BYD không lệ thuộc nhiều vào trạm sạc
Dù mới “dạm ngõ” thị trường Việt chưa lâu, tuy nhiên BYD lại đang ghi nhận những thành công bước đầu, nhất là trong việc tăng độ nhận diện thương hiệu. Bởi chỉ sau vài sự kiện lái thử, trải nghiệm xe, hãng ô tô điện Trung Quốc đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm từ không ít người dùng ô tô Việt, với lượng khách đăng ký tham gia tương đối ấn tượng.
Và có một thực tế là, đến thời điểm này, khi mà giá bán các dòng xe BYD vẫn chưa được công bố chính thức, công nghệ pin và vấn đề về giải pháp sạc đang trở thành chủ đề được khách Việt chú ý hơn cả. Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi đây đều là những yếu tố then chốt, tác động quyết định mua và sử dụng xe điện của người dùng. Trong khi ngay từ đầu, phía hãng xe điện Trung Quốc đã xác nhận chưa có kế hoạch xây dựng hệ thống trạm sạc nhanh dành riêng cho xe BYD.
Áp lực từ VinFast và bài học từ Wuling
Số liệu trích dẫn từ tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho thấy, năm 2023, BYD vượt mặt cả Tesla để trở thành “ông trùm” ở nhóm xe điện, khi đạt doanh số tổng cộng khoảng 3,02 triệu xe. Tuy nhiên có một thực tế là, thành công mà hãng xe này có được lại đến phần nhiều từ sự “giúp sức” của thị trường “quê nhà”. Bởi chỉ tính riêng lượng xe bán ra ở Trung Quốc, con số đã đạt gần 3 triệu chiếc, trong khi các thị trường nước ngoài, doanh số BYD ghi nhận chỉ chưa đến 300.000 xe.
Điều này cho thấy một thực tế rằng, xe điện BYD vẫn đang phụ thuộc nhiều vào thị trường trong nước. Nơi có sẵn đầu ra với dân số lên đến trên 1 tỉ người hay các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cũng như hạ tầng trạm sạc đã khá hoàn thiện.
Nói vậy cũng để thấy, hành trình “mang chuông đánh xứ người” của BYD sẽ không hề dễ dàng. Nhất là với thị trường như Việt Nam. Bởi không giống một số thị trường khác, hiện trong nước đã có sự “án ngữ” của VinFast. Không chỉ là hãng xe chủ nhà, thực tế VinFast cũng đang nắm ưu thế lớn khi đã đi trước một bước trong bài toán hạ tầng sạc dành cho xe điện. Tính sơ bộ đến thời điểm hiện tại, hãng xe Việt đã xây dựng khoảng 150.000 trụ sạc, phủ khắp cả nước. Điều này chắc chắn sẽ ít nhiều tạo ra áp lực với một thương hiệu bắt đầu “chân ướt chân ráo” vào thị trường như BYD.
Đó là chưa kể, thất bại nhãn tiền của thương hiệu “đồng hương” Wuling có thể là một góc nhìn cần tham khảo với BYD. Giữa năm ngoái, thương hiệu này cũng đưa vào Việt Nam mẫu xe “đình đám”, thậm chí đang nắm giữ vị thế số 1 trên toàn cầu ở nhóm xe điện cỡ nhỏ – Wuling Hongguang MiniEV. Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng ban đầu, việc thiếu đi hạ tầng trạm sạc và các chính sách hỗ trợ bước đầu cho xe điện đã khiến mẫu xe của Wuling dù “gây chú ý”, nhưng cuối cùng vẫn rất khó thuyết phục khách hàng và chỉ bán vỏn vẹn hơn 500 xe trong suốt nửa cuối năm.
BYD không lệ thuộc nhiều vào trạm sạc
Khó khăn về hạ tầng và hệ thống trạm sạc là điều ai cũng có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, có vẻ như BYD lại không quá bận tâm. Chia sẻ riêng với Thanh Niên, ông Võ Minh Lực – Đại diện hãng xe điện Trung Quốc tại Việt Nam mới đây tỏ ra khá tự tin về sản phẩm; đồng thời thẳng thắn cho rằng, xe BYD sẽ không quá phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống trạm sạc nhanh.
Cụ thể, theo ông Lực, dù không đầu tư riêng hệ thống trụ sạc nhanh, tuy nhiên theo tiêu chuẩn của hãng này, hệ thống đại lý BYD bắt buộc phải đầu tư trạm sạc (từ 2 – 3 trụ sạc nhanh và 3 – 5 trụ sạc chậm) để phục vụ khách hàng. Hiện tại, BYD đã “bổ nhiệm” chính thức khoảng 35 đại lý, trải đều trên cả nước và mục tiêu đến năm 2026 sẽ nâng lên khoảng 100 đại lý. Đó là chưa kể, BYD hiện cũng làm việc với các bên thứ 3 để gia tăng thêm lựa chọn sạc nhanh.
Bên cạnh đó, đại diện hãng cũng cho biết; BYD còn cung cấp thêm cho người dùng khá nhiều giải pháp sạc khác. Đầu tiên khi bán xe cho khách, hãng xe Trung Quốc sẽ tặng thêm máy sạc ở nhà có công suất 7kW và miễn phí gói lắp đặt. Với máy sạc này, nếu di chuyển chủ yếu trong đô thị (khoảng 50 – 70 km/ngày), mỗi tuần người dùng chỉ cần sạc pin một lần là đủ dùng.
Riêng với những người dùng hay đi tỉnh (một ngày đi khoảng 500 – 600 km), đại diện hãng cho biết khách hàng cũng có nhiều lựa chọn. Hoặc là “chịu khó” ghé các đại lý của BYD tại tỉnh để sạc khoảng tầm 30 phút là có thể đi tiếp gần 500 km. Ngoài ra, trên xe BYD cũng trang bị sẵn máy sạc cầm tay (gọi là máy sạc theo xe). Máy sạc này công suất 2,2 kW. Thông thường với xe BYD, di chuyển 100 km thường sẽ tiêu tốn từ 12 – 15 kW tùy mẫu và phiên bản của Dolphin, Atto 3 hay Seal. Như vậy, tài xế chỉ cần sạc với máy này khoảng 7 – 8 tiếng là đã có thể di chuyển thêm 100 km, không cần trạm sạc cũng không cần máy sạc ở nhà. Thậm chí có thể sạc ở bất kỳ đâu (quán cà phê, quán ăn,…), miễn là có ổ cắm điện.
Đó là chưa kể, theo đại diện hãng xe điện Trung Quốc, các mẫu xe BYD còn có lợi thế về pin với công nghệ pin Blade. Không chỉ chịu được áp lực cao mà pin này còn có dung lượng lớn, giúp xe khả năng vận hành liên tục từ 400 – 500 km cho mỗi lần sạc đầy. Con số này có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng của phần lớn người dùng ô tô.