TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Bà Harris sai lầm khi tự biến ông Trump thành tâm điểm tranh cử, đảng Dân chủ rơi vào hỗn loạn hậu thất bại

Lý do gì khiến bà Kamala Harris thua ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024? Người Mỹ có nhiều ý kiến khác nhau. Bà là một ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn với một chiến dịch được xây dựng sơ sài. Bà không tiết lộ lập trường chính sách của mình, e ngại rằng chúng quá cực đoan đối với hầu hết người dân Mỹ. Bà cũng chưa bao giờ thể hiện đúng con người thật của mình, luôn cố gắng tạo dựng một hình ảnh khác chính mình.

Số phiếu bầu áp đảo dành cho ông Trump chứ không phải bà Harris chính là bằng chứng không thể chối cãi rằng cử tri Mỹ, bao gồm cả những người Cộng hoà, độc lập và Dân chủ đều chung một suy nghĩ rằng chiến dịch tranh cử của bà thực sự có vấn đề.

Cuộc “đảo chính cung điện”

Cách thức mà bà Harris đặt chân vào cuộc đua này cũng là một điều đáng nói. Từ năm 2022 đến năm 2024, rõ ràng là Tổng thống Joe Biden đã gặp những khó khăn trong công việc điều hành đất nước. Giọt nước tràn ly là màn thể hiện thua kém của ông trong cuộc tranh luận với ông Donald Trump vào tháng 6/2024. Phong độ của ông đã khiến đảng Dân chủ sốc đến mức các nhà lãnh đạo đảng, các nhà tài trợ lớn và tờ báo ủng hộ đảng Dân chủ bắt đầu kêu gọi ông từ chức. Thật khó tin khi cũng chính những người này vẫn tiếp tục tuyên bố rằng họ không biết gì về tình trạng xuống cấp của ông Biden.

Trước cuộc tranh luận ngày 27/6, ông Biden đã từ chối việc tổ chức bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, vốn có mục đích tìm một ứng cử viên khác có năng lực thay thế người lãnh đạo của đảng. Một ứng cử viên nổi bật của đảng Dân chủ – ông Robert Kennedy, Jr. – đã bất chấp lệnh của ông Biden và chạy đua trong cuộc bầu cử sơ bộ. Ông Biden đã gây sức ép để các tiểu bang loại ông Kennedy khỏi cuộc bỏ phiếu, và ở những bang mà ông đã có tên trên lá phiếu, phe Dân chủ đã khởi động một loạt vụ kiện để loại ông.

Khi quyết định “thay ngựa giữa đường”, đảng Dân chủ chỉ còn tầm 4 tháng để tìm một ứng cử viên khác. Họ đã chọn Phó Tổng thống Harris mặc dù bà nhận được rất ít sự ủng hộ từ các đảng viên Dân chủ, một số người vẫn ủng hộ ông Biden và một vài ứng cử viên tiềm năng khác.

Bà Harris có mặt trong cuộc đua này không phải vì cử tri lựa chọn bà mà vì đảng Dân chủ đã lựa chọn.

Và hệ quả là điều này khiến nhiều nhà phê bình đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của ứng cử viên.

Hồ sơ năng lực của Phó Tổng thống rơi vào tầm ngắm

Sau khi trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ để đối đầu với ông Trump, hồ sơ năng lực của bà Harris ở ghế Phó tổng thống lập tức rơi vào tầm ngắm. Những đảng viên da màu có sức ảnh hưởng của đảng Dân chủ đã gây sức ép buộc ông Biden phải chọn bà Harris để thoả mãn tham vọng chính sách đặc cách cho các nhóm sắc dân của họ. 

Hãy nhớ lại, năm 2020, bà Harris đã chạy đua với ông Biden để giành đề cử ứng viên Tổng thống trong đảng Dân chủ nhưng bà đã phải bỏ cuộc sớm vì các cuộc thăm dò đều xếp bà ở trị trí rất thấp. Chiến dịch tranh cử lần này của bà được mô tả là tẻ nhạt, thiếu tổ chức.

Các phương tiện truyền thông bắt đầu chĩa mũi dùi về phía bà Harris. Dù là phó tướng của ông Biden, bà Harris vẫn bị nhân viên của ông xa lánh, họ không coi bà là người có thể thúc đẩy chương trình nghị sự của ông. Nhiều người phàn nàn rằng vai trò Phó Tổng thống của bà quá mờ nhạt – một phần do năng lực của bà và một phần do người lãnh đạo của bà. Mọi chuyện trở nên tồi tệ đến mức chồng của bà Harris, ông Douglas Emhoff, bắt đầu công khai phàn nàn về việc bà đang bị đối xử tệ.

Cuối cùng, Tổng thống Biden đã chỉ định bà Harris chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề biên giới. Công bằng mà nói, các vấn đề này không thể giải quyết được. Bà Harris đã không thể đưa ra được một sáng kiến nào và hệ quả là không những bà không ngăn chặn được tình trạng nhập cư bất hợp pháp mà còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ đã tăng vọt lên 10 triệu người.

Sau khi thất bại ở biên giới, ông Biden lại giao cho bà chịu trách nhiệm về Chương trình không gian của Mỹ và sau đó là Sáng kiến Trí tuệ nhân tạo (AI). Bà cũng không đưa ra được chính sách mới nào cho hai lĩnh vực này. Nhiệm vụ chính của bà chỉ còn lại là dùng lá phiếu của mình ở Thượng việc giúp phe Dân chủ giành thế thượng phong trong các cuộc bỏ phiếu hoà để thông qua các dự luật của phe Dân chủ, phải kể đến các dự luật chi tiêu dẫn đến lạm phát cao vẫn đang ám ảnh chính quyền Biden – Harris trong suốt hơn ba năm qua.

Bà Harris cũng bị báo chí chỉ trích vì không giữ chân được nhân viên của mình, nhiều người trong số họ đã phàn nàn công khai. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với đội ngũ nhân viên phục vụ chiến dịch tranh cử của bà vào năm 2020.

Chiến dịch 2024 – tranh cử phi chính sách

Ngay từ đầu, chiến lược vận động tranh cử của bà Harris là không đả động gì đến chương trình nghị sự chính sách để tránh sự soi mói của truyền thông và sự giám sát của cử tri.

Nói đúng ra là dường như bà ấy không có chương trình nghị sự chính sách, có lẽ vì việc trở thành ứng cử viên tổng thống là một điều hoàn toàn bất ngờ khiến bà không có sự chuẩn bị trước. Để khắc phục điều này, bà Harris đã phát động một chiến dịch mang lại “niềm vui và hy vọng” cho đất nước, khiến người ta nhớ lại chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Barack Obama. Chiến dịch này có mục tiêu là tạo ra một “năng lượng cảm xúc rõ nét”. Bà Harris là người cổ vũ.

Để thực hiện chiến dịch Niềm vui và Hy vọng, bà Harris đã trông cậy rất nhiều vào sự ủng hộ của những nghệ sĩ giải trí nổi tiếng toàn cầu mà bà tin rằng sẽ thu hút người ủng hộ cho mục tiêu của mình. Và tất nhiên, bà cũng trông cậy vào sự hỗ trợ tài chính của họ. Bà Harris đã không nhận thức được một điều căn bản là hầu hết cử tri Mỹ không quan tâm đến việc Beyonce hay Taylor Swift ủng hộ bà. Họ sẽ không bao giờ để những người này chi phối lựa chọn của mình. Một số cử tri, đặc biệt là những người lao động, còn có thể cảm thấy bị xúc phạm khi chiến dịch tranh cử của bà trở thành nơi cho các tỷ phú phô trương sự giàu có của họ.

Chiến lược này đã thất bại. Các cuộc thăm dò dư luận không cho thấy bà dẫn trước ông Trump ở khoảng cách đáng kể như mong đợi. Nhưng tại sao bà lại áp dụng cách tiếp cận “niềm vui và hy vọng” cho chiến dịch của mình? Bà Harris đã dùng những nghệ sỹ giải trí để khiến cử tri chú ý vào họ mà xao lãng khỏi bản thân bà và để “che giấu” chương trình nghị sự chính sách của mình. Bà đã không thẳng thắn, minh bạch với cử tri về những giá trị mà bà đại diện và dùng các ngôi sao giải trí làm bức bình phong che giấu sự hạn chế trong khả năng phát biểu trước đám đông.

Công kích ông Trump, lảng tránh ông Biden

Bà Harris đã tập trung quá nhiều vào việc công kích ông Trump, với lời cáo buộc được tô đậm nhất là ông Trump là một kẻ phân biệt chủng tộc. Liên quan đến các chính sách của chính quyền Biden – Harris, bà nhận công lao về những thành công nhưng đổ lỗi cho ông Trump về những thất bại của bà, bất chấp việc ông Trump đã rời nhiệm sở từ bốn năm trước đó! Thông điệp cốt lõi của bà đưa đến cho cử tri: bà không phải là ông Trump!

Có lẽ chính việc biến ông Trump trở thành tâm điểm trong các thông điệp tranh cử đã làm hỏng chiến dịch của bà. Bà Harris liên tục gọi tên ông trên các phương tiện truyền thông. Bà đã vô tình đã tạo ra đồng cảm của cử tri đối với ông Trump, đặc biệt là sau hai mưu đồ ám sát nhắm vào ông. Cử tri đã chán ngán với các thông điệp chống Trump của bà. Và những người ủng hộ ông Trump thì càng trở nên hăng hái hơn.

Một mặt bà cố gắng tập trung công kích ông Trump, mặt khác lại phải tìm cách tách bản thân ra khỏi những vấn đề trắc trở của chính quyền Biden – Harris. Về đối ngoại, nổi bật nhất là các thảm họa ở Trung Đông, Ukraine và Afghanistan, và trong nước là các vấn đề về kinh tế, lạm phát, nhập cư trái phép và tội phạm. Nhưng bà chưa đưa ra được giải pháp chính sách rõ ràng nào cho các vấn đề này.

Thông điệp bà gửi đi không nhất quán: có lúc bà nói rằng bà sẽ không thay đổi bất kỳ chính sách nào của ông Biden. Lúc khác bà lại nói rằng đã đến lúc “sang trang”. Đáng chú ý là bà không giải thích cho cử tri “sang trang” có nghĩa là gì, ngoại trừ việc có thể liên quan đến thông điệp: bà không phải là ông Trump.

Cùng lúc đó, ông Biden lên tiếng ghi nhận công lao của bà vì đã ủng hộ các chính sách của chính quyền Biden – Harris mà bộ phận không nhỏ người dân Mỹ đều không thích. Các nhà phê bình thắc mắc không hiểu việc ghi nhận này của ông Biden là tỏ sự ủng hộ hay là một cú “chơi khăm” để trả đũa cho việc ông đã bị chính đảng của mình buộc rời khỏi đường đua.

Né tránh báo chí bằng mọi giá

Bà Kamala Harris đã không tổ chức bất kỳ một cuộc họp báo chính thức nào kể từ khi trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, trong suốt hơn 100 ngày. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong chính trường Mỹ. Họp báo là cách để các ứng cử viên thử nghiệm và thẩm định cho vị trí của mình trong chính quyền.

Trớ trêu thay, kể từ khi bà được đảng Dân chủ chọn làm ứng cử viên Tổng thống thì truyền thông dòng chính đổi chiều. Bà nhận được sự ủng hộ chưa từng có – gần 80% thông tin về bà trên báo chí là tích cực. Vì vậy, bà không có gì phải sợ. Ngay cả khi ông Biden ra tranh cử tổng thống vào năm 2020, ông vẫn cố gắng giao lưu với báo chí qua các cuộc họp báo trực tuyến khi ở trong tầng hầm nhà riêng tránh COVID.

Bà Harris đã thay thế các cuộc họp báo bằng các cuộc phỏng vấn riêng với các nhà báo ủng hộ bà. Bà được nhận câu hỏi trước. Bà cũng tin tưởng vào việc các câu trả lời của bà sẽ được các biên tập viên hiệu chỉnh hậu kỳ để loại bỏ các thông tin sai lệch. Vốn dĩ các cuộc phỏng vấn 1-1 là các cuộc phỏng vấn sâu, là cơ hội để các ứng cử viên trình bày về cá nhân, về quan điểm chính sách, về tác động của các đề xuất chính sách đến đất nước và cử tri. Nhưng bà vẫn nhất quán một chiến lược: không đi sâu vào quan điểm chính sách. Sau các cuộc phỏng vấn đó, cử tri Mỹ vẫn không biết gì thêm về bà và quan điểm chính sách của bà. Kết quả là mặc dù chỉ thực hiện một số ít các cuộc phỏng vấn, bà vẫn phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích về màn thể hiện của mình.

Các sự kiện truyền thông yêu thích của bà Harris là xuất hiện trên các chương trình trò chuyện giải trí, nơi bà có thể cười nói thoải mái với những người dẫn chương trình. Tuy nhiên, những lần xuất hiện này, thường là với nhóm khán giả đã được thuê để tham dự, không có ý nghĩa gì đối với các cử tri đang mong muốn có cơ hội đánh giá thực lực ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ.

Việc bà Harris từ chối “tiếp xúc báo chí” khiến nhiều người tin rằng bà quá “yếu” để nắm giữ vị trí người lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.

Phản ứng tiêu cực từ cử tri

Các phân tích mới đây về phiếu đại cử tri cho thấy ông Trump đã lấy đi của bà Harris một lượng lớn cử tri Dân chủ từ tất các các nhóm dân: người Mỹ Latinh, người da màu, người Do Thái, người Công giáo, phụ nữ trẻ, tầng lớp lao động, thậm chí cả những người ủng hộ công đoàn.

Bà Harris đã đưa ra các đề xuất như hứa dành nhiều ưu đãi cho cử tri da màu với ám chỉ rằng họ phải chịu phận thấp kém hơn. Bà cũng bị cho là xúc phạm người Do Thái và người Công giáo khi xâm phạm vào những giá trị mà họ trân trọng, như sự tồn vong của Israel và niềm tin của những người Công giáo trung thành.

Bà trông cậy vào phân khúc phụ nữ trẻ với niềm tin rằng họ sẽ ủng hộ chính sách về bảo vệ quyền phá thai của bà, mà quên rằng những người phụ nữ này hoàn toàn có cơ hội bỏ phiếu cho các chính sách nạo phá thai trong các cuộc trưng cầu dân ý trên toàn tiểu bang nơi họ sống. 

Những người lao động đã không có cuộc sống tốt dưới thời chính quyền Biden – Harris khi phải vật lộn với lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao, thất nghiệp, tiền lương và không được tôn trọng đúng mức. Nhiều công đoàn thậm chí không giấu sự ưu ái hơn cho ông Trump.

Kamala, bà là ai?

Giống như ông Joe Biden, bà Kamala Harris muốn tỏ ra là người “ôn hòa” để thu hút phiếu bầu. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của bà cho đến khi ứng cử tổng thống năm 2024 lại cực kỳ thiên tả. 

Ở vai trò Thượng nghị sĩ, những lá phiếu của bà tại Thượng viện cho thấy rõ bà ủng hộ những chính sách cực đoan nhất. Khi tranh cử tổng thống với ông Joe Biden năm 2020, bà được đánh giá là ứng cử viên cực đoan nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Do đó, bà đã dành phần lớn chiến dịch của mình để lập luận rằng bà sẽ là người ôn hòa. Tuy nhiên, cử tri dường như không tin vào những lời hứa của bà.

Những hé lộ thoáng qua về chương trình chính sách

Vấn đề tồn tại trong chương trình chính sách của bà qua một vài lần hiếm hoi khi bà có đả động đến chút ít là: hoặc bà thay đổi quan điểm so với tuyên bố trước đó, hoặc bà sao chép lại chính sách của người khác, hoặc bà trình bày sai lệch chính sách, hoặc bà từ chối đưa ra bình luận.

Một ví dụ điển hình là quan điểm chống lại việc khai thác dầu đá phiến “fracking”: bà đã luôn công khai quan điểm này cho đến khi nhận ra có vẻ điều này sẽ khiến bà mất đi phiếu bầu của các cử tri Pennsylvania thì bà quyết định đảo ngược quan điểm, nói rằng bà không chống fracking.

Một ví dụ nữa là khi bà tuyên bố có sở hữu súng (tương đương với việc ủng hộ sở hữu súng), nhưng sau đó không thể nêu tên loại súng bà đang có. Bà đã sao chép lại chính sách không đánh thuế tiền boa của ông Trump và tuyên bố đó là chính sách của bà. Khi người dân Carlifonia bỏ phiếu bãi bỏ những điều luật nhẹ tay với tội phạm, bà từ chối chia sẻ quan điểm có ủng hộ việc này hay không. Đây chỉ là một số ít ví dụ.

Vấn đề cốt lõi là bà Harris đã từ chối làm rõ chương trình nghị sự chính sách của mình và bà cũng không chắc chắn liệu có thực hiện được chương trình đó hay không. Câu hỏi tại sao bà lại che giấu chương trình nghị sự của mình vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Lựa chọn phó tướng không phù hợp

Bà Harris đã chọn ông Tim Walz, thống đốc Minnesota, làm người đồng hành tranh cử của mình. Có ba vấn đề ở sự lựa chọn này:

1. Ông Walz cũng thiên tả như bà Harris, vì vậy ông không mang lại một màu sắc mới cho tấm vé vào Nhà Trắng.

2. Ông Walz cũng đang có gánh nặng chính trị đáng kể của riêng mình. Trong cuộc bạo loạn bùng lên sau vụ việc cái chết của George Floyd ở bang Minnesota năm 2020, ông Walz đã ca ngợi những kẻ bạo loạn, giống như bà Harris. 

Lý lịch quân sự của ông rất sơ sài, trong đó ông tuyên bố rằng mình đã tham chiến ở Iraq nhưng thực tế là ông đã xin nghỉ khỏi quân ngũ để tránh bị điều đến đó. Ông cũng khai man mình là một sỹ quan cấp cao khi thực tế không phải vậy. Nhiều người Mỹ thậm chí còn đặt nghi vấn rằng ông là một điệp viên của Trung Quốc.

3. Minnesota vốn dĩ đã là bang ủng hộ đảng Dân chủ, vì vậy việc lựa chọn ông Walz không mang lại lợi thế phiếu bầu nào.

Hầu hết các thành viên của đảng Dân chủ muốn bà Harris chọn Thống đốc Pennsylvania, ông Josh Shapiro. Đó là một người theo đạo Do Thái ôn hòa, có uy tín cao. Rất có thể việc không chọn ông Shapiro đã khiến bà Harris mất bang chiến trường quan trọng nhất Pennsylvania, và đó có thể là lý do dẫn đến thất bại chung cuộc.

Diễn biến tiếp theo

Bà Harris sẽ kết thúc nhiệm kỳ Phó Tổng thống vào tháng 1/2025 và có khả năng bà sẽ không tiếp tục tham gia chính trường nữa.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu thừa nhận thất bại, bà tuyên bố thừa nhận ông Trump là người chiến thắng và hứa sẽ tiếp tục cuộc chiến. Các nhà phê bình băn khoăn không hiểu bà đang ám chỉ đến cuộc chiến nào.

Nhưng dù thế nào thì thất bại của bà Harris cũng đang là nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn trong nội bộ đảng Dân chủ, trên báo chí truyền thông và trong số những người chống Trump. 

Hiện đang dấy lên rất nhiều chỉ trích về việc ai phải chịu trách nhiệm cho thất bại của bà Harris. Cũng đã vang lên những lời kêu gọi tái cấu trúc đảng, hoặc tránh xa các phe cánh cực tả, hoặc trở nên cực đoan hơn. Cũng giống như trường hợp khi ông Trump giành chiến thắng năm 2016, nhiều đảng viên Dân chủ có thể sẽ tận dụng mọi công cụ có thể để cản trở nhiệm kỳ của tân tổng thống.

Tôi lo ngại rằng tới đây sẽ là một thời kỳ khó khăn khi nước Mỹ cần phải mạnh mẽ trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại.

Nguồn

Exit mobile version