họa tại JICA, cho biết sau một chuyến thăm MAOUDC.
Tuy nhiên, Inaoka cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ thách thức cơ sở hạ tầng chống ngập của Tokyo, khi thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và khó lường hơn, khiến việc lên kế hoạch ứng phó với lũ lụt trở nên khó khăn.
Dựa trên hồ sơ lượng mưa trong lịch sử, các cơ quan quy hoạch thành phố đã thiết kế hệ thống phòng thủ của Tokyo có thể chịu được lượng mưa lên tới 50 mm/giờ, đặc biệt là ở những khu vực tập trung nhiều người và tài sản.
Tuy nhiên, ước tính trong thế kỷ 21, lượng mưa ở Nhật Bản có thể tăng 10%. Vào mùa hè, con số đó có thể lên tới 19%.