TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

‘Đảo vườn giữa sông Sài Gòn giúp phát triển bền vững môi trường’

Các đảo vườn xây nổi trên sông Sài Gòn đoạn qua khu trung tâm sẽ tạo điểm nhấn khác biệt, độc đáo, giúp thành phố phát triển bền vững, theo liên danh tư vấn Pháp.

Liên danh Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đang hỗ trợ Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM nghiên cứu quy hoạch, phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn. Trong đó, đoạn sông chảy qua khu trung tâm (quận 1 – Thủ Thiêm) được đề xuất xây các đảo vườn kết hợp với cầu đi bộ. VnExpress phỏng vấn TS Nguyễn Thu Trà, đại diện nhóm nghiên cứu về ý tưởng này.

– Vì sao liên danh tư vấn đưa ra ý tưởng xây đảo vườn trên sông Sài Gòn?

– Ý tưởng trên xuất phát từ thực tế trung tâm TP HCM thiếu không gian xanh và kết nối đi bộ hai bờ quận 1 – Thủ Thiêm. Điểm này rất khác biệt so với các thành phố như Paris hay London, bởi nơi đây người dân, du khách có thể dễ dàng dạo chơi giữa hai bờ, giúp họ cảm nhận đa dạng về thành phố liên quan đến dòng sông.

TP HCM đã xây nhiều công trình lớn kết nối Thủ Thiêm, như hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Ba Son, Thủ Thiêm 1, tương lai là cầu đi bộ với quy mô lớn và hai cầu nối sang quận 7, 4. Tuy nhiên, hai bờ sông Sài Gòn qua trung tâm vẫn thiếu liên kết. Điều này gây trở ngại và giảm tính cân bằng trong quá trình đô thị hóa hai bờ sông, nhất là bán đảo Thủ Thiêm.

Phối cảnh các cầu đi bộ kết nối xuống đảo vườn trên sông Sài Gòn. Ảnh: Liên danh tư vấn

Nếu thành phố xây thêm một hoặc hai cầu cho người đi bộ và xe đạp bắc ngang sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm sẽ tạo tác động tích cực kết nối không gian hai bờ. Tuy nhiên, dòng sông ở khu vực này lại khá rộng, chừng 250 m – khoảng cách lớn hơn so với sông Singapore, gấp đôi sông Seine (Pháp), nơi đã quy hoạch bài bản. Do vậy, giải pháp đưa ra là những cây cầu này sẽ nối xuống một số đảo vườn xây trên mặt sông, tạo ra những điểm “dừng chân”, chuyển tiếp từ quận 1 trước khi đến Thủ Thiêm.

Đảo vườn có thể xây cố định hoặc nổi ở gần bờ – nơi dòng chảy chậm hơn. Các đảo sẽ tạo ra một loại rào cây tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi tàu thuyền đi lại. Trên đảo, TP HCM có thể tổ chức các hoạt động giải trí như quán nhạc, cafe, nhà hàng nổi… Điều này sẽ giúp tăng “trải nghiệm xanh” độc đáo cho người dân, du khách, tạo nên điểm du lịch, giải trí hấp dẫn. Khi thiết kế hài hoà, những đảo này không chỉ hình thành không gian sống đẹp, phù hợp nhu cầu hiện đại mà sẽ đảm bảo sự cân bằng về không gian ở khu vực.

– Ý tưởng xây các đảo vườn được đơn vị tư vấn tham khảo từ mô hình nào?

– Thực tế, mô hình này chưa phổ biến trên thế giới ngoại trừ một số vườn nổi đã thử nghiệm ở Paris, Nantes (Pháp), hay trên sông Rhine (Đức). Ngoài ra, quá trình phát triển không gian công cộng trên mặt nước tại cảng Copenhagen (Đan Mạch) cũng được chúng tôi tham khảo trước khi lên ý tưởng thực hiện ở sông Sài Gòn.

Cảng Copenhagen sau khi di dời các ngành công nghiệp được cải tạo làm không gian công cộng lớn trên sông với nhiều hoạt động giải trí cho người dân, du khách. Hạ tầng bến cảng cũng được đầu tư, kết hợp ấn tượng giữa mảng xanh, lối đi ven bờ, waterbus, cầu đi bộ. Điều này không chỉ giúp khu cảng thành điểm đến hấp dẫn mà chất lượng đô thị ở trung tâm Copenhagen cũng cải thiện, tạo giá trị lớn về kinh tế, văn hoá, du lịch.

Đoạn sông Sài Gòn được đề xuất làm đảo vườn. Đồ họa: Khánh Hoàng

Chính bởi mô hình trên chưa có nhiều nên TP HCM khi xây các đảo vườn ở sông Sài Gòn là cơ hội tạo ra sự khác biệt, độc đáo. Các đảo này sẽ trở thành sân chơi thiên nhiên trên sông, tạo sự mới lạ vừa gắn kết con người, vừa giảm khoảng cách tự nhiên hai bờ. Nhưng quan trọng nhất là mảng xanh kết hợp mặt nước công cộng, giúp mọi người có thể tương tác, giao lưu.

Cùng với ý tưởng xây dựng khu “công viên đầm lầy Thanh Đa”, đảo vườn trên sông sẽ là các công trình tạo điểm nhấn cho TP HCM, thu hút đầu tư và ủng hộ của các nhóm cộng đồng cho quá trình phát triển bền vững, gần gũi với môi trường.

– TP HCM và người dân sẽ được lợi ích gì khi làm đảo vườn giữa sông Sài Gòn?

– Sức hút mạnh mẽ của du khách đối với khu vực trung tâm của sông Seine (Paris) và sông Thames (London) là minh chứng cho những lợi ích kinh tế, xã hội tạo ra khi các bờ sông được phát triển và kết nối tốt. Đối với sông Sài Gòn, để thu hẹp không gian hai bờ quận 1 – Thủ Thiêm, không cách nào tốt hơn việc hình thành các đảo vườn, bởi vừa tạo ra không gian công cộng trên mặt nước vừa là bước chuyển tiếp của cầu đi bộ khi được thành phố xây dựng.

Hiện, chúng tôi chỉ lên ý tưởng xây các đảo ở đoạn sông chảy qua khu trung tâm, bởi nơi này là vùng lõi phát triển của thành phố, cũng là khu vực có không gian đặc biệt và năng động nhất. Việc hình thành các đảo vườn tại đây ngoài tăng kết nối đôi bờ, còn là cơ hội để TP HCM cải tạo sinh thái, phát triển công viên công cộng, cân bằng quá trình đô thị hoá những năm qua tại khu vực. Các đảo vườn nổi có thể giúp thành phố tạo sự khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá từ quốc tế.

Ngoài khu trung tâm, dọc tuyến sông chảy qua TP HCM với chiều dài khoảng 80 km, chúng tôi cũng đề xuất chia làm nhiều phân khu khác nhau và phát triển dựa theo các lợi thế, đặc trưng riêng, song song với bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa. Những ý tưởng đưa ra cho từng phân khu nhằm nhấn mạnh một số chức năng tiêu biểu để phát triển, nhưng không xóa bỏ các chức năng khác đang tồn tại. Khi kết hợp hài hoà sẽ tạo ra chuỗi giá trị lớn trên hành lang sông Sài Gòn, làm nổi bật hình ảnh, văn hoá và di sản của dòng sông.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua trung tâm TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

– Quan điểm của tư vấn thế nào trước lo ngại việc xây các đảo trên sông gây ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên, tàu thuyền qua lại và môi trường?

– Đề xuất được chúng tôi đưa ra dựa trên nguyên tắc tôn trọng điều kiện tự nhiên, theo đuổi tầm nhìn phát triển dài hạn cũng như đảm bảo quy hoạch mở. Dựa theo những nghiên cứu về mô hình, kinh nghiệm quốc tế, khi xây các đảo vườn nổi trên sông Sài Gòn sẽ tạo ảnh hưởng tích cực đến thiên nhiên, giúp môi trường sông nước được phát triển bền vững hơn. Bởi các đảo vườn khi hình thành sẽ góp phần cải tạo thiên nhiên, tạo bóng mát cho một khu vực đang nóng và thiếu cây xanh.

Trên đảo, nếu thành phố trồng các loại cây có khả năng lọc nước qua rễ như những khu vườn nổi ở một số hồ hoặc sông Chicago (Mỹ), chúng sẽ cải thiện chất lượng nước, cung cấp một rào cản bảo vệ tự nhiên, đồng thời điều hướng mặt sông thành những dòng kênh hẹp hơn và yên tĩnh. Những đảo này khi xây nổi trên mặt nước cũng không làm thay đổi nhiều đến dòng chảy, hoặc tác động không đáng kể.

Một lý do khác củng cố cho ý tưởng tạo dựng những đảo vườn là chúng sẽ thích nghi với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong bối cảnh TP HCM chịu nhiều tác động.

– TP HCM cần triển khai ý tưởng làm đảo giữa sông Sài Gòn thế nào để đảm bảo hiệu quả?

– Thách thức cho TP HCM là cần thiết kế các đảo vườn nổi một cách thông minh, đặt chúng ở những nơi ít ảnh hưởng nhất đến việc đi lại của tàu thuyền. Thành phố sắp tới sẽ xây cầu đi bộ nối từ bến Bạch Đằng qua Thủ Thiêm, xa hơn là cầu Thủ Thiêm 3 nối sang quận 4, nên nhóm nghiên cứu gợi ý các đảo vườn có thể bố trí kết nối với những cây cầu này.

Chúng tôi cũng khuyên nên bố trí các đảo vườn gần bờ Thủ Thiêm vì dòng chảy phía này chậm, mực nước cũng cạn hơn nên ít tàu thuyền so với phía quận 1. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tiếp tục tính toán nhằm có phương án khả thi nhất. Hiện, đây mới chỉ là giai đoạn định hướng chiến lược phát triển hành lang sông, nên phần kinh phí, cách thức huy động vốn cũng như cơ chế vận hành, khai thác sau đó sẽ tiếp tục được nghiên cứu.

Gia Minh


Nguồn

Exit mobile version