TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Bức tranh kinh tế khó lường

Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED), ngày 7-11 quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm % từ mức 4,5%-4,75%. Trước đó, FED đã giảm lãi suất 0,5 điểm % vào tháng 9. Quyết định của FED khiến nhiều chỉ số chứng khoán của Mỹ lẫn châu Á và châu Âu tăng điểm.

Đề cập thị trường lao động trong cuộc họp báo ngày 7-11, FED cho rằng tình hình nói chung đã được cải thiện: Tỉ lệ thất nghiệp tuy tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp, còn nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc. Quyết định của FED được đưa ra trong bối cảnh chính trị đang thay đổi, với việc ông Donald Trump sắp quay lại Nhà Trắng.

Các nhà kinh tế phần lớn cho rằng chính sách của ông Trump sẽ gây thách thức về lạm phát, khi ông khẳng định sẽ áp thuế trừng phạt và trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông (2017-2021), lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức thấp trong khi tăng trưởng kinh tế, không tính giai đoạn đầu của đại dịch COVID19, duy trì ở mức cao.

Theo đài CNBC, hoạt động kinh tế tăng tốc dưới thời ông Donald Trump có thể khiến FED cắt giảm lãi suất ít hơn nhưng vẫn tùy thuộc diễn biến lạm phát. Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định chính quyền mới sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ. Truyền thông Mỹ chỉ ra FOMC trong cuộc họp tháng 9 cho thấy ý định cắt giảm thêm 0,5 điểm % lãi suất vào cuối năm nay và sau đó là 1 điểm % nữa trong năm 2025.

Máy bay chạy bằng điện được sản xuất tại nhà máy ở Gauting – Đức Ảnh: REUTERS

Không chỉ FED tuyên bố thận trọng hôm 7-11, các chuyên gia cũng nhận định 2 cam kết quan trọng trong số các chính sách kinh tế bảo hộ của ông Trump sẽ là đòn giáng mạnh mẽ lên Ireland và Liên minh châu Âu nói chung. Một trong số đó là mức thuế nhập khẩu chung từ 10%-20% và hai là giảm thuế doanh nghiệp (có thể còn 15% từ mức 21% hiện nay). Ông Trump hứa hẹn ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp giữ lại hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ. Ông cũng từng đề cập mức thuế 200% áp lên ô tô nhập khẩu – động thái có thể làm suy yếu ngành công nghiệp ô tô châu Âu vốn đang gặp khó khăn. Một cuộc chiến tranh thương mại có nguy cơ diễn ra vào thời điểm khu vực đồng euro chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp có thể chuyển thành suy thoái, trong đó Đức đặc biệt dễ bị ảnh hưởng nặng bởi mức thuế áp lên ô tô châu Âu.

Không chỉ châu Âu, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho những kịch bản khó lường sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, trong đó nổi bật là cảnh báo áp đặt mức thuế lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ. Ngoài ra, theo đài CNN, ông Trump còn đe dọa thu hồi quy chế “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” đối với Trung Quốc, vốn mang lại cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới các điều khoản thương mại thuận lợi nhất với Mỹ trong hơn 2 thập kỷ qua.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong cảnh báo sẽ không có bên nào chiến thắng trong các cuộc chiến thuế quan hay thương mại, cũng như trong các cuộc cạnh tranh về khoa học – công nghệ hay công nghiệp. Theo đài CNN, lập trường thương mại bảo hộ và chính sách đối ngoại của ông Donald Trump có thể làm suy yếu các liên minh và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, qua đó tạo cơ hội cho Bắc Kinh lấp đầy khoảng trống và định hình trật tự thế giới thay thế. 

Ông Donald Trump lập nội các

Ngày 7-11, ông Donald Trump tuyên bố bà Susie Wiles, một trong 2 người quản lý ê-kíp tranh cử của ông, sẽ là Chánh Văn phòng Nhà Trắng. Đây là thông báo nhân sự đầu tiên trong thời gian ông Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào ngày 20-1-2025, theo Reuters.

Ông Richard Grenell, cựu đại sứ Mỹ tại Đức và từng là lãnh đạo tình báo Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, đang được cân nhắc cho vị trí ngoại trưởng. Các ứng viên khác là các ông Bill Hagerty, thượng nghị sĩ đến từ bang Tennessee và là cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản; Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump; Marco Rubio, thượng nghị sĩ đến từ bang Florida.

Đối với vị trí bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, có 5 cái tên được nhắc đến, bao gồm: ông Scott Bessent, cố vấn kinh tế chủ chốt của ông Trump; John Paulson, tỉ phú kiêm nhà tài trợ lớn của ông Trump; Larry Kudlow, cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia; Robert Lighthizer, cựu đại diện thương mại Mỹ trong gần như toàn bộ nhiệm kỳ trước đó của ông Trump; Howard Lutnick – đồng chủ tịch đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump, Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald.

Các ứng viên tiềm năng cho ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ có thể kể đến ông Mike Waltz, hiện là hạ nghị sĩ Mỹ đến từ bang Florida; ông Mike Pompeo – cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), cựu ngoại trưởng Mỹ. Chức Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa có 3 cái tên được xem xét, bao gồm ông Tom Homan – quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi di trú và hải quan trong nhiệm kỳ trước của ông Trump; Chad Wolf, quyền Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa cùng thời kỳ; Mark Green, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện hiện tại.

Ứng cử viên Bộ trưởng Bộ Tư pháp là các ông: John Ratcliffee – cựu hạ nghị sĩ, cựu Giám đốc tình báo quốc gia; ông Mike Lee, thượng nghị sĩ Mỹ đến từ bang Utah.

Anh Thư

Nguồn

Exit mobile version