Thị Trường

Chủ tịch CEO Group đề xuất nâng cấp khu kinh tế thành đặc khu kinh tế

Trong tham luận gửi đến Hội thảo khoa học trọng điểm “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group đã có những góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi liên quan tới đất thương mại, dịch vụ.

Một trong đề xuất đáng chú ý của ông Bình đó là, tiếp tục nghiên cứu thành lập một số đơn vị  kinh tế đặc biệt phù hợp với Hiến pháp 2013 hoặc thành lập đặc khu kinh tế để thử nghiệm thể chế, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, khai thác nguồn lực đất đai trong đó có đất thương mại dịch vụ.

Theo ông Bình, một số nước trong khu vực đã thành lập các đặc khu kinh tế và mang tới những tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ví dụ như Lào đang vận hành 13 đặc khu kinh tế (SEZ) với thời hạn thuê đất lên đến 99 năm, cơ chế “một cửa, một dấu” trong đó có đặc khu Kinh tế Tam giác vàng. Long Thành, doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư một SEZ ngay tại trung tâm thủ đô Viêng Chăn. Dự án có quy mô trên 557 ha, bao gồm nhiều chức năng như khách sạn, sân golf, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, khu công nghệ quốc tế.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group chia sẻ tại hội thảo.

Tại Campuchia, Đặc khu kinh tế Phrom Penh (PPSEZ) với thời hạn thuê đất 99 năm, cơ chế “một cửa, một dấu” đã thu hút 100 công ty từ 15 quốc gia trong đó Nhật Bản chiếm 50%. Đặc khu kinh tế Shihanoukville (SSEZ) cũng có cơ chế tương tự đang thu hút rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài. Trên cơ sở đưa ra thực tiễn trên các nước, ông Bình đặt ra câu hỏi: “Liệu có thể nâng cấp các khu kinh tế hiện nay thành các đặc khu kinh tế?”

Ngoài đề xuất này, Chủ tịch CEO Group cũng kiến nghị bỏ quy định về điều kiện bán tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm quy định tại Điều 50 Dự thảo; quy định điều kiện bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm giống như trường hợp bán tài sản gắn liền với đất giao và đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Liên quan đến sửa đổi Điều 78 Dự thảo về thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, theo ông Bình, Điều 78 của Dự thảo chưa có quy định về việc thu hồi đất đối với các dự án đầu tư xây dựng “trụ sở, văn phòng làm việc; công trình đất thương mại, dịch vụ”, mới chỉ đưa dự án khu đô thị vào trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

“Với đánh giá về vai trò của đất đất thương mại, dịch vụ và bất động sản trên đất đất thương mại, dịch vụ như nêu trên, tôi cho rằng cần có chính sách phù hợp để khơi thông nguồn lực vô tận này, giải quyết cả vấn đề kinh tế và xã hội, đóng góp lớn cho lợi ích công cộng của quốc gia.

Theo đó, đề nghị xem xét bổ sung các trường hợp Nhà nước thu hồi đất bao gồm cả dự án “xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ; khu du lịch nghỉ dưỡng; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao” cho thống nhất với quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, tránh sự phân biệt đối xử giữa các loại đất cùng thuộc nhóm đất sản xuất kinh doanh”, ông Bình kiến nghị.

Ngoài ra ông Bình cho rằng, để khai thác tối đa lợi thế của nền kinh tế mở, có tính thích ứng cao với các xu thế thế giới về dòng chảy tiền đầu tư FDI, dòng chảy lao động chất lượng cao và du lịch để làm nền tảng cho việc ban hành các chính sách, pháp luật tương lai nhằm khai thác hiệu quả đất thương mại, dịch vụ, tối ưu hóa lợi ích quốc gia, một số chính sách nên thực hiện như cho phép người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản gắn với quyền sử dụng đất, quyền thuê đất; mua và sở hữu ngôi nhà thứ 2; miễn thị thực du lịch cho tất cả các quốc gia; cấp visa du mục kỹ thuật số (digital nomads), visa vàng 5-10 năm…

Bên cạnh đó, ông Bình nhấn mạnh, cần bảo tính đồng bộ với các bộ luật, luật có liên quan khác trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, tài chính, tín dụng, ngân hàng, thuế, môi trường… nhất là Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) để đất thương mại, dịch vụ thực sự cất cánh.

Nguồn