Phụ Nữ

Học cách tiết kiệm kỷ luật qua 4 việc này, tôi có cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn dù thu nhập vẫn vậy

Ở tuổi 35, khi nhìn lại quá trình tích lũy của bản thân trong những năm tháng trước, tôi chợt nhận ra rằng thời trẻ, mình có thể tìm niềm vui từ việc tiêu tiền, nhưng đến khi trung niên, chỉ có tiết kiệm, có số dư dồi dào trong tài khoản mới mang lại niềm vui, sự an tâm.

Nhưng khi bắt đầu theo đuổi mục tiêu tiết kiệm để đạt được tự do tài chính, tôi lại gặp phải vô vàn trở ngại, mà điều lớn nhất chính là không thể duy trì được tính kỷ luật trong việc lập ngân sách, chi tiêu hàng ngày, hàng tuần.

Giờ đây, tôi đã có thể tự tin nói rằng mình đã tiết kiệm một cách có kỷ luật, không còn trồi sụt mỗi tháng một con số, nhờ vào 4 điều đơn giản dưới đây.

1 – Không mua đồ online

Ưu điểm của việc mua sắm online chính là tiết kiệm thời gian đi lại, có thể mua được hàng với giá ưu đãi hơn nhờ voucher giảm giá. Tuy nhiên, nhược điểm rất lớn của hình thức mua sắm này chính là tôi không thể chắc chắn được món đồ mình đặt về liệu có phù hợp, vừa vặn với bản thân hay không, đặc biệt là với những mặt hàng như quần áo, giày dép, túi sách.

Đôi khi sai số về kích thước, màu sắc hoặc chất liệu sản phẩm khiến tôi chán nản, chẳng muốn dùng nữa dù đồ còn mới.

Ảnh minh họa

Những món đồ như vậy chính là tiền của đang bị lãng phí. Vậy nên khoảng 5 năm trở lại đây, tôi hoàn toàn không còn mua sắm online nữa. Mỗi năm, tôi chỉ đi shopping 2 lần, một lần vào mùa hè, một lần vào mùa đông.

Trực tiếp thử đồ, trực tiếp kiểm tra chất lượng vải giúp tôi không chỉ mua được trang phục phù hợp, có độ bền cao, mà còn khiến tủ đồ gọn gàng hơn hẳn.

2 – Không mua những món đồ có tuổi thọ dưới 2 năm

Đây là tiêu chí tôi đặt ra với những đôi giày và những chiếc túi xách mà bản thân chọn mua. Tôi không bao giờ mua giày và túi xách hàng hiệu, nhưng cũng không bao giờ chọn mua những đôi giày hoặc những chiếc túi xách quá rẻ, không có thương hiệu rõ ràng vì chúng sẽ hỏng rất nhanh.

Trong suốt 3 năm qua, tủ giày của tôi chỉ có 2 đôi giày thể thao, 1 đôi cao gót và 1 đôi sandal. Và trong 5 năm qua, tôi chỉ dùng 2 chiếc túi xách, 1 chiếc túi nhỏ đeo chéo dùng khi đi chơi và 1 chiếc túi cỡ lớn hơn dùng để đựng laptop và máy tính bảng khi đi làm.

3 – Thay đổi tư duy tiêu tiền

Trước đây, mỗi khi tài khoản có dư chút tiền, việc đầu tiên tôi nghĩ đến sẽ luôn là “nên đi ăn món gì ngon, hay mua phấn son, quần áo bây giờ nhỉ?”. Nhưng sau khi áp dụng 2 nguyên tắc phía trên, tôi chợt nhận ra đó là tư duy dùng tiền sai lầm.

Thay vì dùng tiền để phát triển bản thân, trau dồi kiến thức, tôi lại luôn chỉ nghĩ đến những vật ngoài thân, có giá trị trong ngắn hạn. Giờ đây, câu hỏi thường trực trong tôi không còn nằm ở việc mua cái quần cái áo, hay vui chơi hưởng thụ, mà chính là “mình có thể đi học cái gì?”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bản thân tôi không phải người quá yêu thích việc học, nhưng tôi cũng không phải kiểu người cho phép bản thân sống không tiến bộ theo năm tháng. Tôi đã đi học vẽ tranh, tập yoga và tham gia các khóa thiền. Nhờ đó mà tôi dần tìm được sự tĩnh tại trong tâm hồn, cảm thấy cuộc sống ngày càng yên bình hơn.

4 – Học cách sống với ngân sách giảm dần

Đây là việc tôi tự đặt ra để thử thách chính mình. Hàng tháng, sẽ có 1 tuần tôi phải sống với mức ngân sách chỉ bằng 2/3 các tuần còn lại. Xoay sở với số tiền không được dư dả như bình thường khiến tôi nhận ra mình không thực sự cần quá nhiều tiền để duy trì cuộc sống. 

Tôi nghĩ rằng phần lớn mọi người đều trải qua tuần cuối cùng trong tháng với nỗi lo thường trực “gần hết tiền rồi, phải tiêu ít lại thôi”. Trước đây, tôi cũng như vậy. Tuần cuối tháng luôn là một nỗi ám ảnh. Nhưng cũng chính nhờ điều đó mà tôi nảy ra suy nghĩ thử thách bản thân. Sẽ ra sao nếu tôi áp dụng mức ngân sách của tuần cuối cùng trong tháng vào tuần đầu tiên, hoặc tuần thứ 2 trong tháng?

Tôi đã thử, và nhận ra cuộc sống của mình hoàn toàn ổn. Thậm chí, nhờ duy trì mức ngân sách thấp ấy mà càng về cuối tháng, tôi càng ít lo lắng về việc bản thân không có đủ tiền tiêu.  



Nguồn