Đánh giá đầy đủ về vốn và tiến độ đường sắt cao tốc Bắc
“Lớn nhất trong lịch sử”
Chiều 20.11, Quốc hội thảo luận về chủ trương dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD (tương đương 1,7 triệu tỉ đồng), dự kiến khởi công vào năm 2027 và hoàn thành vào 2035.
Đồng tình về chủ trương xây dựng dự án, song đại biểu (ĐB) Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ băn khoăn về khả năng thu xếp, cân đối vốn cho dự án khi tổng mức đầu tư cho dự án lên tới 67 tỉ USD, “lớn nhất trong lịch sử”, gần bằng tổng thu ngân sách nhà nước một năm hiện nay. Trong khi đó, ngoài dự án này thì theo kế hoạch hiện nay sẽ còn 4 tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc, Lào với tổng mức đầu tư cũng lên tới 27,1 tỉ USD. Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch, chương trình, dự án cũng cần nhiều nguồn vốn hàng tỉ USD như mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc Bắc – Nam vào năm 2030, 10.000 km vào năm 2045, các giai đoạn tiếp theo của sân bay quốc tế Long Thành hay các chương trình mục tiêu quốc gia…
ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cũng đặt vấn đề đội vốn và kéo dài thời gian thực hiện khi dự án có tổng mức đầu tư tới 1,7 triệu tỉ đồng và thực hiện chỉ trong khoảng 10 năm. Nữ ĐB đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về khả năng vốn, bố trí vốn cho từng giai đoạn, việc hấp thu nguồn vốn, cân đối nguồn vốn và đặc biệt là phải tính toán kỹ dự phòng các phương án về phân bổ vốn. Cùng đó, đối với các địa phương có dự án đi qua thì việc bố trí vốn tương ứng để đảm bảo cho kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương như thế nào.
Vốn trong nước hay vay nước ngoài ?
Để có nguồn vốn cho dự án, ĐB Dương Khắc Mai đề nghị cần quan tâm, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp lớn trong nước, nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội, giảm sức ép đối với ngân sách nhà nước cho dự án có mức vốn đầu tư chưa từng có trong lịch sử này. ĐB đoàn Đắk Nông đồng thời cho rằng cần huy động cả “sức dân” để phục vụ dự án. Theo ĐB, nếu phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn, người dân sẽ mua. Thêm nữa, việc vay trong dân sẽ tốt hơn vay nước ngoài bởi lợi nhuận thì chính người dân được hưởng và quan trọng hơn sẽ khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư dự án hoàn thành vào năm 2035, tức là 12 năm thì mỗi năm bình quân là 56 tỉ USD. Hiện nay, trong xây dựng đề án dự kiến, chúng ta sẽ vay tối đa là 30% song chưa quyết định là vay trong nước hay vay ODA.
“Nếu vay ODA mà lãi suất thấp và không ràng buộc điều kiện thì đó là một điều rất tốt, còn nếu có ràng buộc điều kiện thì chúng tôi ưu tiên vay trong nước”, ông Thắng nêu rõ. Cùng đó, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay đối với đường sắt, có một cấu phần là sử dụng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu của nước ngoài cho phần đầu máy toa xe và phần thông tin tín hiệu, chiếm khoảng 24% của dự án, phần này sẽ được giao cho doanh nghiệp vay, chỗ nào tốt, chỗ nào rẻ và không bị ràng buộc thì vay.
Với những lo lắng về đội vốn, chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói, với các dự án như đường sắt cao tốc Bắc – Nam thì có 2 khâu buộc phải thuê nước ngoài là tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát. “Đây là những vấn đề cốt tử quyết định dự án có đúng tiến độ không và có bị đội vốn không. Dứt khoát phải nước ngoài”, ông Thắng nhấn mạnh.
Giải trình với nhiều ý kiến đề xuất kéo dài dự án đường sắt cao tốc từ Lạng Sơn tới Cà Mau thay vì chỉ đi từ Hà Nội tới TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi của Hà Nội và điểm cuối tại Thủ Thiêm, TP.HCM. Còn đoạn tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và TP.HCM – Cần Thơ cũng đã có 2 dự án riêng và đang triển khai rất quyết liệt.
Lương đủ sống để nhà giáo toàn tâm toàn ý cho dạy học
Sáng 20.11, trong buổi thảo luận tại Quốc hội về luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói để phục vụ cho mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, dự thảo luật đề xuất một số chính sách khác với các luật khác, mong “chúng ta cũng sẵn sàng chấp nhận”.
Một trong những điểm khác biệt mà ông Sơn nhắc tới là đề xuất nhà giáo tại cấp học mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu sớm không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tiền lương hưu. Dự thảo luật còn đề xuất tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời, khi tuyển dụng, xếp lương lần đầu, nhà giáo sẽ được xếp tăng 1 bậc lương.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh không muốn ngành mình có những gì đặc quyền, đặc lợi, ưu ái bất thường. Tuy nhiên, trong 1,6 triệu nhà giáo hiện nay, phần rất lớn còn ở mức chưa đủ sống, mà chưa đủ sống thì không thể toàn tâm toàn ý cho dạy học. Ông Sơn cho rằng trong bối cảnh đất nước chưa phải là giàu nên không thể dàn hàng ngang ưu tiên cho tất cả, nên khi xét đến quốc sách hàng đầu thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên. Cụ thể ở đây là lương, phải làm sao đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhà giáo. Dĩ nhiên, dự thảo luật chỉ quy định về nguyên tắc, còn việc xếp bậc lương cụ thể ra sao sẽ giao cho Chính phủ.
Nội dung khác cũng được nhiều ĐB ủng hộ là việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra ngày càng trầm trọng, nguyên nhân xuất phát từ sự bất cập khi tuyển dụng nhà giáo đang được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức.
Nhiều ĐB đề nghị có chính sách quản lý đối với dạy thêm, học thêm, vì đây là nhu cầu thực tế của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định chủ trương là không cấm nhà giáo dạy thêm mà chỉ cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức hoặc nguyên tắc về chuyên môn như việc ép buộc học sinh học thêm.