Thị Trường

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mưa lớn, triều cường cao

Vì sao mưa giông, sấm sét có xu hướng tăng?

Trong những ngày qua, cuộc sống của nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh có phần bị đảo lộn do vào giờ tan ca phải đối mặt với tình trạng mưa lớn, sấm sét to, kẹt xe và ngập nước ở nhiều khu vực.

Liên tục nhiều ngày qua mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường ở TP.HCM

Theo thống kê của cơ quan chức năng thành phố, có đến 18 tuyến đường ở nhiều quận khác nhau thường xuyên bị ngập; trong đó có 13 tuyến đường thường xuyên ngập do mưa và 6 tuyến đường ngập do triều cường.

Đặc biệt, hiện tượng sấm sét nhiều, lớn và liên tục cũng là điều bất ngờ, gây sợ hãi với nhiều người dân thành phố. Chị Nguyễn Minh An, một nhân viên văn phòng ở Q.3, chia sẻ: “Thật hiếm khi thấy mưa to và sấm sét dồn dập như những ngày qua, đặc biệt là trong những ngày đầu tuần. Sấm to đến mức nhiều người lớn giật mình. Nhà tôi ở TP.Thủ Đức ngày nào tan ca về nhà cũng phải đi qua khu vực cầu vượt Hàng Xanh. Những ngày qua do ảnh hưởng của mưa lớn vào buổi chiều nên thường xuyên kẹt xe kéo dài cả tiếng đồng hồ. Có ngày để tránh kẹt xe tôi phải đăng ký ở lại công ty tăng ca thêm 2 tiếng đồng hồ”.

TP.HCM thay thế cây cổ thụ để tránh nguy hiểm cho người dân khi gãy đổ

Anh Phan Quốc Nam (ngụ Q.Bình Tân) lại “khổ” theo một kiểu khác. Từ trung tâm thành phố về nhà anh có một số khu vực bị kẹt xe cục bộ, bản thân anh có thể tìm đường né được. Tuy nhiên, khi anh về gần đến nhà ở đường Hồ Học Lãm thì lại đối mặt với tình trạng ngập nước. Có hôm mưa nhỏ, ngập ít thì cũng phải mất 30 – 40 phút nước mới rút hết, hôm nào mưa to thì nước ngập kéo dài đến 2 – 3 tiếng đồng hồ. “Mùa này mưa nhiều trời đỡ nóng hơn lúc đầu năm, nhưng lại phải đối mặt với nhiều nỗi khổ khác cũng vất vả không kém”, anh Nam nói.

Trung bình ở Nam bộ một năm có từ 100 – 130 ngày có giông sét. Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của tình trạng trái đất ấm lên nên số ngày có giông sét có xu hướng gia tăng và cường độ sét cũng có xu hướng mạnh và nhiều hơn. Người dân cần chú ý phòng tránh sét cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp xích đạo có trục đi qua khu vực nam Trung bộ, sau đó dịch chuyển dần xuống phía nam, kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, tác động gây mưa giông, mưa to diện rộng, sấm sét trên khu vực Nam bộ. Đến ngày 15 – 16.10, rãnh áp thấp có xu hướng hoạt động mạnh trở lại và dịch chuyển dần lên phía bắc do không khí lạnh suy yếu. Trong 10 ngày tới, TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ tiếp tục có mưa giông, sấm sét và gió giật mạnh, cần đề phòng mưa lớn gây ngập cục bộ vùng trũng thấp.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Tình trạng giông sét được hình thành bởi các ổ mây giông trên độ cao 7 – 8 km so với mặt đất, do quá trình nước bốc hơi tạo thành mây đối lưu. Rãnh áp thấp xích đạo tạo điều kiện hình thành chuỗi các ổ mây giông. Thường thì mỗi ổ mây giông có thể gây ra tình trạng sấm sét kéo dài từ 5 – 7 phút. Những ngày qua, giông sét kéo dài là do trên rãnh thấp có rất nhiều ổ mây giông, chúng hoạt động thành chuỗi liên tục.

Thông thường rãnh thấp xích đạo sẽ dịch chuyển xuống khu vực Nam bộ vào giai đoạn cuối tháng 10 đầu tháng 11 nhưng năm nay mới đầu tháng 10 đã xuất hiện trên khu vực này. Nguyên nhân là do không khí lạnh xuất hiện sớm đẩy rãnh thấp ở Trung bộ dịch chuyển xuống phía nam. Đây là điều khá bất thường của hình thái thời tiết trong năm nay.

“Do tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng khiến nhiệt độ trái đất ngày càng ấm hơn. Nhiệt độ không khí tăng, nước bốc hơi nhiều. Đây là điều kiện lý tưởng để hình thành những đám mây giông kèm theo sét. Trung bình ở Nam bộ một năm có từ 100 – 130 ngày có giông sét. Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của tình trạng trái đất ấm lên nên số ngày có giông sét có xu hướng gia tăng và cường độ sét cũng có xu hướng mạnh và nhiều hơn. Người dân cần chú ý phòng tránh sét cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan”, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan khuyến cáo.

Thời tiết cuối năm diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khả năng La Nina sắp xuất hiện khiến cho mưa bão tiếp tục kéo dài và phức tạp. Trên khu vực Biển Đông, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện từ bằng đến cao hơn trung bình nhiều năm. Từ nay đến tháng 12, có khả năng xuất hiện khoảng 4 – 5 cơn bão, trong đó có 2 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan giải thích các mô hình dự báo quốc tế cho thấy từ sau ngày 20.10, ở phía đông của Philippines có khả năng hình thành một áp thấp nhiệt đới. Nhưng hiện nay do ảnh hưởng của nhiều hình thái thời tiết khác nhau như không khí lạnh, rãnh áp thấp xích đạo nên thời tiết biến đổi rất nhanh và mạnh. Không khí lạnh khiến nhiệt độ cả không khí và nước biển trên bề mặt đều hạ thấp nên khó hình thành bão hơn. Những yếu tố này khiến cho độ chính xác của các dự báo bão chỉ còn ở mức từ 5 ngày trở lại nên người dân, đặc biệt là các phương tiện hoạt động trên biển, cần chú ý theo dõi các thông tin thời tiết thường xuyên.

Các chuyên gia khuyến cáo sự xuất hiện của La Nina khiến mùa mưa ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ có thể kéo dài đến nửa cuối tháng 12. Giai đoạn tháng 10 – 11, bão thường ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung và Nam bộ. Đặc biệt, tại các tỉnh miền Trung người dân cần chú ý đề phòng tình trạng bão gây lũ lụt, sạt lở đất. Có khả năng mưa lớn trên diện rộng kéo dài từ 3 – 5 ngày liên tiếp.

Cảnh báo lũ kết hợp triều cường gây ngập ở TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cảnh báo: Lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tiếp tục giảm trong 2 – 3 ngày tới, sau đó tăng trở lại theo triều và đạt đỉnh vào kỳ triều cường ngày 18 – 20.10 (kỳ triều giữa tháng 9 âm lịch) tại Tân Châu trên sông Tiền đạt 3,1 – 3,2 m, còn tại Châu Đốc trên sông Hậu đạt 3 – 3,1 m; thấp hơn mức đỉnh hồi đầu tháng 10. Tuy nhiên, do triều cường dự báo cao hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm và cao hơn mức báo động 3.

Đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu dự báo vượt báo động 3 từ 10 – 20 cm, còn tại Mỹ Thuận trên sông Tiền cao hơn báo động 3 từ 20 – 30 cm. Trong trường hợp cực đoan, vào thời điểm triều cường dâng cao xuất hiện thêm mưa lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể tăng thêm từ 5 – 10 cm. Cảnh báo: Triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ĐBSCL vào các ngày từ 17 – 22.10. Đặc biệt là trên địa bàn vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL gồm TP.Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long. Các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; khu vực ven sông lớn và khu vực cồn (cù lao) giữa sông thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng. Một số địa phương vùng bán đảo Cà Mau gồm TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, H.Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang, TP.Cà Mau tỉnh Cà Mau…


Nguồn