Chịu ‘cú sốc’ lớn vì ‘gậy ông đập lưng ông’, EU tức tốc yêu cầu Mỹ tìm cách giảm nhẹ lệnh trừng phạt với Nga
Trước đó, Gazprombank, ngân hàng chủ chốt thực hiện các giao dịch khí đốt tự nhiên của Nga, đã trở thành trọng tâm của mâu thuẫn địa chính trị và năng lượng khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vào tháng trước.
Tháng trước, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Gazprombank. Cơ quan này cho biết đây là “bước tiến lớn khác trong việc thực hiện cam kết của các nhà lãnh đạo G7 nhằm hạn chế Nga sử dụng hệ thống tài chính quốc tế để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.”
Áp lực này được đưa ra ngay khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định hủy bỏ yêu cầu khí đốt tự nhiên phải được thanh toán độc quyền thông qua Gazprombank. Thay đổi này đã mang lại sự linh hoạt nhưng vẫn không giúp EU giải quyết được nhiều thách thức về mặt pháp lý và logistics mà khối này phải đối mặt.
Theo nguồn tin thân cận, EU và Mỹ đang thảo luận về cách thức và phạm vi thực hiện một biện pháp trừng phạt được giảm nhẹ, khi một số chính phủ và doanh nghiệp EU cảnh báo rằng lệnh trừng phạt mới nhắm đến Gazprombank sẽ gây rủi ro cho an ninh nguồn cung của khu vực.
Nội dung của các cuộc đàm phán hiện tại giữa EU và Mỹ chủ yếu xoay quanh việc liệu các khoản thanh toán mua khí đốt có thể thực hiện thông qua công ty con của Gazprombank ở Luxembourg hay các kênh thay thế hoàn toàn hay không.
Trong khi đó, châu lục này vẫn rất phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga dù khối lượng khí đốt chảy qua đường ống giảm mạnh, từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm ngoái. Nga vẫn cung cấp gần 15% nhu cầu qua đường ống và LNG nói chung cho EU. Na Uy và Mỹ nay đã là nhà cung cấp hàng đầu của khối, với mức cung cấp 30% và 19%.
Theo quyết định mới của Nga, các bên mua nước ngoài được sử dụng các ngân hàng khác để chuyển tiền sang rúp sau đó mới thanh toán. Tuy nhiên, Gazprombank vẫn là tổ chức duy nhất được uỷ quyền để thanh toán. Nguồn tin thân cận cho biết, các ngân hàng muốn đảm bảo sự trơn tru với bất kỳ giải pháp thanh toán nào để không vi phạm lệnh trừng phạt.
Năm 2022, Gazprom đã thay đổi cách chấp nhận thanh toán từ người mua châu Âu, với yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp thông qua Gazprombank. Ba Lan và Bulgaria đã bị cắt nguồn cung ở thời điểm đó vì từ chối tuân thủ. Slovakia và Hungary vẫn nhận khí đốt từ Nga và hiện đang ở tình thế đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Thậm chí, Hungary còn kiến nghị đến Mỹ về việc miễn trừ lệnh trừng phạt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tìm cách nhận miễn trừ lệnh trừng phạt của Mỹ để tiếp tục sử dụng dịch vụ của Gazprombank trong việc thanh toán các đợt nhập khẩu năng lượng từ Nga. Đồng thời, quốc gia thành viên NATO cũng đàm phán với quan chức Nga về tương lai của hoạt động thương mại giữa 2 nước và việc thanh toán năng lượng.
Tổng hợp