#CookieJarring – Liệu bạn có phải là phương án dự phòng của nửa kia?
Trong thế giới tình cảm hiện đại, nhiều người không ngừng đặt câu hỏi về sự nghiêm túc của mối quan hệ của mình. Bạn có cảm thấy mình đang dành tâm huyết cho một người mà không nhận được sự cam kết tương xứng? Liệu bạn có phải là “phương án B” trong cuộc sống của nửa kia? Hãy tìm hiểu những dấu hiệu và tìm cách bảo vệ bản thân khỏi tình huống này.
“Cookie jarring” là một khái niệm phổ biến trên mạng xã hội để ám chỉ hành vi hẹn hò với nhiều người cùng lúc nhằm đảm bảo an toàn khi tình cảm của họ đổ vỡ. Giống như một đứa trẻ lẻn vào bếp để lấy chiếc bánh quy, những người theo trường phái “cookie jarring” cũng sẽ lén lút tìm đến lựa chọn thay thế khi họ không chắc chắn về mối quan hệ hay khi phải đối mặt với sự từ chối.
Có quá nhiều lựa chọn hẹn hò có thể khiến chúng ta ngần ngại cam kết với một người, vì sợ rằng có thể bỏ lỡ điều gì đó tốt hơn. Vào những lúc như thế này, xu hướng “cookie jarring” có vẻ tiện lợi, nhưng về mặt đạo đức, điều này có thể vô tình khiến người khác tổn thương. Trong nhiều trường hợp, khi phát hiện mình chỉ là trường hợp dự phòng, mọi người thường cảm thấy bị lợi dụng, vì họ đã dành tình cảm và sự đầu tư cho mối quan hệ. Đặc biệt, “cookie jarring” có thể gây ra những tác động tiêu cực đến lòng tự trọng và cảm xúc của người bị bỏ rơi.
Đâu là dấu hiệu cho thấy bạn là phương án dự phòng?
1. Không rõ ràng và thiếu cam kết: Nửa kia thường có xu hướng né tránh việc thể hiện cảm xúc chân thật hoặc cam kết lâu dài, hay thay đổi quan điểm về tương lai, tạo ra cảm giác bất ổn cho bạn. Những cuộc trò chuyện về việc tiến xa hơn trong mối quan hệ thường bị gạt phăng đi và lảng tránh, khiến bạn liên tục băn khoăn về vị trí của mình trong cuộc sống của đối phương. “Cookie jarrer” có thể thường xuyên trò chuyện với nhiều đối tượng khác một cách công khai, lấy lí do rằng các bạn chưa chính thức xác định mối quan hệ, khiến bạn cảm giác thiếu tự tin, đồng thời luôn cảm thấy bất an.
2. Nỗ lực một chiều: Khi bạn nhận ra rằng mình luôn là người chủ động trong việc bắt chuyện, trong khi người kia lại tỏ ra không mấy nhiệt tình thì rất có thể bạn đang là kế hoạch “dự phòng”. Thậm chí, khi chia sẻ những tâm sự sâu sắc, phản ứng của đối phương có thể rất hời hợt hoặc thiếu quan tâm. Họ có thể chỉ đáp lại bằng những câu ngắn gọn mà không hề thể hiện sự tò mò, muốn tìm hiểu thêm hay đặt câu hỏi dành cho bạn. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy như mình là người đang cố gắng níu kéo mối quan hệ mà không nhận được sự đáp trả xứng đáng, thì có thể bạn đang ở trong tình trạng “cookie jarring.”
3. Tránh xác định mối quan hệ: Nếu bạn cảm thấy đối phương thường tránh công khai mối quan hệ của hai người, điều này cũng là một tín hiệu đáng lo ngại. Họ thường không muốn giới thiệu bạn với bạn bè hoặc gia đình, hoặc tránh việc chia sẻ khoảnh khắc của cả hai trên mạng xã hội. Sự thiếu minh bạch này chính là một trong những dấu hiệu rõ nhất khi bạn gặp phải “cookie jarrer”.
Làm thế nào để tránh bị “cookie jarring”?
1. Xác định mình muốn gì: Trước khi bắt đầu hẹn hò với đối phương, hãy dành thời gian để tự suy ngẫm, xác định rõ ràng những gì mình mong muốn từ mối quan hệ. Dù hơi lạ thường, nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng moodboard là một công cụ tuyệt vời để giúp bạn hình dung rõ ràng hơn về tương lai mối quan hệ bạn mong muốn. Bạn có thể tạo moodboard của riêng mình với hình ảnh, trích dẫn và từ ngữ mô tả về người yêu tương lai. Bài tập sáng tạo này cũng sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở liên tục về những gì bạn tìm kiếm trong một mối quan hệ lành mạnh và trọn vẹn.
2. Quan sát thái độ của đối phương: Khi hẹn hò, đừng để mình bị “mờ mắt” bởi cảm xúc từ những ngày đầu mà bỏ qua những dấu hiệu “cờ đỏ” (red flags). Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi quan trọng – Đối phương có quan tâm đến cảm nhận của bạn không? Họ có sẵn sàng hợp tác để cải thiện những vấn đề trong mối quan hệ hay họ thường né tránh nhiều hơn? Đồng thời, bạn cũng cần xác định mục tiêu hẹn hò của nửa kia – họ có sẵn sàng nghiêm túc hay chỉ muốn hẹn hò cho vui? Nếu quan điểm không phù hợp, hoặc họ không quan tâm đến ý kiến của bạn, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên bước tiếp.
3. Nhờ người thân giúp đỡ: Bạn bè hoặc người thân có thể đưa ra góc nhìn khách quan về mối quan hệ, giúp bạn có góc nhìn khác khi đang “mù quáng” bởi cảm xúc dành cho đối tượng hẹn hò. Một vài nghiên cứu đã cho thấy việc nhìn nhận đối đối phương từ góc nhìn trung lập của người thứ ba sẽ giúp bạn đánh giá vấn đề tốt hơn. Đừng nên phí thời gian và cảm xúc cho một người chỉ coi bạn là phương án dự phòng. Thay vào đó, hãy đầu tư vào bản thân và sớm hay muộn, Mr. Right dành cho bạn cũng sẽ xuất hiện!