Phụ Nữ

Các địa phương đảm bảo bình ổn giá thị trường trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Các chương trình khuyến mại cũng được triển khai mạnh mẽ để kích cầu tiêu dùng.

Để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán. Các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa

Trao đổi tại tọa đàm “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025” tổ chức vào ngày 13/12/2024, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa tăng mạnh. Vì thế, Sở đã chủ động triển khai kế hoạch đảm bảo bình ổn thị trường với hàng hóa thiết yếu.

Hà Nội cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu hàng hóa, các giải pháp điều tiết nguồn hàng. Các nhóm hàng như: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.

Ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đang tích cực dự trữ lượng hàng hóa để đảm nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết. Các mặt hàng gồm: 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 tấn thủy sản, 238.500 tấn trái cây và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Cùng với kênh bán hàng truyền thống, hàng hóa phục vụ Tết cũng sẽ được triển khai bán hàng trên các hệ thống kênh bán hàng đa phương tiện tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn để người tiêu dùng chủ động mua hàng hóa.

Sở Công Thương TP Hà Nội nhấn mạnh, việc đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa là nhiệm vụ không thể thiếu, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm.

Tại TPHCM, chương trình bán hàng lưu động – bình ổn thị trường Tết năm 2025 bắt đầu từ ngày 10/12/2024 và kéo dài đến hết ngày 5/1/2025. Chương trình được tổ chức luân phiên tại 7 địa điểm trên địa bàn Thành phố. Tại mỗi điểm, chương trình sẽ diễn ra trong vòng ba ngày, với hàng loạt hoạt động giảm giá lên đến 60%, mua 1 tặng 1, mua là có quà…

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cho biết, bên cạnh đó, khi người tiêu dùng tham gia mua hàng thanh toán không dùng tiền mặt từ Ví điện tử VNPAY sẽ có cơ hội nhận hàng ngàn mã mua hàng giảm giá 20.000 đồng, 50.000 đồng và trừ trực tiếp trên đơn hàng, cùng cơ hội nhận hàng trăm E-voucher quà tặng.



Nguồn