Diện mạo Sầm Sơn đến năm 2040 sẽ như thế nào?
Khu vực nào là trung tâm của TP.Sầm Sơn?
Ngày 1.11, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành quyết định về chương trình phát triển đô thị Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Mục tiêu nhằm xây dựng TP.Sầm Sơn trở thành đô thị có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, hài hòa, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…, đưa Sầm Sơn thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện; trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Theo quy hoạch, đô thị Sầm Sơn sẽ phân thành nhiều khu vực có định hướng phát triển rõ ràng. Cụ thể, khu vực A có diện tích tự nhiên hơn 734 ha, thuộc địa giới hành chính của các phường Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Cư. Được xác định là trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, với các dịch vụ phục vụ du lịch, vui chơi giải trí, các khu nghỉ dưỡng, các hoạt động du lịch ven sông, ven biển.
Khu vực B diện tích 677 ha, thuộc địa giới hành chính các phường Quảng Thọ, Quảng Vinh, Trường Sơn và các xã Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại. Chức năng là khu vực phát triển đô thị, du lịch và dịch vụ trên cơ sở phát huy tiềm năng bãi tắm, các khu vực dân cư hiện có kết hợp với du lịch cộng đồng.
Khu vực C diện tích hơn 215 ha, thuộc địa giới hành chính P.Trường Sơn. Chức năng là khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; là nơi bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, nhân văn đặc sắc; là di tích thể hiện đầy đủ nhất quá trình hình thành phát triển của tự nhiên, phong tục tập quán, tín ngưỡng, xã hội và văn hóa, có lịch sử gắn liền với bối cảnh lịch sử của con người và vùng đất Sầm Sơn.
Ở phía tây bắc Sầm Sơn được quy hoạch là khu vực D, diện tích 344 ha, thuộc địa giới hành chính các phường Quảng Vinh, Quảng Châu, Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Tiến. Chức năng là khu vực phát triển du lịch và dịch vụ trên cơ sở phát huy tiềm năng cảnh quan hai bên sông Đơ, du lịch cộng đồng, đô thị du lịch sinh thái.
Khu vực E diện tích hơn 483 ha, thuộc địa giới hành chính của các phường Quảng Cư, Quảng Thọ, Quảng Tiến, Quảng Châu. Chức năng là khu cảng biển, cảng cá, bến thuyền du lịch và các dịch vụ cầu cảng; là phân khu đô thị du lịch sinh thái, dịch vụ hỗn hợp, cụm công nghiệp.
Khu vực F diện tích 905 ha, thuộc địa giới hành chính các phường Quảng Vinh, Quảng Thọ, các xã Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại. Chức năng là các khu dân cư đô thị mới; khu vực tổ chức các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; khu vực dự trữ quỹ đất cho phát triển mở rộng đô thị Sầm Sơn trong dài hạn.
Khu vực G có diện tích hơn 545 ha, thuộc một phần địa giới hành chính các phường Trường Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Quảng Tiến và Quảng Cư. Chức năng là khu nhà ở, dịch vụ, trung tâm thể dục thể thao, cây xanh đô thị.
Cuối cùng là khu vực H diện tích 744 ha, thuộc một phần địa giới hành chính các phường Quảng Vinh, Quảng Châu, Quảng Thọ. Chức năng là trung tâm hành chính, trung tâm tài chính, thương mại, và các khu đô thị mới.
Cần hơn 86.500 tỉ đồng để phát triển đô thị Sầm Sơn đến năm 2040
Để hiện thực hóa chương trình phát triển đô thị Sầm Sơn đến năm 2040, quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa đã chia mục tiêu đầu tư, phát triển cho từng giai đoạn cũng như xác định các công trình, dự án sẽ được đầu tư mới, hoặc tiếp tục đầu tư.
Trong đó, Sầm Sơn sẽ được đầu tư nhiều công trình đường giao thông lớn, mới hoặc tiếp tục đầu tư, như: đường tây Sầm Sơn đoạn từ đại lộ Nam sông Mã đến QL47; đường Hai Bà Trưng từ đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo; cải tạo đường Tây Sơn; đường ven biển và cầu bắc qua sông Mã đoạn từ QL47 đến H.Hoằng Hóa; đường Voi – Sầm Sơn đoạn từ đường 4A đến đường 4C; trục cảnh quan đoạn từ QL10 đến đường 4C…
Giai đoạn 2026 – 2030, Sầm Sơn sẽ tập trung đầu tư một số công trình, hạ tầng kỹ thuật lớn và mang tính bứt thiết, đó là nhà máy xử lý chất thải rắn và xử lý rác thải di chuyển từ bãi rác Trung Sơn; nhà máy xử lý nước thải; nghĩa trang nhân dân; cảng Hới; khu đô thị quảng trường biển; khu nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí nam Sầm Sơn…
Đáng chú ý, từ nay đến 2040, TP.Sầm Sơn sẽ có nhiều dự án, công trình được xây dựng có giá trị hàng trăm tỉ đồng, như xây dựng khu trung tâm thể dục, thể thao rộng 12,6 ha với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng; xây dựng bệnh viện khách sạn theo hình thức du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe; xây dựng quảng trường tâm linh ở khu vực chân đền Độc Cước…
Để thực hiện chương trình phát triển đô thị Sầm Sơn đến năm 2040, theo quyết định sẽ phải đầu tư hơn 86.500 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn.
TP.Sầm Sơn hiện có diện tích tự nhiên 4.495,2 ha, với 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: các phường Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Cư, Quảng Tiến, Quảng Vinh và 3 xã Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Sầm Sơn sẽ sáp nhập xã Quảng Hùng và xã Quảng Đại thành xã mới (dự kiến tên mới là xã Đại Hùng). Mở rộng khu vực nội thành, thành lập 2 phường từ xã Quảng Minh và xã Đại Hùng.