TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Bộ GD-ĐT ‘buông lỏng quản lý’ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra tại Bộ GD-ĐT, liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thông qua thanh tra 10 TTHC và 18 hồ sơ giải quyết TTHC tại Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý chất lượng và Cục Hợp tác quốc tế, cơ quan thanh tra phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường đề nghị Bộ GD-ĐT và các cơ quan thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra

Sai phạm kéo dài nhưng chậm chấn chỉnh

Một trong những thiếu sót được Thanh tra Chính phủ nêu, đó là công tác quản lý, giải quyết TTHC “phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài” trước thời điểm Thông tư số 11/2022 của Bộ GD-ĐT có hiệu lực (từ 8.2028 – 9.2022).

Bộ GD-ĐT bị kết luận buông lỏng công tác quản lý, để sai phạm trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài. Cụ thể là nhiều đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép theo quy định tại Nghị định 86/2018.

Sai phạm trên diễn ra trong thời gian dài, nhưng chưa kịp thời có biện pháp để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý, gây dư luận xã hội bức xúc.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GD-ĐT tổ chức rà soát, thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp chấn chỉnh, xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả (nếu có) đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực liên kết tổ chức thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Việc xử lý cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia thi cấp chứng chỉ; đồng thời chấn chỉnh công tác phê duyệt hoạt động liên kết tổ chức thi chứng chỉ, đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan, công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực, bức xúc trong xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn tiếp thu kết luận thanh tra

Hồ sơ quá hạn nhưng không nghiêm túc xin lỗi

Vẫn theo kết luận thanh tra, Bộ GD-ĐT báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ TTHC chưa phản ánh đúng thực trạng, thiếu chính xác.

Cơ quan này báo cáo Chính phủ kết quả giải quyết năm 2021 – 2022 đúng hạn là 100%. Thế nhưng, chỉ với 10 TTHC thuộc diện thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện có 419 hồ sơ quá hạn, chiếm 2,27% hồ sơ đã giải quyết. Trong đó, 3 TTHC có tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trên 50%.

Dù nhiều thủ tục giải quyết quá hạn, nhưng cơ quan giải quyết TTHC không thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp.

Một số đơn vị tại Bộ GD-ĐT còn bị kết luận yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ ngoài danh mục thành phần hồ sơ quy định, gây bức xúc, phiền hà, tiềm ẩn nguy cơ sách nhiễu.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra xác định Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT ban hành giấy chứng nhận đã tốt nghiệp đối với 3 hồ sơ TTHC “tiếp nhận du học sinh học bổng ngân sách nhà nước tốt nghiệp về nước” là sai thẩm quyền; thẩm định đối với 3 hồ sơ của TTHC “sửa đổi quyết định, thay đổi địa điểm của văn phòng đại diện” không đúng quy trình.

Cục Quản lý chất lượng cũng phát hành giấy công nhận văn bằng không theo trình tự quy định đối với 2 hồ sơ của TTHC “công nhận văn bằng…”.

Kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ GD-ĐT

Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo bộ trực tiếp liên quan đối với những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm đã nêu.

Theo thẩm quyền, Bộ GD-ĐT chỉ đạo, kiểm điểm đối với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị, tập thể, cá nhân thuộc bộ có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm được đề cập trong kết luận thanh tra.


Nguồn

Exit mobile version