Xã Hội

Miền Tây vào vụ hoa Tết

Hai làng hoa lớn nhất miền Tây là Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) đã xuống giống hoa Tết, một số hoa được trồng với số lượng nhiều hơn năm trước.

Giữa tháng 10, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) lớn nhất miền Tây vào mùa sản xuất cuối năm. Năm nay làng hoa xuống giống 70 ha hoa Tết, chủ yếu tập trung vào các giống truyền thống như cúc, vạn thọ, cát tường, hạnh. Các nhà vườn trồng khoảng 100.000 giỏ cúc mâm xôi nhiều màu, gấp hàng chục lần năm ngoái.

Anh Đặng Văn Út, ở phường An Hòa, TP Sa Đéc, trồng 10.000 giỏ cúc mâm xôi nhiều màu tăng gấp 5 lần năm ngoái. Hoa gieo từ rằm tháng 8 âm lịch, bắt đầu ngắt nụ lần đầu tiên. Giống cúc mới với các màu đỏ, cam, tím, hồng, nông dân phải chong đèn từ lúc trồng đến khi ra hoa.

Anh Đặng Văn Út bơi xuồng chăm sóc vườn cúc mâm xôi nhiều màu. Ảnh: Ngọc Tài

Theo chủ vườn, năm nay thời tiết mưa nhiều khiến cây chậm lớn, triều cường dâng cao làm hoa bị úng, hao hụt khoảng 5%. “Năm ngoái quá hút hàng nên năm nay tôi cùng nhiều nông dân trồng cúc nhiều màu”, anh Út nói, cho biết hiện 20% sản lượng được đặt hàng, còn lại chờ bán cho thương lái vào cận Tết.

Lo ngại thị trường tiêu thụ chậm vì kinh tế khó khăn, anh Nguyễn Văn Hiệp, nhà ở xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, chỉ trồng 3.500 giỏ hoa cúc mâm xôi truyền thống, giảm 1.500 giỏ so với năm ngoái. Chủ vườn cũng gieo thêm gần 500 giỏ vạn thọ, loại nhỏ bán vào rằm tháng 10.

“Thương lái ăn dày chứ nông dân trồng hoa Tết dễ thua lỗ”, anh Hiệp nói và cho biết năm ngoái anh lỗ khoảng 100 triệu đồng do hoa sụt giá, khó bán.

Ở gần đó, bà Nguyễn Thị Bảy, trồng 3.000 chậu hoa cát tường bán Tết, tương đương sản lượng năm ngoái. Theo bà, chi phí sản xuất năm nay tăng cao hơn các năm từ 10-20%, chủ yếu là phân rơm, có dấu hiệu khan hàng. Năm ngoái bà suýt lỗ với hoa Tết vì giá bất ngờ giảm gần 50%, ít thương lái hỏi mua.

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, hoa phục vụ Tết Nguyên Đán 2025 ở địa bàn khoảng 70 ha, chiếm 7% diện tích sản xuất hoa, kiểng toàn thành phố. Trong đó cúc mâm xôi truyền thống là 75.000 giỏ, mâm xôi màu 100.000 giỏ và cúc Đài Loan 100.000 giỏ.

Tại Chợ Lách (Bến Tre), làng hoa lớn chỉ sau Sa Đéc, những ngày này dọc quốc lộ 57 qua các xã Long Thới, Vĩnh Thành nông dân đang vào vụ Tết.

Anh Trần Duy Khoa, 40 tuổi, xã Long Thới, cho biết vườn có 4.500 chậu cúc mâm xôi vàng. Số cúc này anh xuống giống từ giữa tháng 6, hiện được 3 tháng tuổi, cây phát triển tốt. Năm ngoái, cúc mâm xôi tại vườn nhà anh bán được giá, từ 150.000-160.000 đồng một cặp, trừ chi phí, anh lãi hơn 150 triệu đồng.

Vườn cúc mâm xôi truyền thống của anh Trần Duy Khoa. Ảnh: Hoàng Nam

Vườn cúc mâm xôi truyền thống của anh Trần Duy Khoa. Ảnh: Hoàng Nam

Năm nay, trên địa bàn nhiều nông dân chuyển sang trồng cúc mâm xôi nhiều màu, giá bán cao gần gấp đôi so với truyền thống. Tuy nhiên, theo anh Khoa loại cúc nhiều màu thời vụ thu hoạch ít hơn hai tháng nhưng cây giống đắt, vừa phải tốn công chong đèn.

“Quan trọng nhất là nhiều người đổ xô trồng giống mới nên có khả năng cung vượt cầu, hoa sẽ bị dội chợ”, anh Khoa nói.

Ông Trần Hữu Nghị, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chợ Lách, thông tin địa phương có 13.000 hộ dân trồng hoa, giống cây ăn quả với hơn 600 ha, 15-17 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh phục vụ Tết mỗi năm, riêng các loại hoa nở khoảng 8 triệu sản phẩm.

Năm nay thời tiết khá thuận lợi, không quá cực đoan nên các sản phẩm hoa Tết tăng khoảng 10%. “Đa số nông dân địa phương đã có kinh nghiệm nhiều năm, chủ yếu bán cho các thương lái quen nên hy vọng năm nay trúng mùa, được giá”, ông Nghị nói.

Ngọc Tài – Hoàng Nam


Nguồn