Bất Động Sản

Chủ tịch HoREA đề xuất nâng giới hạn độ tuổi lên 45 thay vì 35

Trong bối cảnh giá bất động sản vẫn neo cao, việc sở hữu nhà ở đang là thách thức lớn đối với người trẻ, đặc biệt là nhóm dưới 35 tuổi. Nhằm tháo gỡ khó khăn và hiện thực hóa giấc mơ an cư cho thế hệ trẻ, Chính phủ và các ngân hàng thương mại đã đồng loạt triển khai các chính sách, gói tín dụng ưu đãi trong năm 2025.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với hệ thống ngân hàng đầu năm nay, Thủ tướng đã nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất để người trẻ tiếp cận nhà ở. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các ngân hàng thương mại xây dựng và triển khai các gói vay ưu đãi, tập trung vào nhóm người thu nhập trung bình – thấp, chưa sở hữu nhà ở.

Bên cạnh hỗ trợ tín dụng, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025, giao chỉ tiêu cho các địa phương hoàn thành gần 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025–2030. Đây là nguồn cung quan trọng, giúp người trẻ có thêm lựa chọn về nhà ở với mức giá hợp lý.

Mới đây, tại tọa đàm “Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ” do Báo Người lao động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có chia sẻ về việc phát triển nhà ở cho người trẻ, người thu nhập thấp.

Theo đó, ông Châu đề nghị xác định “người trẻ” là những người từ 45 tuổi trở xuống, thay vì 35 tuổi như hiện nay. Bởi lẽ, nhà giá rẻ không chỉ dành cho người trẻ mà còn hướng đến những người mua căn đầu tiên.

Bên cạnh đó, ông Châu cũng nêu thực trạng: “Từ năm 2021 đến nay, TP HCM không có thêm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền. Một bộ phận giới trẻ có xu hướng mua nhà dưới 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, loại hình nhà ở này ngày càng khan hiếm. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ và chính sách ưu đãi cho người trẻ mua nhà”.

Để tăng nguồn cung nhà ở, Chủ tịch HoREA đề nghị, một trong những giải pháp quan trọng là Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị quyết, nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, như đã thực hiện trong thời gian qua. Hàng trăm, thậm chí cả ngàn dự án, đang bị đình trệ; nếu được khơi thông sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở đáng kể, tạo điều kiện để người trẻ và người có nhu cầu thực tiếp cận nhà ở.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN phát triển dự án nhà ở.

Cũng nêu về vấn đề này, TS Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân) nêu quan điểm, nên chia “người trẻ” thành hai nhóm là 18-23 tuổi và 24-34 tuổi.

“Bởi lẽ, giai đoạn từ 18 đến 23 tuổi, nhiều người đang trong quá trình định hình sự nghiệp. Còn từ 24 tuổi trở đi, họ đã bắt đầu ổn định hơn, có thu nhập rõ ràng hơn và bắt đầu phát sinh nhu cầu về chỗ ở lâu dài. Đây là nhóm có nhu cầu mua nhà rõ nét nhất. Luật Nhà ở hiện nay, đặc biệt là chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của nhóm này nếu triển khai đầy đủ”, ông Tuấn nhấn mạnh.


Kỳ Thư

Nguồn