Bắt lạch khi lũ về
Quảng NamBão Trà Mi đi qua, nước lũ từ sông Thu Bồn đổ ra biển mang theo nhiều tôm cá giúp ngư dân làm nghề bắt lạch có đêm thu hàng chục triệu đồng.
Bão Trà Mi đổ bộ vào miền Trung trưa 27/10 khiến mưa lớn kéo dài, lũ trên sông Thu Bồn dâng cao. Khi nước sông đục ngầu mang theo phù sa đổ ra biển Cửa Đại là thời điểm lạch xuất hiện.
Với hơn hai thập kỷ gắn bó với sông nước, ông Lê Văn Phúc, một lão ngư xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, đã quá quen thuộc với việc “săn lộc trời” trên sông Thu Bồn. Giữa dòng sông sâu, nước chảy mạnh, ông Phúc đã khéo léo đóng bốn cây gỗ tạo thành hàng ngang, mỗi cây được buộc dây neo cố định chắc chắn.
Ba tấm lưới được ông Phúc thiết kế như những cái phễu khổng lồ, miệng rộng để đón bắt lạch, phần cuối thu nhỏ lại để giữ chặt con mồi. Chúng như những chiếc rọ khổng lồ, chắn ngang dòng sông, giữ lại mọi thứ trôi theo dòng nước.
Nghề đáy đầy rủi ro, đòi hỏi người làm phải đầu tư một số vốn không nhỏ. Ông Phúc đã bỏ ra gần 30 triệu đồng để sắm sửa cây gỗ, lưới và các dụng cụ cần thiết. Tuy nhiên, những cơn lũ bất ngờ có thể cuốn trôi mọi thứ, khiến ngư dân trắng tay.
Ông Phúc cho biết lạch là loài sống ở nước ngọt, thường trú ẩn trong các cồn cát, bãi bồi dọc sông Thu Bồn. Khi mùa lũ đến, nước sông dâng cao mang theo phù sa màu mỡ, lạch sẽ rời khỏi nơi ẩn náu và xuôi dòng ra biển để đẻ trứng. Sau khi sinh sản, chúng lại ngược dòng trở về thượng nguồn.
Hiểu rõ tập tính của lạch, ông Phúc cùng bà con đã tìm ra cách đánh bắt hiệu quả hơn. Thay vì vất vả chèo thuyền, dùng vợt xúc lạch vào ban đêm, người dân đã chuyển sang sử dụng lưới đáy, giúp tăng năng suất đánh bắt.
Sau bão, tối 27 rạng sáng 28/10, ông Phúc bắt được 50 kg, giá bán 450.000-500.000 đồng một kg. Trắng đêm làm nghề, ông cùng vợ con thu gần 25 triệu đồng. “Đây là con nước đầu tiên của đợt lũ nên lạch nhiều, sang ngày thứ hai, đêm 28, rạng sáng 29/10 tôi chỉ bắt được 5 kg”, ông nói, cho biết mỗi năm lạch xuất hiện vài đợt khi có lũ. Mỗi đợt chỉ 1-2 ngày thì hết.
Cũng giống như ông Phúc, anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Duy Hải, cùng người em trai sau một đêm đặt đáy bắt được 5 kg lạch đưa vào bờ bán. “Đêm qua chúng tôi bắt được 70 kg, thu hơn 30 triệu đồng. Đây là lộc trời nên chỉ có những ngày đầu nước lũ bắt được nhiều, các ngày tiếp theo ít dần, thậm chí không có”, anh Tuấn cho hay.
Lạch sau khi được đánh bắt sẽ được tập kết về bến cá An Lương. Tại đây, những con lạch còn tươi rói, to bằng ngón chân cái hoặc nhỏ bằng chiếc đũa được các thương lái thu mua, phân loại và đưa đi tiêu thụ.
Chị Trần Thị Thu, một thương lái, cho biết hôm qua mua hơn 1 tạ, phân phối tại các chợ, nhập vào nhà hàng, quán nhậu. Theo chị, đây là đặc sản mỗi năm chỉ có vài lần nên khách hàng mua nhiều, tiêu thụ lớn, chỉ bán trong buổi sáng đã hết hàng.
Lạch còn gọi lệch hay lịch thuộc họ lươn. Hình dáng thoạt mới nhìn giống lươn nhưng nhỏ hơn với chiếc miệng tam giác, thân tròn nhỏ, con to bằng ngón chân cái, da không vảy, trơn nhẵn bóng. Tại Quảng Nam, lạch được mua về làm sạch nhớt chế biến nhiều món ngon như kho rim, nấu cháo, nướng bẹ chuối lá nghệ, om chuối…
Chủ tịch xã Duy Hải Trần Văn Siêm cho biết địa phương có 25 hộ làm nghề đáy trên sông Thu Bồn, trong đó tập trung ở thôn An Lương 17 hộ. Trong hai ngày qua, hộ thu nhập cao nhất gần 100 triệu đồng, hộ ít khoảng 7 triệu đồng.
“Lũ sau bão Trà Mi mang đến nhiều thuận lợi cho ngư dân, đặc biệt là nghề đáy. Lũ nhỏ, trời tạnh ráo giúp ngư dân thu hoạch lạch dễ dàng hơn”, ông Siêm nói.
Đắc Thành