Phụ Nữ

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, ‘Bà phù thủy’ sắc màu

Vì những cống hiến cho khoa học của mình, năm 1993 PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đã vinh dự được nhận giải thưởng Kovalevskaia – một giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ. Từ kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sơn, bà đã tạo dựng, thành lập nên thương hiệu sơn KOVA và với chất lượng vượt trội và những tính năng ưu việt về màu sắc, độ bền và đặc biệt là sự an toàn đối với môi trường, sơn KOVA ngày càng khẳng định được vị trí, sự tín nhiệm của khách hàng trong và ngoài nước.

Trong “làng hóa học” Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất sơn, hoàn toàn có thể gọi PGS.TS Nguyễn Thị Hòe là “bà phù thủy” với phép biến hóa ma thuật. Cô sinh viên, một nách ba con vừa đi học đại học vừa mò cua, bắt ốc và nuôi lợn để cải thiện cuộc sống, vừa dạy thêm cho sinh viên, vừa học lớp “đào tạo giảng viên”. Đối mặt với khó khăn về vật chất, bà vẫn tìm ra hướng nghiên cứu khoa học tích cực và thực tế…

Chỉ có thể là “Phù thủy” mới có được những thành tựu khoa học ở nhiều lĩnh vực sơn, vật liệu chống thấm và cả dược phẩm… Chỉ có phù thủy mới có đủ dũng cảm khi quyết định bán chiếc xe máy, tài sản quý nhất của mình, lấy tiền sang Mỹ học hỏi. Và không ai khác, cũng chính bà “phù thủy” Nguyễn Thị Hòe – người dám mang sản phẩm son KOVA do mình nghiên cứu, chế tạo sang “thi thố” ở Singapore – một thị trường có tiếng là khắt khe với bất cứ sản phẩm nào có nguồn gốc hóa học…

Là kỹ sư hóa học xuất sắc, không ngừng học hỏi và sáng tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đã “xuất xưởng” những sản phẩm sơn có tính năng cực kỳ ưu việt, tạo bước đột phá trong qui trình nghiên cứu và chế tạo sơn khiến nhiều tập đoàn sơn ở các nước phát triển phải thừa nhận. Những thành công trong nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn và được tái đầu tư để nghiên cứu khoa học đã làm nên thành công cho sơn KOVA cùng với tên tuổi của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe. Không bao giờ quảng cáo sản phẩm, chi phí ấy được dành để trao giải thưởng cho sinh viên, cho các sáng tạo khoa học phục vụ cộng đồng

Ngoài 70 tuổi, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe vẫn miệt mài nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm mới

 Đến với khoa học như một cơ duyên, từ một sinh viên tốt nghiệp khóa 11 khoa Hóa Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1971, nhờ kết quả học tập xuất sắc, bà được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy và từ đây bà bắt tay vào các đề tài nghiên cứu cho dù con đường đến với nghiên cứu khoa học của bà vô cùng gian nan.

Bà chia sẻ: “Lúc ấy chỉ nghĩ nếu mình chỉ giảng dạy mà không nghiên cứu khoa học thì khi dạy không hay, không có thực tế. Nếu mình có những nghiên cứu khoa học khi mình nói với sinh viên, dạy cho sinh viên nó hấp dẫn hơn, vì mình có thể đưa nghiên cứu khoa học vào chương trình giảng dạy. Nhờ có nghiên cứu, mới thấy những đề tài có tính ứng dụng rất tốt. Bị lôi cuốn vào đề tài vô cùng khó khăn tôi vẫn tham gia. Có thể nói cuộc đời khoa học của tôi có cả máu và nước mắt. Đã có lúc xảy ra tai nạn khi có những thí nghiệm hydro hóa phát nổ, mọi người chạy hết, mình vẫn đứng đấy. Thậm chí, càng đi sâu vào nghiên cứu càng gặp khó khăn vì không có tiền”.

Những đề tài nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đều xuất phát từ những khó khăn trong cuộc sống, nhưng “cái khó ló cái khôn”. Ngày còn ở Đại học Bách khoa Hà Nội, bốn mẹ con bà sống trong căn nhà dột nát, trên nóc màn lúc nào cũng phải treo tấm nilon, buộc bốn góc. Thỉnh thoảng nước mưa đầy nặng làm đứt luôn dây buộc, nước dội vào người, nửa đêm mẹ con phải dậy thay quần áo. Lúc ấy PGS.TS Nguyễn Thị Hòe càng quyết tâm chống dột. Đi đâu cũng tìm hiểu, tích lũy những kiến thức về lĩnh vực này và mày mò nghiên cứu, sản xuất thử. Từ cô sinh viên một nách ba con nhỏ mới đến giảng đường, bây giờ PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đã trở thành Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn sơn KOVA với 12 công ty và bảy nhà máy có tên tuổi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.

Không hài lòng với những thành tựu đã đạt được, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe là người tiên phong với các xu hướng nghiên cứu mới. Khi đi qua những khúc sông ở đồng bằng Sông Cửu Long thấy vỏ trấu trôi lềnh bềnh, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm, bà nảy ra ý tưởng lấy vỏ trấu về phân tích rồi xay nó ra, trộn với compozit thành từng tấm lợp. Thấy nó có những tính năng chống nóng tốt, bà bắt đầu nghiên cứu tách nó ra làm nguyên liệu sản xuất sơn.

Thành lập từ năm 2002, 14 năm qua Quỹ giải thưởng KOVA của Tập đoàn sơn KOVA đã chọn trao giải cho gần 300 cá nhân và tập thể có đề tài nghiên cứu và có những đóng góp mang lại lợi ích cho cộng đồng và trao học bổng cho gần 2000 sinh viên nghèo vượt khó ở các trường ĐH trong cả nước, với số tiền hàng chục tỷ đồng. Không chỉ là sự mong đợi vì giá trị vật chất của suất học bổng, giải thưởng KOVA đã nhận được sự trân trọng của rất nhiều người, bởi đó là tấm lòng của một nhà giáo, nhà khoa học có tài và có tâm với sự nghiệp trồng người.Phát triển công nghệ sạch, bảo vệ môi trường là định hướng phát triển của KOVA. Không dùng chất vô cơ mà dùng các chất hữu cơ không gây độc hại để nghiên cứu ra sản phẩm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường là đích đến của KOVA. Đã ngoài 70 tuổi, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe vẫn miệt mài nghiên cứu cải tiến công nghệ làm sơn để cho ra đời những dòng sản phẩm mới với tính năng tuyệt vời, đủ sức cạnh tranh với các hãng sơn lớn trên thế giới.



Nguồn