Bộ trưởng Tài chính Mỹ
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang đau đầu trong việc quyết định ai sẽ làm Bộ trưởng Tài chính, chức vụ kinh tế quyền lực nhất trong nội các sắp tới của ông.
Theo tờ Politico, các ứng cử viên cho vị trí này hiện bao gồm tỉ phú Howard Lutnick (đồng chủ tịch nhóm chuyển giao của ông Trump), ông Scott Bessent (giám đốc điều hành một quỹ đầu tư), cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Kevin Warsh, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Đảng Cộng hòa), Giám đốc điều hành Apollo Global Management Marc Rowan và cố vấn kinh tế lâu năm của ông Trump là ông Robert Lighthizer.
Trong số các ứng viên, tỉ phú Elon Musk công khai ủng hộ ông Scott Bessent, còn Bộ trưởng Y tế tương lai Robert F. Kennedy Jr. lại nghiêng về ông Howard Lutnick. Trong khi đó, những người ủng hộ chính sách thuế quan bảo hộ đã vận động để đưa cựu đại diện thương mại của ông Trump là ông Robert Lighthizer vào vai trò này.
Ông Trump từ lâu đã rất nhạy cảm với thị trường chứng khoán và lãi suất, hai lĩnh vực mà Bộ trưởng Tài chính có ảnh hưởng rất lớn.
“Bộ trưởng Tài chính Mỹ nên thức dậy mỗi sáng và tập trung vào việc thúc đẩy quyền bá chủ kinh tế của Mỹ, nghĩa là trở thành người ủng hộ chính cho các chính sách như đồng USD mạnh, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, phát hành chứng khoán …” – ông Emil Henry, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống George W. Bush và là đồng minh của ông Trump nhận định – “Sự lựa chọn của ông Trump tại Bộ Tài chính phải coi những nguyên tắc này là bất khả xâm phạm”.
Những thách thức mà Bộ trưởng Tài chính tiếp theo phải đối mặt có thể rất lớn. Nhiệm vụ của bộ bao gồm phát hành nợ của Mỹ, hoạch định các vấn đề an ninh quốc gia về kinh tế, chính sách thuế và sức mạnh của đồng USD. Bộ trưởng cũng có thể ảnh hưởng đến định hướng của chính sách công nghiệp, thương mại và đối ngoại.
Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến về cách giải quyết các khoản cắt giảm thuế sắp hết hạn mà ông Trump đã ký thành luật vào năm 2017.
Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, việc gia hạn các khoản cắt giảm đó sẽ làm tăng thêm 4.600 tỉ USD vào thâm hụt liên bang trong thập kỷ tới, làm ảnh hưởng tới đánh giá của các cơ quan xếp hạng, các ngân hàng lớn và các công ty quản lý tài sản lớn.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng kể từ ngày bầu cử (5-11) do tin rằng các chính sách của ông Trump có thể đòi hỏi chính phủ phải vay nhiều hơn, điều này sẽ đẩy lãi suất lên cao.
Thâm hụt liên bang gia tăng cũng làm dấy lên mối lo ngại về vai trò của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ và khả năng ứng phó của chính phủ Mỹ với bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào trong tương lai.
Thị trường có nhiều khả năng phản ứng tích cực hơn nếu họ tin rằng người điều hành chương trình nắm vững cách các thay đổi chính sách ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.