Hải PhòngMỗi mùa tuyển đặc công nước cho Lữ đoàn 126, đi cùng tư trang quân y luôn có những tập phiếu khám đặc chủng được đóng thành kiện dày.
Tháng 3, sau ngày tân binh cả nước nhập ngũ một tháng là mùa tuyển quân của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 – đơn vị chiến đấu đặc thù của Hải quân nhân dân Việt Nam ra đời trong những năm đánh Mỹ khốc liệt.
Đặc công 126 thời chiến từng đánh đắm hàng trăm tàu chiến Mỹ khắp cửa biển Quảng Trị, lực lượng chủ công giải phóng Trường Sa; thời bình tham gia cứu hộ cứu nạn tàu Vietship01 mắc cạn ở Cửa Việt, tìm Su30MK2, Casa212, Bell-505 gặp nạn trên biển, tìm người mất tích vụ sập cầu Phong Châu…
Các đặc công nước phải làm nhiệm vụ cường độ cao trong môi trường nước, nhiều nguy cơ tiềm tàng. Ngoài sự nhạy bén, linh hoạt, họ phải có sức bền khi bơi lội, khả năng chịu áp suất nước trực tiếp đè ép cơ thể khi lặn sâu. Tuyển chọn đầu vào vì thế cực kỳ khắt khe không kém phi công hay tàu ngầm.
Trung tá quân y Trần Giải Phóng nhiều năm tham gia Hội đồng thành viên khám sức khỏe tuyển chọn đặc công nước cho Lữ đoàn 126. Khi Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ, mỗi đơn vị đảm nhận một khâu từ nhu yếu phẩm đến trang thiết bị y tế trước ngày lên đường. Khám tuyển thường bắt đầu từ mùa hè, kéo dài một tháng dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, khắp năm vùng hải quân trên cả nước.
Hành trang tuyển quân luôn có một kiện hàng được đóng gói cẩn thận đựng hồ sơ, phiếu khám dành riêng cho đặc công nước. Nội dung phiếu khác hẳn loại thông thường, ngay cả tiêu chí chung về thể lực. Để ghi danh vào lực lượng, mỗi quân nhân vượt qua ít nhất bảy bước tuyển lựa, trong đó ba vòng kiểm tra sức khỏe thể lực đặc biệt.
Sức khỏe loại một là điều kiện đầu tiên với quân nhân ứng tuyển, bác sĩ Phóng cho hay. Hội đồng hiếm khi chấp nhận người sức khỏe loại hai, nếu có thì chỉ một tiêu chí hạng nhì còn lại vẫn phải đạt loại một. Nhưng ngay cả khi sức khỏe đáp ứng cũng chưa chắc vào vòng trong nếu không đạt thẩm mỹ cơ thể, đặc biệt là xăm mình. Nhiều chiến sĩ sức khỏe loại một nhưng cuối cùng bị loại vì hình xăm. Tổng thị lực hai mắt ứng viên phải đạt 19/10 trong khi các lực lượng khác có thể tuyển chọn người cận thị.
“Răng khấp khểnh không quan trọng, nhưng phải còn răng số một, tức răng cửa. Răng sâu vẫn được chọn nhưng mất răng cửa hoặc răng vâu coi như loại hẳn” trung tá quân y nói. Lính đặc công sử dụng trang thiết bị khi huấn luyện dưới nước, trong đó có mỏm ngậm ống thở. Nếu mất răng số một hoặc nửa thân răng, răng sứ thẩm mỹ khi xuống nước gặp áp suất tăng, nhẹ thì đau nhức chân răng, nặng có thể rơi vào ống dẫn khí gây nguy hiểm tính mạng.
Để hồ sơ ghi một chữ “Đạt”, các quân nhân sức khỏe loại một phải vượt qua ít nhất ba vòng khám tuyển thể lực, lâm sàng, cận lâm sàng và đặc chủng sinh lý hải quân. Càng vào sâu yêu cầu càng cao, các bước kiểm tra càng kỹ. Những người vượt qua vòng sàng lọc vẫn có thể làm thêm một số yêu cầu kiểm tra cận lâm sàng do Chủ tịch Hội đồng khám tuyển chỉ định để có căn cứ đánh giá sức khỏe kỹ hơn.
Nội dung sinh lý hải quân kiểm tra sức cơ, dung tích phổi, điện não. Vòng quay tiền đình và khám áp lực là hai bài kiểm tra quyết định khả năng chịu đựng áp suất tăng dần trong môi trường nước của đặc công hải quân, trái ngược với lực lượng không quân càng lên cao áp suất càng giảm.
Hồ sơ sức khỏe của từng chiến sĩ được hoàn thiện dần qua mỗi vòng. Các phiếu khám đặc chủng, phiếu kết quả lâm sàng, cận lâm sàng qua nhiều vòng được ghim tuần tự thành một bộ hồ sơ, dày hai cm.
Trang bị áp suất – nơi kiểm tra khả năng chịu đựng áp lực của nước được ví như “cửa loại” tiếp khoảng 50% quân số khám tuyển. Mỗi kíp 6-9 người tùy độ rộng hẹp của buồng, thời gian 30-45 phút phụ thuộc sức chịu đựng lính tuyển. Có kíp vào 9 qua được 7 người, có kíp vào 6 nhưng chỉ được 3.
“Qua được vòng quay tiền đình và khám áp lực, ứng viên còn khoảng 20-30% so với danh sách ban đầu đăng ký chịu được áp suất”, bác sĩ quân y tổng kết. Tiếc nhất là một số chiến sĩ sức khỏe “đứng đầu trong số hạng một” lại không thể vượt qua vòng quay tiền đình hoặc vòng khám áp suất cao.
Sau ba vòng, chiến sĩ được kiểm tra thêm một lần nữa với các chỉ tiêu, chỉ số đặc chủng sinh lý hải quân cao hơn. Hồ sơ ghi “Đạt” mới thực sự là trúng tuyển. Hội đồng sau đó sẽ họp, xét duyệt thêm một bước nữa với từng hồ sơ để có căn cứ biên chế quân nhân về các đơn vị.
Trở thành lính đặc công Lữ đoàn 126, chiến sĩ tiếp tục được phân loại huấn luyện chuyên ngành mặt nước hoặc dưới nước với những đòi hỏi cao hơn về sức khỏe lẫn mức độ chịu đựng áp suất nước. Cuộc rèn luyện khắc nghiệt cao độ, đặc biệt với lính chuyên ngành dưới nước như người nhái, người nhái chống khủng bố.
Bác sĩ Phóng cho hay có người “10 điểm” qua hết các vòng khám tuyển tới giai đoạn huấn luyện thực chiến ở đơn vị, cộng hưởng nhiều yếu tố lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Những quân nhân này sẽ chuyển sang chuyên ngành mặt nước hoặc làm nhiệm vụ khác.
Tiêu chí khám tuyển đặc công nước được Hội đồng xây dựng và hoàn thiện dần căn cứ vào thực tế huấn luyện, chiến đấu, địa hình, khí hậu lẫn sức khỏe bộ đội, theo bác sĩ Phóng. Một số nội dung được tham khảo từ quân đội nước ngoài song áp dụng tùy điều kiện phù hợp. Sau nhiều năm tuyển quân cho đặc công nước, anh thấy mừng khi thể chất thanh niên Việt Nam ngày càng phát triển tốt, từ chiều cao, cân nặng đến khung xương.
Làm việc với nhiều lực lượng, đồng đội vẫn thừa nhận với bác sĩ Phóng rằng vào được đặc công nước không dễ. Còn anh em trong đơn vị gọi đùa anh là “chuẩn ISO khó xê dịch” vì yêu cầu cao, không ngoại lệ khi khám tuyển. Bác sĩ Phóng tự nhận mình cầu toàn, thậm chí khó tính trong từng khâu. Bởi quân y như bộ lọc đầu vào cho đặc công nước, mọi thứ vì thế cần “chuẩn chỉ” ngay từ đầu.
“Đạt thì vào mà không đạt thì về. Mình du di một vài tiêu chí, chiến sĩ về đơn vị làm không tốt là tất cả không hoàn thành nhiệm vụ”, anh nói, tin rằng “đầu vào chuẩn thì quân khỏe, quân khỏe thì huấn luyện mới tinh nhuệ, từ tinh nhuệ mới tiến lên hiện đại”.
Hoàng Phương – Sơn Hà
Bài tiếp: Hai năm ‘khổ luyện nhất đời’ đặc công nước