Dấu ấn kiến trúc MuDeJar ở Sevilla
Có một nhà thơ nổi tiếng, Antonio Gala từng nói rằng: “Vấn đề không phải là người Sevilla nghĩ rằng họ đang sống ở nơi đẹp nhất hành tinh…Điều tệ hơn là sự thật rằng có lẽ họ đã đúng khi nghĩ như vậy.” Antonio Gala không hề quá lời.
Sevilla là TP (TP) ở phía Nam Tây Ban Nha, bên hạ lưu sông Guadalquivir, thủ phủ của vùng Andalucía và tỉnh Sevilla là TP lớn thứ tư ở Tây Ban Nha, được hình thành từ thời La Mã khoảng từ hơn 2.000 năm trước, Sevilla mang vẻ đẹp lịch sử với vô số di sản văn hóa, những kiến trúc đồ sộ, các quảng trường tráng lệ, đan xen với những công viên xanh mát.
Vào thời tiền sử, Sevilla bị xâm chiếm bởi người Iberes, người Phoenicia, người La Mã và người Carthago rồi sau đó trở thành một trong những TP quan trọng của đế quốc La Mã cổ đại. Giai đoạn tiếp theo, Sevilla lần lượt rơi vào tay người Vandal, Suevi và Visigoth cho đến khi người Muslim (người Hồi giáo) chiếm được Tây Ban Nha vào năm 711. Sevilla trải qua thời kì phát triển rực rỡ dưới quyền các quốc vương Muslim. Ngày 23/11/1248, Ferdinand III của Castile và Léon (Hai vương quốc nay thuộc Tây Ban Nha thống nhất) chiếm được TP và trở thành một trong những nhà bảo trợ quan trọng nhất có vai trò lớn trong sự phát triển của Sevilla. Sau sự kiện Columbus tìm thấy châu Mỹ, Sevilla trở thành một trong những trung tâm kinh tế của đế quốc Tây Ban Nha nhờ bến cảng phục vụ cho thương mại hàng hải quốc tế, đây cũng là thời kì hoàng kim của văn chương và nghệ thuật. Dưới thời các đức vua Ki-tô giáo, rất nhiều Nhà nguyện, Đền thờ Islam (Hồi giáo) và Do Thái giáo được cải tạo thành nhà thờ Ki-tô, người Islam và Do Thái bị buộc cải đạo hoặc bị trục xuất. Tuy vậy, dấu ấn của kiến trúc và nghệ thuật Islam vẫn có ảnh hưởng sâu sắc lên tòan bộ diện mạo của Sevilla. Vào năm 1808, cuộc xâm lược của người Pháp dẫn tới sự sụp đổ của Sevilla kéo theo nhiều vàng bạc châu báu và các tác phẩm nghệ thuật bị cướp phá. Những cuộc nội chiến suốt thế kỉ 19 làm suy sụp nền kinh tế Sevilla và TP chỉ khởi sắc trở lại dưới thời công tước và nữ công tước de Montpensier. Ngày nay, Sevilla là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn tại châu Âu. TP cũng thu hút du học sinh nhiều nước, trong đó có du học sinh Việt Nam nhờ mức học phí và sinh họat phí khá thấp so với các TP châu Âu khác.
Là một trung tâm văn hóa, Sevilla cũng là mảnh đất của nghệ thuật, nơi mà nhiều công trình lịch sử được xem là tiêu biểu cho nghệ thuật Mudéjar. Thuật ngữ Mudéjar lần đầu được đặt ra vào năm 1859 bởi nhà sử học và khảo cổ học vùng Andalucia là José Amador de los Ríos. Mudéjar là sự cộng sinh của nhiều kĩ thuật và phong cách kiến trúc trên bán đảo Iberia, nơi giao thoa văn hóa châu Âu và văn hóa Moorish. Mudejár không tạo ra các hình dạng và cấu trúc mới trong xây dựng như phong cách Gothic hay Romanesque mà chú trọng vào các yếu tố trang trí như thư pháp Ả Rập, các bề mặt ốp lát với họa tiết phức tạp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm đồ thêu, chạm khắc gỗ, đồ trang trí bằng kim loại có độ tinh xảo cao và đặc biệt, không thể không nhắc đến loại gạch men hoa Azulejo như một vật liệu chính yếu. Thậm chí người Tây Ban Nha còn có câu ngạn ngữ: “Nghèo là khi sống trong một ngôi nhà không có gạch ốp lát trang trí”.
Những mảnh vỡ còn lại từ thế kỉ 6 và 7 khi Sevilla là trung tâm tôn giáo của đế chế Visigoth cho thấy nơi này từng là vùng đất của các thợ thủ công lành nghề. Vào thời điểm Sevilla từ tay các quốc vương Muslim rơi vào tay những nhà lãnh đạo Ki-tô, nghệ thuật và thương mại ở đây đã phát triển rực rỡ, tạo ra lực lượng không nhỏ những thợ chạm khắc gỗ, thợ sắt, thợ thủy tinh, thợ gốm tài hoa. Trước thế kỉ 15, các nhà bảo trợ thuộc giới quý tộc Ki-tô giáo là người chiếm lĩnh và quyết định đời sống nghệ thuật của Sevila, trong suốt hai thế kỉ sau đó, việc trùng tu và trang trí những nhà thờ Ki-tô là nhiệm vụ chính của tất cả thợ thủ công, kĩ sư, các nghệ sĩ. Các công trình tráng lệ này cũng thu hút thợ kính, thợ kim hoàn, các điêu khắc gia từ Đức, Pháp, Ý và các vùng lân cận. Sang đầu thế kỉ 18, vai trò trung tâm của Sevilla trong dòng chảy thương mại quốc tế giờ đây được chuyển giao cho Cádiz. Do đó, TP không còn khả năng duy trì sức hút với các tài năng và thúc đẩy cho cách tân đổi mới nghệ thuật. Tuy vậy, ngành kim hoàn và khắc gỗ truyền thống vẫn tiếp tục được duy trì bền bỉ. Giữa thế kỉ 19, Sevilla trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách nước ngoài nhờ khung cảnh tươi đẹp, điều này góp phần vào sự hồi sinh của TP. Triển lãm Expo 1992 tổ chức ở Sevilla, quê hương của những triển lãm quốc tế nghệ thuật đầu tiên có từ thế kỉ 19.
Plaza de España
Quảng trường Plaza de España là kiến trúc biểu tượng của Sevilla, cũng là một trong những công trình đẹp nhất của KTS Ánibal Gonzalez (1876-1929), người không ngừng thúc đẩy phong trào kiến trúc bản địa. Plaza de España nằm trong quần thể Công viên Maria Lusia, khánh thành từ năm 1928 nhân dịp Sevilla tổ chức sự kiện Triển lãm Iberoamerican. Plaza de España đã kế thừa và cách tân vẻ đẹp hoa mỹ của kiến trúc cổ điển Tây Ban Nha. Công trình kết hợp phong cách Art Deco những năm 1920 với các yếu tố của phong trào phục hưng Baroque Tây Ban Nha và tân Mudéjar. Quảng trường bề thế với diện tích tới 50.000m2, bao quanh là 515m hào nước nơi du khách chèo thuyền du ngoạn. Đây là công trình phức hợp hình bán nguyệt đồ sộ, các tòa nhà kết nối với khu trung tâm qua bốn cây cầu bắc ngang dòng sông nhân tạo. Bốn cây cầu là đại diện cho các vương quốc cổ Tây Ban Nha gồm Castile, León, Aragón và Navarra. Ở trung tâm là đài phun nước Vicente Traver.
Các mảng tường ốp gạch phủ men azulejo là chi tiết trang trí điển hình mang dấu ấn Mudéjar. 48 tác phẩm gạch phủ men màu thể hiện các đề tài lịch sử của 48 tỉnh thành Tây Ban Nha, xếp theo thứ tự bảng chữ cái la-tinh. Mặt sàn là tấm bản đồ của tỉnh cũng được chế tác bằng gạch phủ men màu. Plaza de España được xem như một triển lãm nghệ thuật sống về lịch sử và nghệ thuật Tây Ban Nha thể hiện qua chất liệu gạch nung azulejo truyền thống.
Ngày nay, các tòa nhà của Plaza de España đã được cải tạo làm văn phòng cho cơ quan chính phủ, các sở, ban, ngành… Về phía cuối công viên, những dinh thự lớn nhất từ hội chợ năm xưa nay đã được cải tạo thành bảo tàng, nơi chứa các bộ sưu tập khảo cổ học của TP.
Cathedral of S Maria de la Asuncio
Các di tích lịch sử tại Sevilla tập trung gần nhau trong một khu vực cổ kính tuyệt đẹp thuộc tả ngạn sông Guadalquivir. Nằm trong khu di tích lịch sử này, Cathedral of S Maria de la Asuncion là nhà thờ trung cổ lớn nhất đồng thời là một trong những nơi lưu giữ, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật công giáo thời kì Late Gothic và Phục Hưng. Từ đằng xa, chiều cao của tháp Giralsa và mật độ các cột trụ đầu nhọn đỡ lấy mái vòm gây ấn tượng bởi một mỹ cảm xa hoa tráng lệ. Mặc dù bị tàn phá nặng nề bởi các trận động đất trong thế kỉ 14, nhà thờ cuối cùng được hoàn thành vào những năm 1390. Được sự chấp thuận của hoàng gia, nhà thờ mới được khởi xây năm 1401 trên nền nhà thờ cũ, việc sửa chữa và xây mới kéo dài đến thế kỉ 16. Mặt bằng nhà thờ được thiết kế trên một hình chữ nhật khổng lồ với khu hành lang hình chữ thập La-tin có trần cao vút, bên hông là hai lối đi. Các nhà nguyện được đặt dọc theo hai mặt Nam, Bắc.
Alcázar of Seville
Cách Nhà thờ S Maria de la Asuncion không xa là Alcázar of Seville. “Alcázar” xuất phát từ danh từ “Alqáşr” phối hợp tiếng Tây Ban Nha và Ả Rập có nghĩa là “Hoàng cung” hoặc là “Phòng của Hoàng thân”. Phiên bản nguyên thủy của Alcázar được xây dựng bởi hoàng thân Abd al-Rahman III của Vương triều Islam Umayyad trên nền một thánh đường cũ. Đến thế kỉ 11, lâu đài được mở rộng về hướng Tây, trở thành quần thể cung điện có tên gọi Alcazar al-Mubarak. Sau thời kì tái chinh phục (Recounquista), Alcázar trở thành tư dinh yêu thích của các quốc vương Thiên Chúa giáo vùng Castile trong đó có Alfonso X, Alfonso XI, Ferdinand II và Isabella I, lâu đài thay đổi diện mạo qua các thời kì nhưng vẫn luôn là hình mẫu tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Mudéjar vùng Andalusia.
Casa de Pilatos
Quy mô về diện tích khiêm nhường hơn hẳn các di tích kể trên nhưng sự đa dạng và độc đáo trong hình thức của Casa de Pilatos thậm chí có phần vượt trội. Cung điện Casa de Pilatos là tư dinh của công tước xứ Medinaceli. Vẻ đẹp của công trình đến từ sự pha trộn tao nhã và tinh tế phong cách Phục Hưng Ý và phong cách Mudéjar vùng Andalusia. Điểm nhấn đáng kể là 150 mẫu azulejo khác nhau tạo thành những bề mặt ốp lát tuyệt đẹp. Azulejo là loại gạch men hoa đặc trưng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với các họa tiết trang trí đa dạng ngoài chức năng trang trí còn là vật liệu giảm nhiệt thích hợp cho khu vực có khí hậu nóng bức như bán đảo Iberia.
Mặc dù các dinh thự và di tích lịch sử ở Sevilla ghi dấu ấn bởi vẻ đẹp cầu kì tinh xảo của các chi tiết trang trí chạm khắc, tổng thể TP mang lại cảm giác giản dị tao nhã. Quang cảnh sinh hoạt ở những quảng trường lớn như Santa Cruz hay Plaza de España cho thấy nhịp sống khá từ tốn của Sevilla. Ngoài món đặc sản tapas nổi tiếng, vũ điệu Flamenco mê hoặc và trường đấu bò tót trứ danh, phải nói thêm rằng đặc sản ở Sevilla là nắng. Nằm trong vùng trũng của thung lũng Guadalquivir, Sevilla dường như hứng trọn nắng nóng từ Bắc Phi đem tới, tuy vậy hơi nóng nhanh chóng dịu ngay khi mặt trời vừa tắt. Những khu vườn xanh ngắt và những lâu đài kiểu Mudéjar rực rỡ hơn rất nhiều dưới ánh nắng Andalucia đặc trưng và sắc vàng khó quên của nó. Thời điểm thích hợp nhất để đến Sevilla là vào khoảng mùa xuân từ tháng Ba đến tháng Sáu, đây là thời điểm khí hậu ấm áp với nhiều lễ hội địa phương, hoặc mùa thu từ tháng chín đến tháng mười hai khi thời tiết tương đối mát mẻ ôn hòa.
Đinh Ngọc Tâm
Tư liệu tham khảo: Từ Oxford Art Online
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2024)