Bất Động Sản

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh

Trong những điểm du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), nhiều du khách – nhất là du khách nước ngoài rất thích thú với một công trình có kiến trúc đặc sắc nằm ở ngay trung tâm thành phố. Đó là một công trình tiêu biểu của sự gặp gỡ Đông – Tây trong luồng chảy văn hóa đa dạng ở mảnh đất 300 lịch sử. Công trình là một dinh thự, mà người Sài Gòn vẫn quen gọi là Nhà chú Hỏa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.

Từ tư dinh của một doanh nhân huyền thoại…

Nhà chú Hỏa nằm ở trung tâm Sài Gòn xưa, TPHCM ngày nay, (hiện có địa chỉ tại 97A Phó Đức Chính, Quận 1), nằm trong một khu đất tứ giác đẹp giới hạn bởi 4 con phố: Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm – Calmette – Nguyễn Thái Bình. Đó là tư dinh của một thương nhân, một nhà tư sản người Hoa tên là Hứa Bổn Hòa (Hui Bon Hoa), mà dân Sài Gòn vẫn quen gọi là chú Hỏa.

Mặt trước công trình với hình thức kiến trúc cổ điển đăng đối, có vóc dáng và quy mô như một lâu đài

Hứa Bổn Hòa, hay chú Hỏa là một người Hoa, có tổ tiên di cư tới mảnh đất Nam Bộ Việt Nam và sinh sống từ thế kỷ 17, thời các chúa Nguyễn cai quản xứ Đàng Trong. Cho tới giờ, những câu chuyện về chú Hỏa, vẫn là một huyền thoại, nhiều bí ẩn trong lòng TP. Nhưng những gì chú Hỏa đã làm, đã xây dựng thì vẫn hiện hữu cụ thể cho tới ngày hôm nay. Chú Hỏa được coi là thương nhân giàu nhất, nhà kinh doanh bất động sản lớn nhất Sài Gòn và cả Đông Dương vào nửa đầu thế kỷ 20. Chú Hỏa được người Sài Gòn biết đến như một thương nhân huyền thoại, khởi nghiệp từ nghề buôn bán ve chai (thu lượm phế thải), trở thành một ông chủ địa ốc giàu có, chủ nhân của nhiều công trình khách sạn, biệt thự, phố lầu… khắp khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn. Khi đã thành công và thành danh, tuy rất giàu có, nhưng chú Hỏa và công ty Hui Bon Hoa của mình vẫn luôn hướng tới xã hội và cộng đồng. Bên cạnh việc xây dựng các công trình dinh thự, nhà ở của gia đình và các công trình phục vụ kinh doanh, chú Hỏa còn xây dựng nhiều công trình công cộng, phúc lợi khác như bệnh viện, chùa chiền… Vào thời điểm cực thịnh, công ty Hui Bon Hoa của chú Hỏa sở hữu tới 20.000 căn nhà phố khắp địa bàn Gia Định – Sài Gòn – Chợ Lớn. Các công trình chú Hỏa đầu tư và xây dựng đến nay vẫn tồn tại và được sử dụng có thể kể tới là: Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Chùa Kỳ Viên, Khu biệt thự đường Lý Thái Tổ (nay là Nhà khách Chính phủ), nhiều trụ sở kinh doanh – ngân hàng trên địa bàn quận 5… Các công trình này đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo đô thị TP Sài Gòn. Về nhân vật đặc biệt này, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã nhận xét: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”

Cột đèn điện bằng thép ở sân
Cột đèn điện bằng thép ở sân
Cửa chính vào sảnh, một sự kết hợp Đông – Tây thú vị. Chi tiết vòm cuốn và hoa sắt cửa kiểu art-décor của phươngTây, phía trên có logo viết tắt tên chủ nhân: H.B.H (Hui Bon Hoa); Hai bên cửa là câu đối đậm nét phương Đông
Cửa chính vào sảnh, một sự kết hợp Đông – Tây thú vị. Chi tiết vòm cuốn và hoa sắt cửa kiểu art-décor của phươngTây, phía trên có logo viết tắt tên chủ nhân: H.B.H (Hui Bon Hoa); Hai bên cửa là câu đối đậm nét phương Đông

Trong các công trình của chú Hỏa còn để lại cho đến ngày hôm nay, tư dinh của chính mình, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM là một công trình đặc biệt.

Hoàn thành xây dựng năm 1925, công trình Nhà chú Hỏa nằm trong một khuôn viên rộng lớn, có hàng rào sắt bao bên ngoài; là tư dinh nhưng có quy mô to như một lâu đài ở châu Âu thời Phục Hưng. Tòa nhà quay hướng Đông đón nắng buổi sớm tỏa những màu sắc rực rỡ như một điểm nhấn trên đường phố. Công trình nhà chú Hỏa cao 4 tầng, sử dụng kết cấu bê tông cốt thép với bố cục đăng đối, khép kín tạo một sân trong. Hình thức kiến trúc khá uy nghi nhưng lại dễ gây thiện cảm bởi những chi tiết trang trí duyên dáng, bởi màu sắc rực rỡ bắt mắt, và bởi sự kết hợp hài hòa Đông – Tây. Công trình được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp, nhưng không thể phủ nhận vai trò của chủ nhân trong việc hình thành cấu trúc công trình và phong cách kiến trúc. Chú Hỏa tỏ ra là người có mắt thẩm mỹ và biết kết hợp hài hòa những giá trị mỹ thuật Âu – Á đương thời. Có thể thấy về mặt quy mô, cấu trúc và phong cách kiến trúc công trình, thì nhà chú Hỏa là một công trình châu Âu với những quy tắc kiến trúc nghiêm ngặt và sự chuẩn mực của kỹ thuật xây dựng. Công trình mang phong cách Art-Deco. Đó là một trường phái kiến trúc và trang trí xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở phương Tây trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Từ bỏ lối trang trí nặng về nghệ thuật của Hy Lạp, La Mã thời phục hưng mà thiên về lối trang trí hoành tráng, hình học, hoa lá với những vật liệu mới là thép và kỹ thuật bê tông hiện đại. Vào thời điểm đó, tuy rất thời thượng ở châu Âu nhưng công trình mang phong cách Art-Deco còn rất ít ở các thành phố thuộc địa. Dấu ấn kiến trúc – vật liệu thể hiện rất rõ ở quy mô công trình và những chi tiết kiến trúc như ban công đua ra phía ngoài, mái vươn xa, các hệ thống hoa sắt uốn công phu, độc đáo ở hàng rào, cổng, cửa, lan can ban công, lan can cầu thang… Lối vào chính ở lầu 1 được tổ chức khá hoành tráng và nhấn mạnh với tiền sảnh cao, có thang lên hai phía, trên có mái sảnh được đỡ bằng những cột khá lớn.

Cổng phía sau vào công trình. Hai bên trụ cồng sử dụng thức cột cổ điển của phương Tây
Cổng phía sau vào công trình. Hai bên trụ cồng sử dụng thức cột cổ điển của phương Tây

Tổng thể công trình là 4 dãy nhà khép kín, liên hoàn tạo thành một sân trong

Cửa chính vào khu vực sảnh có kiến trúc cuốn vòm, khung cánh được làm bằng thép – kính, đặc biệt trên vòm cửa có hoa sắt cách điệu chữ viết tắt tên chủ nhân H.B.H (Hui Bon Hoa). Đây là một chi tiết đặc sắc rất riêng, rất cá tính của công trình. Nội thất sảnh cũng mang phong cách châu Âu với thức cột ionic cổ điển, và những trang trí hoa văn đắp nổi trên trần. Thẳng tiếp vào là cầu thang chính dẫn lên các tầng trên. Cầu thang có mặt bằng hình chữ U với 3 vế, có lan can sắt uốn tinh xảo, duyên dáng. Điều đặc biệt nhất, chính giữa hố thang, sát mép sàn là một thang máy. Đây là một trong những công trình đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy. Vào những năm 1920 ở Sài Gòn, thì việc lắp đặt và sử dụng thang máy ở công trình xây dựng là điều cực kỳ mới lạ và xa xỉ, khó tưởng tượng. Điều thú vị là buồng thang máy lại được làm bằng gỗ, được trang trí và chạm trổ như một chiếc kiệu cổ của Trung Quốc, và hoàn toàn lộ ra, phô bày như một thứ đồ nội thất để trang trí.

Chi tiết trang trí trên vòm cổng sau
Chi tiết trang trí trên vòm cổng sau
Chi tiết hoa sắt duyên dáng ở lan can ban công
Chi tiết hoa sắt duyên dáng ở lan can ban công
Chi tiết ống thoát nước mái
Chi tiết ống thoát nước mái
Công trình sử dụng mái dốc lợp ngói âm dương
Công trình sử dụng mái dốc lợp ngói âm dương

Toàn bộ nền sàn tòa nhà được lát bằng gạch bông với nhiều kiểu hoa văn đa dạng, phong phú, mỗi khu vực, mỗi tầng một kiểu khác nhau, riêng cầu thang lát đá cẩm thạch. Các ô cửa kính phía ngoài và cửa sổ cầu thang được lắp kính màu có hoa văn, đậm chất châu Âu.

Nội thất sảnh mang phong cách cổ điển châu Âu với thức cột Ionic
Nội thất sảnh mang phong cách cổ điển châu Âu với thức cột Ionic
Hành lang của dãy nhà bên, vừa có chức năng giao thông vừa là không gian đệm với hệ thống cửa kính - chớp phù hợp với khí hậu nhiệt đới
Hành lang của dãy nhà bên, vừa có chức năng giao thông vừa là không gian đệm với hệ thống cửa kính – chớp phù hợp với khí hậu nhiệt đới
Hành lang ở dãy nhà phía sau có chức năng như một nhà cầu. Không gian rộng rãi này hiện được làm không gian trưng bày các tác phẩm điêu khắc
Hành lang ở dãy nhà phía sau có chức năng như một nhà cầu. Không gian rộng rãi này hiện được làm không gian trưng bày các tác phẩm điêu khắc

Những nét Á Đông giao hòa rất khéo léo với đường nét và phong cách châu Âu ở mọi nơi. Yếu tố này thể hiện ngay ở mái sảnh với mái dốc, ngói âm dương màu đỏ, viên ngói diềm mái tráng men tạo viền màu xanh lục. Những con tiện ở lan can cầu thang lên sảnh, lan can sảnh cũng được tráng men màu lam, trụ đỡ mái sảnh cũng được tráng men màu lam. Chất liệu men này còn được sử dụng ở nhiều nơi khác như trang trí quanh vòm cổng, trụ đỡ mái sảnh lối vào sau, ở cột hành lang dãy nhà sau, và gạch hoa văn tráng men xanh còn tạo thành một dải trang trí – đường phương vị ngang trên mặt tiền công trình ở ngang tầng 4, phía dưới mái. Nhiều chi tiết kiến trúc, trang trí khác cũng mang đậm dấu ấn phương Đông như câu đối chữ Hán ở hai bên cửa chính vào sảnh, chi tiết ống thoát nước mái với trang trí hình cá trên đỉnh, chi tiết ô cửa sổ tròn ở những vòm dưới mái ở tầng 4 có hoa văn chữ “Vạn”.

Toàn bộ nền, sàn nhà được lát gạch bông với nhiều mẫu hoa văn, họa tiết phong phú.

Trong việc tổ chức mặt bằng và không gian kiến trúc, nhà chú Hỏa cũng là một đại diện của trường phái kiến trúc Đông Dương, ngoài sự kết hợp phong cách Âu – Á, bản địa như đã đề cập; còn chú trọng đến các yếu tố khí hậu nhiệt đới của địa phương. Đó là việc tổ chức hài hòa kiến trúc và môi trường (sân, vườn), mặt bằng bố trí hệ thống hành lang bao quanh để tạo vùng đệm thông thoáng, hệ thống cửa trong kính ngoài chớp phù hợp khí hậu nhiệt đới. Toàn bộ công trình có bộ mái lớn, dốc vươn xa để che mưa nắng, phía dưới mái là một không gian thoáng có những ô cửa thông hơi hình tròn…

Các cửa sổ, cửa đi sử dụng kính màu trang trí hoa văn

Cầu thang với lan can sắt uốn rất cầu kỳ, ở giữa giếng thang bộ là nơi đặt thang máy.

Tới bảo tàng nghệ thuật thành phố

Trải qua nhiều biến động chính trị – xã hội cùng những thăng trầm của lịch sử, vượt qua những thêu dệt ly kỳ huyền hoặc quanh ngôi nhà này; ngày nay nhà chú Hỏa đã trở thành Bảo tàng Mỹ thuật – một công trình văn hóa của thành phố – Không gian văn hóa công cộng cùng những hoạt động nghệ thuật, sự sắp xếp, bài trí gọn gàng, khang trang đã xóa hết những lời đồn đại và câu chuyện không hay, thậm chí đáng sợ về ngôi nhà đặc biệt này.

Buồng thang máy được làm bằng gỗ như một chiếc kiệu, trượt trên 2 thanh ray định vị từ mái xuống sàn lầu 1
Buồng thang máy được làm bằng gỗ như một chiếc kiệu, trượt trên 2 thanh ray định vị từ mái xuống sàn lầu 1

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM được thành lập năm 1987, nhưng vì nhiều lý do, và lý do lớn nhất là công tác sưu tầm hiện vật, nên tới năm 1989, cùng với việc cải tạo sửa chữa nhà chú Hỏa; bảo tàng mới chính thức đi vào hoạt động, mở cửa đón khách tham quan vào ngày 28/3/1989. Qua nhiều nỗ lực sưu tầm của những người làm công tác bảo tàng, sự hỗ trợ của TP và đóng góp của giới văn nghệ sỹ làm mỹ thuật, điêu khắc, hiện Bảo tàng Mỹ thuật đã có hơn 20.000 hiện vật, bao gồm các tranh, tượng sáng tác và tác phẩm nghệ thuật dân gian cùng nhiều hiện vật, di vật liên quan đến những tên tuổi lớn của giới mỹ thuật, điêu khắc, những hiện vật có tính lịch sử. Ở mảng tác phẩm sáng tác, phần lớn các tác phẩm là của các tác giả TP và miền Nam, hoặc các tác phẩm liên quan đến những giai đoạn lịch sử của Nam Bộ. Ở mảng tác phẩm dân gian, phần lớn là các tác phẩm sưu tầm từ miền Trung trở vào phía Nam. Với tổng diện tích trưng bày 2.890m² trong nhà và hơn 1.623m² diện tích trưng bày ngoài trời, nhà chú Hỏa xưa kia là nơi lý tưởng để lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật. Hiện nay, tầng trệt (hầm) ngoài văn phòng làm việc còn được dành cho các gallery tranh – cũng là nơi trao đổi, mua bán tác phẩm và là nơi giao lưu của nghệ sỹ. Lầu 1 là không gian triển lãm thường xuyên, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Lầu 2 là không gian trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại. Nơi đây lưu giữ nhiều tác phẩm có giá trị của các tác giả lớn của Nam Bộ cũng như trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như: Diệp Minh Châu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Siên, Đinh Rú… Bên cạnh đó, bộ sưu tập ký họa chiến trường của nhiều họa sỹ, chiến sỹ là những tư liệu quý, có giá trị lịch sử. Đặc biệt, nơi đây hiện lưu giữ hai tác phẩm nổi tiếng, có giá trị đặc biệt về nghệ thuật và nội dung tư tưởng, đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là bức sơn mài “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí và bức sơn mài “Thanh niên Thành đồng” của danh họa Nguyễn Sáng. Lầu 3 là nơi trưng bày các bộ sưu tập mỹ thuật cổ đại, mỹ thuật cận đại và mỹ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống. Tại đây có các không gian trưng bày: Mỹ thuật Nam Bộ (thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 20); Gốm Việt Nam (thế kỷ 11 – đầu thế kỷ 20); Mỹ thuật đồng Việt Nam (thế kỷ 19 – 20); Nghệ thuật điêu khắc cổ đồng bằng Nam Bộ (thế kỷ 4 – 13); Nghệ thuật điêu khắc cổ Champa (thế kỷ 7 – 16); Tượng nhà mồ Tây Nguyên (đầu thế kỷ 20). Bên cạnh các không gian trưng bày trong phòng, trong nhà thì khu vực ngoài trời, hoặc hành lang cũng trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc hiện đại…

Tác phẩm Vườn xuân Trung, Nam, Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí. Đây là một trong những tác phẩm quý giá nhất của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cũng một trong những kiệt tác của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Tác phẩm Vườn xuân Trung, Nam, Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí. Đây là một trong những tác phẩm quý giá nhất của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cũng một trong những kiệt tác của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Ngôi nhà chú Hỏa xưa là một công trình đặc biệt, là một dấu ấn lịch sử. Ngôi nhà và chủ nhân của nó đã trở thành huyền thoại, là một phần của Sài Gòn. Ngày nay, du khách tới TPHCM, ghé thăm nhà chú Hỏa – Bảo tàng Mỹ thuật TP, ngoài việc thưởng ngoạn tìm hiểu và những tác phẩm nghệ thuật và lịch sử nghệ thuật, thì cũng là dịp chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc sắc, đại diện tiêu biểu của sự giao lưu văn hóa, nơi gặp gỡ Đông – Tây.

Hà Thành



Nguồn