Công bố bảo vật Linga vàng
Bình ThuậnSau hơn 10 năm tìm thấy, lần đầu tiên bảo vật quốc gia Linga vàng được công bố với công chúng tại lễ hội Katê năm 2024 trên tháp Pô Sah Inư, TP Phan Thiết.
Sáng 2/10, người Chăm khắp tỉnh Bình Thuận tề tựu về di tích tháp Pô Sah Inư trên đồi Bà Nài, phường Phú Hài, TP Phan Thiết dự lễ hội Katê. Đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người Chăm bản địa với nhiều nghi thức (cúng Tống Ôn, rước y trang nữ thần, tắm tượng Linga – Yoni trong tháp…) với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, xứ sở thanh bình.
Tại đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố Quyết định của Thủ tướng công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia và lần đầu triển lãm bảo vật quý giá này cho công chúng tận mắt thưởng lãm.
Linga vàng được xác định có niên đại thế kỷ 8-9, chế tác bằng kỹ thuật gò tán, cao 6,6 cm; đường kính thân gần 5,5 cm; đường kính vành 6 cm; nặng hơn 78 gram, với tỷ lệ hơn 90% là vàng ròng, còn lại là bạc và đồng.
Ông Võ Thành Huy, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Thuận, cho biết hơn 10 năm trước, Linga vàng được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ tại di tích tháp Po Dam (còn gọi Pô Tằm) trên núi Ông Xiêm, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.
Từ đó đến nay, bảo vật được bảo vệ nghiêm ngặt tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. Ngày 18/01/2023, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận Linga vàng cùng 28 cổ vật khác trên cả nước là bảo vật quốc gia trong đợt 12 năm 2023.
Trong Bà La Môn giáo, Linga tượng trưng cho thần Shiva, vị thần hủy diệt và tái sinh. Đây là vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc văn hóa Chăm Pa ở miền Trung Việt Nam và các nền văn hóa cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á.
Theo các nhà nghiên cứu, bảo vật Linga vàng là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, quan hệ ngoại giao, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của vương quốc Chăm Pa xưa.
Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch hội đồng chức sắc Bà La Môn giáo tỉnh Bình Thuận cho biết trong tiến trình lịch sử, người Chăm đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, riêng biệt, đa dạng và phong phú.
Các công trình kiến trúc đền tháp, đền thờ, các tác phẩm điêu khắc đá, đúc đồng, tượng thờ, phù điêu, kho tàng thơ ca, truyện cổ, các lễ hội, lễ nghi, trang phục đa sắc màu, các nghề thủ công truyền thống… độc đáo, mang đậm dấu ấn và bản sắc riêng.
Việc công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của cộng đồng người Chăm địa phương. “Chúng tôi sẽ nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc mình”, sư cả Hữu nói tại lễ hội Katê.
Việt Quốc