Phụ Nữ

Chính phủ dự kiến sẽ giảm hơn 4.250 đầu mối sau sắp xếp tổ chức bộ máy

Chiều 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo rà soát tình hình, tiến độ triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18; phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ; hoàn thiện các dự thảo văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị; Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chiều 13-1. Ảnh: Nhật Bắc

Theo các báo cáo và ý kiến tại phiên họp, nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã hoàn thiện thêm một bước các phương án, báo cáo để trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét.

Bộ máy của Chính phủ sau khi sắp xếp dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan) và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan). Về tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan, dự kiến sẽ giảm tới hơn 4.250 đầu mối, trong đó, giảm 100% tổng cục, giảm gần 86% cục và tổ chức tương đương; giảm hơn 54% vụ và tương đương; giảm gần 92% chi cục và tương đương, cụ thể là dự kiến giảm 13/13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục, 203 đơn vị sự nghiệp công lập (các số liệu này chưa tính việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng).

Trên cơ sở cập nhật tiến độ thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong kèm theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành mình.

Đồng thời, các địa phương cũng cần hoàn thiện phương án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tương đồng với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cấp huyện.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hai bộ cần tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về sắp xếp các đơn vị, cơ quan theo kết luận, chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, công tác thanh tra hiện nay cơ bản hiệu quả nhưng bộ máy còn công kềnh, nhiều tầng nấc, việc chỉ đạo và hoạt động có nơi, có lúc chưa hiệu quả nên cần thiết phải tổ chức, sắp xếp lại để hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc không bỏ chức năng, nhiệm vụ và những công việc đã được xác định, đã ổn định từ trước đến nay; nghiên cứu phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thanh tra ở các cấp phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tránh chồng chéo, giảm khâu trung gian, bảo đảm tính thống nhất và độc lập trong thực thi công vụ; là một công cụ hiệu quả thực hiện chức năng quản lý nhà nước và góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thanh tra ở các cấp phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tránh chồng chéo, giảm khâu trung gian, bảo đảm tính thống nhất và độc lập trong thực thi công vụ.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, phương án để trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm tiến độ và chất lượng với tinh thần đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.



Nguồn