Điện như hàng hóa đặc biệt
Giai đoạn những năm 1978-1985, điện như hàng hóa đặc biệt, khan hiếm, không chỉ ở các huyện mà ngay các phường vành đai thành phố Biên Hòa cũng gặp khó khăn. Ngay phường Trảng Dài, lúc bấy giờ người dân còn phải dùng bình sạc thắp sáng. Các phường Tam Hiệp, Tam Hòa gần khu công nghiệp, khu quân sự, trụ sở một số cơ quan đơn vị nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Thường vào buổi tối giờ cao điểm điện áp không ổn định, chập chờn, có hôm bóng đèn lờ mờ như đom đóm. Đường nội bộ các tổ, khu phố, trụ điện bằng cột tre, cột gỗ để kéo điện từ các hộ được lắp đặt đồng hồ chính để “chia sẻ” cho bà con chưa có đồng hồ điện. Cũng từ đây, mùa mưa nhất là khi mưa to gió lớn, sự cố mất điện tạm thời xảy ra như cơm bữa.
Trạm biến áp 110 kV An Bình đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Đồng Nai
Tôi được biết, sau ngày đất nước thống nhất, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ vỏn vẹn hơn 66 km đường dây 15 kV với tổng công suất hơn 78.000 kVA, hệ thống lưới điện chưa phủ khắp địa bàn, nên nhiều vùng chưa được cung cấp điện, chỉ đủ cấp cho khu kỹ nghệ Biên Hòa (KCN Biên Hòa 1) và một số phường quan trọng của thành phố Biên Hòa, một giai đoạn khởi đầu đầy khó khăn, thiếu thốn, thử thách với điện lực tỉnh Đồng Nai là vậy.
Vượt qua nhiều khó khăn từ thực tế, giờ đây ngoài việc điện đã được cung ứng, phục vụ đầy đủ cho yêu cầu sản xuất, đời sống, đồng hồ điện đã đến từng hộ dân, hệ thống truyền tải lắp đặt mới đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả thì những hình ảnh như đã nêu trên chỉ còn trong góc nhỏ của nỗi nhớ về một thời khó khăn, thử thách hay là hoài niệm khó quên của nhiều người…
Nhà máy hoàn tất đến đâu, điện được cung ứng đủ đến đó
Những năm sau đổi mới (1986), đất nước bước qua thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế, định hướng nền kinh tế thị trường thì ngành Điện lực miền Nam nói chung và Điện lực Đồng Nai nói riêng đã kịp thời nắm bắt các cơ hội, chủ động chuyển mình để xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm trong từng năm, tạo động lực cho việc phát triển mạnh mẽ về sau. Cùng với việc khởi công xây dựng trước đó và sau này hoàn thành Nhà máy thủy điện Trị An, công suất 400 MW với sản lượng điện hàng năm 1,7 tỉ kWh, mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu dân sinh, khôi phục phát triển các ngành sản xuất, ổn định tình hình an ninh chính trị xã hội lúc bấy giờ. Đây cũng là tiền đề, là kinh nghiệm quý báu của ngành điện cho việc xây dựng nhiều nhà máy phát điện, nhiều các trạm biến áp 110 kV cùng hệ thống đường dây truyền tải đã được đầu tư, lắp đặt mới với các giải pháp công nghệ tiên tiến ở các tỉnh thành phía nam, trong đó Đồng Nai được xem là một trong các tỉnh trọng điểm.
Trụ sở Công ty Điện lực Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai)
Địa bàn Đồng Nai – một trong những tỉnh có nhiều khu công nghiệp và ra đời sớm nhất cả nước – trong các giai đoạn phát triển, hơn 60 năm đã có Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa, là KCN đầu tiên tại miền Nam và cũng là KCN lâu đời nhất Việt Nam – NV) sau này được duy trì, mở rộng nâng cấp hạ tầng. Đặc biệt, dấu ấn thời gian 1990 – 2010 về 20 năm đổi mới, kiến tạo với hàng loạt khu công nghiệp ra đời đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn từ các nhà đầu tư của nhiều quốc gia khác nhau và được đánh giá thành công ngoài mong đợi.
Thành công không chỉ ở tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp mà còn là hình mẫu cho các khu công nghiệp trong tỉnh và cả nước rút kinh nghiệm khi lập luận chứng kinh tế – kỹ thuật và tiến hành xây dựng các khu công nghiệp sau này. Điển hình đó là Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Khu công nghiệp Gò Dầu, Liên doanh Khu công nghiệp Amata, Khu công nghiệp Long Thành… Để có những kết quả to lớn, những thành công có thể nói vượt bậc như trên, ngoài quyết tâm cao, nỗ lực liên tục của lãnh đạo tỉnh nhà, của các sở ngành, của Công ty phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi Biên Hòa) qua các thời kỳ, và đặc biệt vai trò chủ công của Sonadezi cùng với sự hỗ trợ tích cực, gắn kết, phối hợp luôn kịp thời, hiệu quả của Điện lực Đồng Nai.
Nhìn lại thời gian đã rời xa, không chỉ các thế hệ đã, đang công tác trong ngành điện lực mà nhiều người ngoài ngành cùng chung nhận xét, đánh giá Điện lực Đồng Nai như người bạn luôn đồng hành, tin cậy, đóng góp quan trọng trong chặng đường dài từ thuở ban đầu khởi công đến khi các khu công nghiệp hoàn thành đi vào hoạt động. Và khi các công ty, nhà máy hoàn tất việc xây dựng cơ bản thì được cung ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện, nguồn điện cung cấp liên tục, ổn định, an toàn để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngày càng phát triển, đúng như nhận xét của nguyên lãnh đạo tỉnh nhà: “Dù khó khăn nhưng điện lực chưa từ chối một nhà đầu tư nào”.
Qua chia sẻ, tìm hiểu thông tin được biết cho đến nay, toàn tỉnh hiện có 31 khu công nghiệp, với 1.800 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn gần 30 tỉ USD của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những năm gần đây, nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục tăng luôn vượt mức 1 tỉ USD. Để khẳng định vai trò là nhà cung cấp năng lượng đầy đủ, kịp thời cho sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, phục vụ đời sống người dân ngày một cao hơn, ngành điện lực Đồng Nai ngoài việc tiếp tục phát triển đồng bộ thì kế hoạch trong thời gian tới sẽ đưa vào vận hành 39 công trình lưới điện 110 kV cùng với khối lượng đường dây tăng thêm 131 km, 322 hạng mục lưới điện 22-0.4 kV với khối lượng 1.493 km đường dây trung thế, 1.531 km đường dây hạ thế, tổng mức đầu tư ước 6.400 tỉ đồng.
Đây là tin vui, là tín hiệu tích cực, hơn hết là được chính quyền các cấp, các doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Điện lực Đồng Nai nói riêng, Điện lực miền Nam nói chung. Trong hành trình vượt khó 50 năm qua, ngành điện luôn đồng hành, nỗ lực, kịp thời đáp ứng nguồn điện cho yêu cầu xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, để đóng góp phần lớn trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa.