Ngăn chặn thao túng chứng khoán
Thanh lọc các vụ làm giá cổ phiếu
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025 quy định rõ 6 hành vi bị xem là thao túng thị trường chứng khoán. Chẳng hạn như việc sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường… Những quy định này không phải hoàn toàn mới mà đã được nêu trong Nghị định số 156/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hành vi thao túng được đưa vào luật để đảm bảo quy định thống nhất giữa luật Chứng khoán và bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017) trong mô tả hành vi này.
Theo ông Nguyễn Thế Minh (Giám đốc Khối phân tích, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam), luật quy định rõ thế nào là hành vi thao túng thị trường chứng khoán nên sẽ góp phần hạn chế được những tổ chức, cá nhân vi phạm. Một số cổ đông lớn, nhất là những “ông chủ” các doanh nghiệp sở hữu tỷ lệ cổ phiếu lớn cũng có thể phải thận trọng hơn trong các giao dịch. Bởi từ trước đến nay mặc dù trong Nghị định của Chính phủ đã đưa ra nhưng vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng trong luật. Cùng với việc “làm sạch” tài khoản khống, xác thực sinh trắc học tài khoản chứng khoán thì quy định mới sẽ giúp thanh lọc các vụ làm giá cổ phiếu.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc quy định rõ các hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong luật Chứng khoán nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn tại Nghị định. Từ đó đảm bảo cơ sở pháp lý trong xử lý hành vi thao túng giá chứng khoán. Như vậy kể từ năm tới, việc ngăn ngừa, xử lý những hành vi làm giá cổ phiếu rõ ràng có thể nhanh chóng hơn.
“Khi luật chuyên ngành đã nêu rõ về những hành vi bị cấm thì sẽ không ai có thể cãi được. Tuy nhiên, điều này không hẳn là có thể hoàn toàn ngăn chặn được hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Việc ngăn chặn những hành vi vi phạm còn phụ thuộc vào hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh”, luật sư Trần Xoa cho hay.
Tăng cường giám sát, xử lý
Thời gian qua, trên thị trường chứng khoán, các hành vi làm giá, thao túng cổ phiếu vẫn diễn ra và đã bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, xử lý. Mới nhất, giữa tháng 11 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố xử phạt 23 cá nhân đã cho ông Nguyễn Việt Hà mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, dẫn đến hành vi thao túng cổ phiếu GKM trong giai đoạn từ ngày 2.8.2021 – 28.1.2022. Theo đó, kết quả kiểm tra, giám sát chưa có cơ sở cho thấy 23 cá nhân nêu trên hưởng lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm nên chỉ bị cấm giao dịch chứng khoán trong thời gian
2 năm. Đồng thời, cấm các cá nhân này đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm. Trước đó, cuối tháng 12.2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính với ông Nguyễn Việt Hà vì hành vi thao túng giá cổ phiếu GKM với số tiền 1,5 tỉ đồng và cũng bị cấm giao dịch trong thời gian 2 năm. Hay trong tháng 6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Thanh Tùng 575 triệu đồng do đã có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Hầu hết những vụ làm giá, thao túng thị trường chứng khoán bị phát hiện có chung hành vi là sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để mua bán, tạo cung – cầu giả nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao và bán ra thu lãi. Hiện tại, một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau dẫn đến lợi dụng để làm giá cổ phiếu. Chưa kể cá nhân có thể nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản để sử dụng giao dịch nhằm tránh sự kiểm tra… Bên cạnh đó, một số chiêu trò làm giá được chỉ ra như với sự bùng nổ của Zalo, Telegram thì các nhân viên môi giới, một số doanh nghiệp dễ dàng tạo nhóm kín, khách hàng VIP để tư vấn, đưa thông tin dự báo… để lôi kéo nhà đầu tư cùng “đánh lên”, “đánh xuống” các cổ phiếu để hưởng lợi.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), nhận định việc quy định cụ thể hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong luật là một bước tiến hoàn thiện hành lang pháp lý nói chung. Tuy nhiên, để giảm mạnh hành vi vi phạm thì công tác thực hiện giám sát quan trọng hơn rất nhiều. Làm sao phải phát hiện nhanh, xử lý nghiêm minh các chiêu trò làm giá cổ phiếu để giảm thiệt hại cho nhà đầu tư. Thời gian qua, các vụ việc được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố xử phạt đều cho thấy thời gian thực hiện làm giá chứng khoán đã xảy ra nhiều năm trước đó. Điều này vô hình khiến các nhà đầu tư không quan tâm vì nếu chính họ là nạn nhân thì cũng đã bán hết cổ phiếu bị làm giá và thậm chí “quên” luôn. Vì vậy, ông đề xuất nên xem xét đưa ra cơ chế khuyến khích nhà đầu tư trên thị trường tham gia tố giác, khiếu nại vi phạm bên cạnh hệ thống giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Một số nước có cơ chế khuyến khích người tố giác hành vi gian lận, thao túng thị trường chứng khoán bằng mức thưởng theo một tỷ lệ trên số tiền xử phạt mà nhà nước thu được của cá nhân, tổ chức vi phạm. Đồng thời, hệ thống tòa án kinh tế cũng cần có sự thay đổi theo hướng thủ tục rút gọn, xử lý nhanh hơn để nhà đầu tư mạnh dạn trong việc khiếu kiện những cá nhân, tổ chức có hành vi gây thiệt hại cho họ trên thị trường chứng khoán.
Luật sư Trần Xoa nhấn mạnh: “Trong bất kỳ lĩnh vực nào, việc giám sát xử lý kịp thời là quan trọng nhất vì nếu chậm thì sẽ hết hiệu lực xử phạt, kể cả hành chính hay hình sự. Vì vậy, khi khung pháp lý đã đầy đủ nhưng nếu không giám sát, xử lý kịp thời thì không có tác dụng để tạo ra thị trường chứng khoán minh bạch, an toàn, cũng như khó thu hút nhà đầu tư trong ngoài nước tham gia”.
Thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện một trong các hành vi sau:
1. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung – cầu giả tạo.
2. Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung – cầu giả tạo.
3. Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán.
4. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.
5. Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.
6. Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung – cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.