7 ngày rung chuyển xung đột Nga
Động thái hòa bình bất ngờ của Thủ tướng Đức
Đài CNN bình luận, tuần qua đánh dấu một sự leo thang đang kể trong xung đột Nga – Ukraine.
Mọi chuyện bắt đầu bằng một động thái hòa bình bất ngờ và kết thúc bằng một cuộc tấn công tên lửa thử nghiệm mà Moscow đã báo trước cho Washington 30 phút.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đơn phương gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, chấm dứt tình trạng cô lập kéo dài 2 năm của người đứng đầu Điện Kremlin bởi các nhà lãnh đạo nước lớn phương Tây.
Ông Scholz lý giải cho hành động này bằng cách nói rằng nếu có khả năng ông Donald Trump sẽ nói chuyện với Moscow, thì châu Âu cũng nên có hành động tương tự.
Động thái của phương Tây – Nga đáp trả
Vào Chủ nhật tuần trước (17/11), Nhà Trắng đã công khai cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất để tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, và Kiev đã nhanh chóng thực hiện chỉ 1 ngày sau đó.
Động thái này đánh dấu sự thay đổi chính sách lớn của Washington. Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã từ chối yêu cầu của Kiev về việc sử dụng tên lửa vượt ra ngoài biên giới của Ukraine.
Điện Kremlin cho biết 6 tên lửa đã được Ukraine phóng đi vào ngày 19/11, trong đó 5 tên lửa bị chặn. Các quan chức giấu tên của Mỹ thì tuyên bố Kiev phóng 8 tên lửa, trong đó 2 tên lửa bị chặn.
Đây là một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt: tên lửa do Mỹ sản xuất đã tấn công vào lãnh thổ Nga lần đầu tiên trong cuộc chiến này.
Sau đó vào ngày 20/11, Ukraine đã phóng tên lửa Storm Shadow có tầm bắn đến 550km do Anh cung cấp, nhắm vào các mục tiêu ở tỉnh Kursk của Nga.
Đến cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bổ sung yếu tố cuối cùng của kho vũ khí được tăng cường cho Ukraine bằng cách chấp thuận Kiev sử dụng mìn chống bộ binh.
Moscow đã đáp trả bằng cách sử dụng một tên lửa tầm trung với tốc độ siêu vượt âm có tên gọi Oreshnik, có khả năng chứa nhiều đầu đạn dành cho tải trọng hạt nhân, để tấn công Dnipro vào ngày 21/11. Tổng thống Putin tuyên bố tên lửa này, có thể tránh được mọi hệ thống phòng không của phương Tây.
Các chi tiết cụ thể chính xác của Oreshnik có vẻ là chìa khóa cho thông điệp của người đứng đầu nước Nga.
Hầu hết các nhà quan sát đều đồng ý rằng cuộc tấn công được thiết kế để gửi một lời cảnh báo: Nga có thể sử dụng tên lửa mới để phóng vũ khí hạt nhân nếu muốn.
Những tuần tới sẽ cho thấy liệu Oreshnik chỉ là một thông điệp đơn lẻ hay một chiến thuật mới. Việc sử dụng vũ khí mới đã gây ra lo lắng lớn hơn ở Kiev, sau khi Đại sứ quán Mỹ đóng cửa đột ngột vào ngày 20/11 với lý do lo ngại một cuộc không kích.
Báo cáo ảm đạm cho Ukraine
Tuy nhiên, đây chưa phải tin tức đáng lo ngại nhất trong tuần. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Vương quốc Anh cho biết hôm 21/11 rằng tiền tuyến ở Ukraine “bất ổn” hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đầu cuộc xung đột. Đó thực tế là một cách nói giảm nhẹ cho tình trạng vật lộn của lực lượng Ukraine trên khắp chiến tuyến và phù hợp với các báo cáo ảm đạm mà CNN có được từ các nguồn tin quân sự và công khai.
Mọi hướng đều ảm đạm. Phía nam Kharkov, quân Nga đang tiến gần thành phố Kupiansk. Các tuyến tiếp tế đang bị đe dọa xung quanh khu vực Donbas phía đông. Ngay cả Zaporizhzhia phía nam dường như cũng chịu nhiều áp lực hơn và Moscow liên tục cố gắng đẩy Ukraine ra khỏi khu vực biên giới tỉnh Kursk của mình.
Bên cạnh đó, ở khắp các chiến hào nơi tuyết đang rơi. Điều này có nghĩa là thời tiết sẽ ít nhất là trao cho Moscow lợi thế về trong một mùa đông ảm đạm.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đang đến gần đã đẩy nhanh các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, phản ứng tức thời là một cuộc chạy đua vội vã để làm trầm trọng thêm cuộc chiến nóng bỏng trên các mặt trận, trước khi xung đột có thể đóng băng.
Những diễn biến trong tuần này có thể không phải là khởi đầu cho cuộc chiến leo thang ngoài tầm kiểm soát mà là khởi đầu cho cuộc đấu tranh giành xem bên nào sẽ giành được vị thế đàm phán mạnh hơn trong tương lai để chấm dứt cuộc chiến.