Phụ Nữ

Cách xử lý khẩn cấp cha mẹ cần biết để phòng bệnh dại

Thời gian gần đây, số ca nhập viện do chó cắn gia tăng, các chuyên gia cảnh báo cha mẹ cần chú ý phòng tránh và xử lý đúng cách khi bị chó cắn, kể cả với chó nhà.

Ngày 26/4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian gần đây đơn vị này tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị chó cắn, trong đó có không ít ca nặng.

Nhiều trường hợp nguy hiểm do chó nhà tấn công

Một trường hợp điển hình là bé gái 5 tuổi ở Hà Nội, bị chó nhà tấn công. Theo gia đình, con chó nặng hơn 20kg đã cắn tới tấp vào vùng đầu và mặt, khiến cháu bé đau đớn, hoảng loạn. Khi nhập viện, bệnh nhi có hơn 10 vết thương, trong đó một vết sâu in rõ dấu răng chó. Các bác sĩ đã tiến hành xử trí cấp cứu, khâu hở khoảng 10 mũi để dẫn lưu dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Hiện bệnh nhi đang được theo dõi sát sao và tiếp tục điều trị theo phác đồ tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại.

Bé gái 5 tuổi bị chó nhà tấn công vào vùng đầu. Ảnh: TĐ

Trường hợp khác là một phụ nữ 45 tuổi, cũng tại Hà Nội, bị chó nhà cắn vào tay. Con chó chỉ nặng khoảng 5–6kg và đã chết ngay sau đó. Bệnh nhân lập tức đến cơ sở y tế gần nhà để được xử trí và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Tuy nhiên, do có tiền sử lupus ban đỏ một bệnh tự miễn gây rối loạn hệ miễn dịch bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi chặt chẽ, phòng ngừa sốc phản vệ hoặc các biến chứng nguy hiểm.

Nguy cơ tiềm ẩn từ chó nhà và lời cảnh báo từ chuyên gia

Bác sĩ Ngô Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cảnh báo: “Chó nhà, kể cả chó nhỏ, nếu không được tiêm vắc-xin định kỳ vẫn có thể mang vi rút dại, dù không có biểu hiện rõ ràng. Vi rút tồn tại trong nước bọt và có thể lây sang người qua vết cắn”.

Vết thương ở vùng đầu bé gái
Vết thương ở vùng đầu bé gái

Theo các chuyên gia, vi rút dại là một trong những tác nhân truyền nhiễm nguy hiểm nhất, với tỉ lệ tử vong gần như 100% nếu bệnh nhân phát cơn dại. Do đó, người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, tuyệt đối không thả rông chó mèo. Khi đưa chó ra ngoài, cần đeo rọ mõm để đảm bảo an toàn.

Cha mẹ cần làm gì để phòng tránh nguy cơ bị chó cắn?

Để bảo vệ trẻ nhỏ và bản thân khỏi nguy cơ bệnh dại, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần: Chó, mèo cần được tiêm vắc-xin phòng dại theo khuyến cáo và tiêm nhắc lại định kỳ hằng năm. Khi cho vật nuôi ra ngoài, bắt buộc phải đeo rọ mõm và xích giữ an toàn. Hướng dẫn trẻ không trêu chọc, giật đồ ăn, ôm hôn hay tiếp cận chó mèo lạ. Không đến gần chó đang ăn, ngủ hoặc chăm con. Nếu chó có dấu hiệu bất thường như sủa dữ, bỏ ăn, chảy nước dãi nhiều, cần cách ly và báo ngay cho cơ quan thú y.

Xử lý đúng cách khi bị chó cắn

Nếu không may bị chó cắn, cha mẹ cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy mạnh ít nhất 15 phút để loại bỏ tối đa vi rút. Sát khuẩn vết thương bằng dung dịch sát khuẩn như cồn 70 độ hoặc povidone-iodine. Nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí vết thương và tiêm phòng dại. Không tự ý điều trị tại nhà. Nếu có thể, theo dõi chó trong vòng 10–15 ngày. Nếu chó có dấu hiệu bất thường hoặc chết, cần báo ngay cho bác sĩ.

Các bác sĩ cảnh báo, mùa hè là thời điểm bệnh dại dễ bùng phát do điều kiện nhiệt độ thuận lợi cho vi rút dại phát triển và lây lan trong cộng đồng. Do đó, người dân cần đặc biệt nâng cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh cho vật nuôi cũng như bản thân và gia đình.



Nguồn