Bỏ không hàng trăm trụ sở, đất công ở Thanh Hóa
Bỏ hoang nhà đất công ở vị trí đắc địa
Đại lộ Lê Lợi là trục đường có vị trí đắc địa nhất TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) nhưng tại đây đang tồn tại nhiều công trình, khu đất bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn. Nằm ở ngã tư đại lộ Lê Lợi giao với đường Hạc Thành, khu đất rộng hơn 5.000 m2 kèm công trình 2 tòa nhà mỗi tòa cao 4 tầng của Đài phát thanh – truyền hình Thanh Hóa bỏ hoang, lãng phí từ năm 2019, thời điểm đơn vị này chuyển đến địa điểm mới.
Cách trụ sở cũ của Đài phát thanh – truyền hình Thanh Hóa chưa đầy 100 m là khu đất rộng hơn 8.800 m2 cùng nhiều dãy nhà cao tầng từng là trụ sở của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cũng đang trong tình trạng “đắp chiếu”, lãng phí từ năm 2017 khi đơn vị này chuyển sang trụ sở mới.
Xuôi về hướng nam, dọc trục đường QL1 đoạn qua TT.Quảng Xương (cách TP.Thanh Hóa hơn 10 km), chỉ chưa đầy 200 m chiều dài quốc lộ là hàng loạt trụ sở bỏ không, gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên H.Quảng Xương, Đài truyền thanh H.Quảng Xương, và Trạm khuyến nông H.Quảng Xương. Các đơn vị này đều đã được sắp xếp chuyển đến trụ sở mới nhiều năm qua còn các trụ sở cũ dù trông rất bề thế, diện tích rộng và ở vị trí đắc địa nhưng rơi vào tình cảnh bỏ hoang, lãng phí.
“Nhiều năm rồi mấy cái trụ sở đó để không, cây dại mọc um tùm gây lãng phí quá. Đất các trụ sở đó nằm mặt đường quốc lộ, diện tích rộng, thuộc loại có giá trị nhất ở H.Quảng Xương này, thế mà nhà lẫn đất hoang hóa lãng phí nhiều năm đến nay vẫn chưa có đơn vị nào sử dụng”, một người dân TT.Quảng Xương bày tỏ tiếc nuối khi nhiều năm chứng kiến cảnh lãng phí nhà đất công.
Không riêng gì khu vực thành thị, đồng bằng, mà cả ở khu vực miền núi, vùng ven biển cũng chẳng thiếu công sở, nhà đất công dôi dư, bỏ không. Tại xã Quảng Giao (H.Quảng Xương) là khu vực ven biển đang có 2 trường học bỏ hoang. Năm 2020, sau khi một trường cấp 3 đóng trên địa bàn xã giải thể, trụ sở trường này được sử dụng làm trụ sở cho trường liên cấp tiểu học và THCS Quảng Giao. Kể từ đó, 2 trụ sở cũ của 2 trường nói trên đều bỏ không đến nay.
Thông tin từ UBND H.Quảng Xương cho biết trên địa bàn huyện này hiện có 23 cơ sở nhà đất dôi dư, nhưng đến nay chưa có công sở, nhà đất nào xử lý được, tất cả đều đang trong tình trạng không sử dụng. Tổng diện tích đất của 23 cơ sở đang bỏ không là hơn 77.800 m2; với hơn 13.150 m2 sàn xây dựng các công trình.
Một huyện miền núi dôi dư 150 cơ sở nhà đất công
Còn khu vực 11 huyện miền núi của Thanh Hóa có đặc điểm diện tích tự nhiên rộng rãi nhưng chủ yếu là đồi núi, đất để bố trí khu dân cư hay các công trình dân sinh thường rất khan hiếm. Trớ trêu là tại huyện miền núi Bá Thước lại đang có tới 150 nhà đất công dôi dư, trong đó chủ yếu là các điểm trường lẻ.
Ông Lê Quang Huy, Phó chủ tịch UBND H.Bá Thước, cho biết trước đây giao thông vào nhiều bản khó khăn nên phải đầu tư xây dựng các điểm trường lẻ của các cấp học trong các bản. Đến giai đoạn 2019 – 2021, khi giao thông đã thuận lợi, các trường thực hiện sắp xếp lại, bỏ các điểm trường lẻ để học tập trung ở điểm trường chính, nên hiện nay dôi dư nhiều điểm trường lẻ.
Theo ông Huy, đến nay H.Bá Thước có 150 cơ sở nhà đất dôi dư. Trong đó, huyện đã lập phương án thu hồi 7 cơ sở; điều chuyển 92 cơ sở; và bán tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất 51 cơ sở. Phương án này được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt từ năm 2021, nhưng đến nay mới thu hồi được 1 cơ sở; điều chuyển được 2 cơ sở, còn lại đều trong tình trạng bỏ không.
“Trong năm nay (2024 – PV) huyện cố gắng thực hiện điều chuyển tiếp một số cơ sở điểm trường lẻ cho nhân dân làm nhà văn hóa thôn. Còn các cơ sở nhà đất dôi dư dự kiến bán tài sản, bán đấu giá quyền sử dụng đất thì chưa làm gì, do vướng nhiều quy định nên phải chờ các quy định sửa đổi. Quá trình xử lý công sở, nhà đất dôi dư gặp một số khó khăn, như cả huyện chỉ có 1 cán bộ kiêm nhiệm phụ trách quản lý tài sản công, trong khi hồ sơ nhiều cơ sở nhà đất thiếu, gây khó khăn cho quá trình sắp xếp”, ông Huy cho hay.
Bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính – Kế hoạch UBND TP.Thanh Hóa, cho biết trên địa bàn TP.Thanh Hóa hiện có 91 cơ sở, nhà đất công đang bỏ không, dôi dư, chưa thể bố trí đưa vào sử dụng. Trong đó, có 5 cơ sở nhà đất nằm trong khu vực dự án dôi dư nhưng dự án chưa triển khai nên chưa xử lý được; 22 cơ sở đang trong quá trình chờ bàn giao; 24 cơ sở đã phê duyệt phương án bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện bán được bất cứ cơ sở nào; và 40 cơ sở nằm trong khu vực phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng để bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng đang trong giai đoạn làm các thủ tục, hồ sơ điều chỉnh.
Theo bà Nhung, quá trình giải quyết các công trình, nhà đất dôi dư, nhà đất công dôi dư gặp nhiều khó khăn, như chồng chéo các quy định, hướng dẫn thực hiện chưa rõ ràng, nguồn gốc của công trình, nhà đất cũng chưa rõ ràng.
Bà Nhung lấy ví dụ trên địa bàn TP.Thanh Hóa từng xảy ra việc dôi dư nhà văn hóa sau sáp nhập, nhưng nguồn gốc đất xây dựng nhà văn hóa một số nơi do người dân hiến đất, hoặc tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đến nay khi xây dựng kế hoạch bán đấu giá tài sản và quyền sử dụng đất thì phát sinh việc người dân đòi trả lại đất đã hiến, hoặc đòi bồi thường lại tài sản đã đóng góp xây dựng. Do đó, việc sắp xếp, xử lý nhà đất công dôi dư lại càng khó khăn. (còn tiếp)
Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021, trên địa bàn Thanh Hóa có 537 công sở, nhà đất công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Nhiều năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều lần chỉ đạo các ngành, các địa phương giải quyết tình trạng công sở, nhà đất dôi dư, nhưng cho đến nay số xử lý được chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là đang bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai và cơ sở hạ tầng.