Xã Hội

Thuở ban đầu của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Những nét phác thảo đầu tiên về Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được vạch ra vào một ngày đầu đông trong căn lán nhỏ ở Cao Bằng.

Đó là một ngày đầu đông năm 1944, ngay khi ông Hồ Chí Minh về nước sau tháng năm chịu tù đày trong nhà ngục Quốc dân Đảng. Mùa gặt sắp xong. Không khí khủng bố bao trùm khắp bản làng, quân Pháp lùng bắt cán bộ, đồng bào theo cách mạng. Tiếng súng vũ trang đã nổ ra ở nhiều nơi. Nhân dân Cao – Bắc – Lạng căng thẳng chờ một cuộc chiến tranh du kích.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hồi ký Từ nhân dân mà ra kể lại cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác nói “phong trào lên, Pháp khủng bố là chuyện tất nhiên, một phần do bộc lộ lực lượng”, rồi chỉ rõ “phong trào lên nhưng chưa nơi nào có điều kiện vũ trang chiến đấu để sẵn sàng hưởng ứng”. Quân khởi nghĩa Cao – Bắc – Lạng đơn độc dấy lên sẽ sớm bị đàn áp. Riêng quân sự còn “thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”, cán bộ, vũ khí đều phân tán.




Các chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại lễ thành lập, ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu

Lời ông Hồ Chí Minh gợi mở cho ông Võ Nguyên Giáp cái nhìn toàn cục. Ông nhận ra đúng là ai nấy nô nức trước không khí cách mạng, nhưng hàng loạt câu hỏi chưa có lời giải: Nếu phát động chiến tranh du kích toàn dân, quân Pháp tiến công vào làng bản thì bảo vệ, tản cư nhân dân ra sao? Nếu đưa nhân dân vào rừng thì tổ chức cuộc sống mới thế nào? Làm sao để hoạt động vũ trang mà dân ở đâu cứ yên đấy sản xuất, chỉ cần tăng cường canh gác đề phòng không để giặc bắt hại những người hoạt động?.

Thấy “chú Văn” phân vân, ông Hồ Chí Minh lại gợi mở tiếp, rằng lực lượng vũ trang ít, lại phân tán thì tập hợp con người, vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. “Chúng ta sẽ lập đội Quân giải phóng… Việc này, chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không?, ông Hồ Chí Minh hỏi.

“Có thể được”, ông Giáp quả quyết đáp lời, nhiều năm sau này vẫn nhớ “khi trả lời như vậy, tôi đã nghĩ đến sức mạnh vô cùng to lớn của đồng bào, đến lòng yêu nước tha thiết”.

Nơi thâm sơn mùa đông đến sớm. Trong căn lều không đèn đóm, mấy bác cháu nằm nói chuyện rất khuya, rồi cùng phác ra những nét chính về đội quân vũ trang sắp ra đời, từ tổ chức đến phương châm hành động, lương thực, đạn dược. Ông Giáp được dặn đi dặn lại đội quân ấy “phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì địch không thể nào tiêu diệt được”.

Sáng hôm sau, hai ông Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba ngồi bàn kế hoạch trên một mỏm núi, phác thảo về trung đội gồm ba tiểu đội, rút người từ các đội vũ trang của châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Hai ông trao đổi tên từng chiến sĩ, trong đó một phần lớn học sinh quân được đào tạo từ Trung Quốc sắp về. Người phụ trách được chọn trong số này. Trận ra quân sẽ nhắm vào một vài đồn địch và “phải đánh thắng thật giòn giã”.

Ông Hồ Chí Minh sau khi nghe báo cáo đã đồng ý và dặn “trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Nghĩ một lát, ông thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên Đội cho đúng nhiệm vụ hiện tại.





Những ngày ban sơ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - 1

Lễ thành lập Đại đoàn 308 – đại đoàn chủ lực đầu tiên, ngày 28/2/1949 tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh tư liệu

34 đội viên và cán bộ trong các đội vũ trang địa phương, hai khẩu súng thập, 17 súng trường, 14 súng kíp… lần lượt được tập hợp. Ông Hoàng Văn Thái và một số học sinh quân vừa từ Trung Quốc về đang ở châu Hà Quảng trở thành những người đầu tiên được điều động.

Bởi những năm tháng trước đó các lớp huấn luyện quân sự đã được mở cấp tốc tại các châu, huyện liên tỉnh Cao Bằng. Ông Võ Nguyên Giáp cùng ông Hoàng Sâm – người sau này là đội trưởng đầu tiên của giải phóng quân, trực tiếp đứng lớp quân sự địa phương. Giảng đường là những ngôi lán lợp lá cọ, cả trăm người ăn ngủ cùng một chỗ. Bài học luôn có hai phần: chính trị và quân sự.

Riêng phần quân sự, lớp học được chia thành hai phe để diễn tập. Một bộ phận giả làm địch, còn lại làm quân đội tiến đánh. Trong ký ức đại tướng, những anh em người Tày, người Dao khi ấy có khả năng đặc biệt về chiến thuật tập kích trong rừng. Đêm khuya, rừng thẳm, cặp mắt họ rất tinh, bước chân rất nhẹ. Ông Võ Nguyên Giáp trong những lần được phân công giả làm phe địch đã rất tập trung nghe ngóng nhưng chỉ đến khi họ tiến vào mới biết.

Những trai tráng Tày, Dao trước nay vẫn sống rất phóng khoáng nơi non cao rừng thẳm bắt đầu vào nếp sinh hoạt nhà binh. Lớp đào tạo mở đến khóa thứ ba thì quân Pháp đánh hơi thấy. Những thanh niên dân tộc đã đưa ông Giáp, ông Sâm lánh lên núi, chặt vầu lấy nước thổi cơm. Sau này các chị, các mẹ mang cơm cho cán bộ, đem theo cả bát đũa vì sợ đã mất hết đồ dùng khi đi lánh giặc.

Ngày 22/12/1944, mấy cái lán được cấp tốc dựng lên, đồng bào cho lương thực, cơm nước. Ba bốn trạm đặt trên mấy đỉnh núi giáp Cao Bằng, Bắc Kạn để đón cán bộ, đội viên từ các châu về. Con dấu được tiện từ củ khoai, mực đỏ chót bên cạnh chữ ký.

Ngày hôm trước, ông Võ Nguyên Giáp nhận được thư ông Hồ Chí Minh gửi đến đặt trong bao thuốc lá, giở ra là Chỉ thị thành lập. “Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam…”, Chỉ thị nêu.

17h ngày 22/12, ông Võ Nguyên Giáp được ủy nhiệm đã đọc Chỉ thị, tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, vạch rõ nhiệm vụ của Đội với Tổ quốc. Đứng dưới cờ, họ đồng thanh đọc mười lời thề danh dự.

Đội vũ trang đầu tiên đồng thời có tổ chức Đảng bởi tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự”, xác định rõ nhiệm vụ tuyên truyền để nhân dân tham gia cách mạng vào thời điểm mà các đội vũ trang còn nhỏ bé. Đội trưởng Hoàng Sâm phụ trách quân sự, ông Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng) là chính trị viên, ông Hoàng Văn Thái giữ vai trò tham mưu.

Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra đời trong khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, “dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc”. Bữa cơm chiều đầu tiên của Đội không rau không muối, chỉ có cơm nhạt tượng trưng cho những tháng năm đồng cam cộng khổ sau này. Đêm đầu tòng quân, 34 đội viên lần lượt giới thiệu bí danh, tiểu sử và nêu nguyện vọng cá nhân.

Đội trưởng Hoàng Sâm thoát ly gia đình từ nhỏ đi cách mạng, qua Thái Lan, Trung Quốc rồi về nước hoạt động, nhiều năm bị đế quốc truy nã. Tham mưu Hoàng Văn Thái lớn lên từ gia đình nông dân, nhiều năm hoạt động ở vùng Đình Cả – Bắc Sơn, phụ trách học sinh quân về nước. Phụ trách công tác chính trị Lâm Cẩm Như là cháu đích tôn của nhà yêu nước Nguyễn Thượng Hiền, sinh ra lớn lên ở đất khách, nói chưa thạo tiếng Việt nhưng luôn hướng về Việt Nam…

Ba ngày sau thành lập, đội chủ lực đầu tiên đã diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần vào ngày 25-26/12/1944, mở đầu cho truyền thống đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.





Sau 80 năm, quân đội đã phát triển lớn mạnh gồm nhiều quân binh chủng. Trong ảnh, quân đội diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên, tháng 5/2024. Ảnh: Giang Huy

Sau 80 năm, quân đội đã phát triển lớn mạnh gồm nhiều quân binh chủng. Trong ảnh, quân đội diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên, tháng 5/2024. Ảnh: Giang Huy

Đại tá, PGS Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Lịch sử quân sự Việt Nam, những năm 1990 đã đi xác minh danh sách 34 đội viên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đại tá cho hay gần một nửa trong số gương mặt được “chọn gửi vàng” từng đào tạo bài bản về chính trị, quân sự, giỏi ngoại ngữ. Những đội viên tốt nghiệp từ các trường quân sự Hoàng Phố, Tĩnh Tây, Liễu Châu của Trung Quốc. Nửa còn lại lấy trong số du kích Cao – Bắc – Lạng, những người am hiểu địa bàn và gắn bó máu thịt với nhân dân.

“Hai bộ phận này kết hợp đã tạo nên một đội quân vừa có tri thức quân sự vừa bản lĩnh, am hiểu địa bàn lại có uy tín để hoạt động chứ không đơn thuần là những người chỉ biết cầm súng chiến đấu”, ông Long phân tích.

“Chất tri thức” trong đội quân ấy sau này đã thu hút lượng lớn trí thức yêu nước gia nhập, từ các học viên trường Thanh niên tiền tuyến như Cao Pha, Cao Văn Khánh đều là tướng tài của quân đội, đến những trí thức tiến bộ như kỹ sư Phạm Quang Lễ tức “vua vũ khí” Trần Đại Nghĩa, người mà thời điểm ấy có 5 bằng đại học và kinh nghiệm làm việc trong các nhà máy chế tạo vũ khí của Pháp, Đức; bác sĩ Trần Hữu Nghiệp – người tu nghiệp từ Pháp về, có phòng khám tư.

Theo đại tá Long, “chất tri thức” phát huy trong thực tiễn chiến trận đã tạo nên đội ngũ chỉ huy dày kinh nghiệm lẫn bản lĩnh cho quân đội, góp phần phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, cách thích ứng với các loại vũ khí và đặt nền tảng giúp các thế hệ sau học tập làm chủ công nghệ.

34 đội viên năm xưa, sau này có người hy sinh khi còn trẻ, một phần trở về đời thường, song phần lớn tiếp tục hoạt động, trở thành tướng lĩnh quân đội hoặc cán bộ trong chính quyền đóng góp cho đất nước. “Đội quân đàn anh” sau 80 năm đã có những “đội quân đàn em” như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển lên những quân binh chủng lớn mạnh để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, bước ra thế giới làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Hoàng Phương
*Trích lược Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, NXB Quân đội nhân dân, 2018.


Nguồn