Bộ Công an: Việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Bộ Công an cho rằng việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cần kiểm soát chặt chẽ, do hoạt động này ngày càng phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Bộ Công an vừa có báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật Dữ liệu. Nội dung này cũng được Quốc hội thảo luận vào sáng nay.
Theo một số đại biểu, Chính phủ cần siết chặt quy định nhằm kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu cốt lõi cũng như dữ liệu quan trọng của quốc gia để đảm bảo an ninh. Một số ý kiến đề nghị xác định rõ những loại nào bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển ra nước ngoài; trường hợp thực hiện chuyển dữ liệu, quy trình chuyển, cũng như trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Bộ Công an – cơ quan chủ trì soạn thảo, cho biết việc mua bán dữ liệu nói chung và chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến. Hoạt động này dần trở nên chuyên nghiệp, thường xuyên và là một loại dịch vụ, kênh kinh doanh. Nhiều loại dữ liệu thô, dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, dữ liệu phi cá nhân được chuyển ra nước ngoài hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
“Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tới an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, nhất là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia”, Bộ Công an nhận định. Trung Quốc, Mỹ, Nga đã quy định hạn chế, kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu này ra nước ngoài, để bảo đảm an ninh tài nguyên dữ liệu.
Do vậy, dự thảo Luật Dữ liệu đã quy định rõ yêu cầu, điều kiện và thủ tục chuyển dữ liệu ra nước ngoài, giao Chính phủ quy định chi tiết. Cơ quan soạn thảo đề nghị đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp góp ý hoàn thiện quy định này, bảo đảm công tác quản lý nhà nước nhưng cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, khơi thông dòng chảy dữ liệu.
Theo dự thảo, việc chuyển dữ liệu ra khỏi biên giới Việt Nam đều phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động và cấp phép. Riêng đối với dữ liệu cá nhân, việc chuyển giao phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thủ tướng sẽ quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi. Bộ Quốc phòng chủ trì xác định và đánh giá tác động, quyết định cung cấp, chuyển giao các dữ liệu quan trọng thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan đánh giá tác động việc chuyển giao dữ liệu quan trọng không thuộc quân sự, quốc phòng.
Theo người đứng đầu Bộ Công an, việc đánh giá tác động khi chuyển giao dữ liệu sẽ tập trung vào việc xác định mức độ rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia, lợi ích công cộng và quyền lợi của cá nhân, tổ chức. Cơ quan của Bộ Công an sẽ xem xét tính hợp pháp, mục đích, quy mô và độ nhạy cảm của dữ liệu; khả năng bị sử dụng trái phép; quyền lợi của chủ thể dữ liệu.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Buổi chiều, các đại biểu chia tổ thảo luận về ba nội dung trên.