Sau thành công của “Dấu xưa văn hiến” (2022) và “Soi bóng Thăng Long” (2023), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục hành trình kết nối sáng tạo nghệ thuật đương đại cùng văn hóa truyền thống và di sản vô giá của dân tộc trong triển lãm sắp đặt “Thiên Quang”, diễn ra từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/03/2025.
Mở cánh cửa Không gian nghệ thuật Nhà Tiền đường tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào năm 2022, triển lãm “Dấu xưa văn hiến” đã khởi xướng một hành trình nghệ thuật giàu chất tự sự, kể về những giá trị đặc sắc mà cha ông ta để lại qua lăng kính của các tác phẩm mang hơi thở đương đại. Đan kết từ những ý tưởng mạch lạc, cấu trúc rõ ràng về mảng miếng, cùng sự hòa hợp giữa chất liệu và hình thức thể hiện, những dấu ấn lịch sử được “dệt” trên nền chất liệu nghệ thuật hiện lên sống động và đầy sức gợi. Một nỗ lực để vượt ra khỏi ranh giới của sự giáo điều và minh hoạ nhàm chán, những người nghệ sĩ đứng sau triển lãm đặt nhiều tâm huyết vào quá trình sáng tạo, đưa những ký ức xưa chạm đến trái tim người đương thời.
Mùa xuân này, “Dấu xưa Văn Hiến” trở lại với Triển lãm sắp đặt mang tên “Thiên Quang” – huyền tích về Ánh Sáng thiêng liêng của Trời và Đất, soi chiếu khắp các chiều bề không gian và thời gian của Thăng Long, mở ra câu chuyện về các nghề thủ công truyền thống xưa. Đó cũng là sự tôn vinh gửi đến các làng nghề đã định hình nên “băm sáu phố phường” nổi tiếng – biểu tượng của Thăng Long suốt chiều dài thiên niên kỷ.
Nếu mạch nguồn hình thành của kinh đô được kể qua câu chuyện “Khởi thuỷ” ở triển lãm “Soi bóng Thăng Long” vào năm 2023, thì “Thiên Quang” tiếp nối dòng thời gian, đưa ta thưởng ngoạn xứ kinh kỳ thời đại phồn thịnh, sầm uất. Cùng với sự hùng mạnh của các vương triều, sự phát triển của đô thị chính là tiền đề cho việc xây dựng nền tảng kinh đô muôn đời.
9 nghệ sĩ – nhóm nghệ sĩ mang đến 9 tác phẩm nghệ thuật sáng tạo đa chiều về các nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long như: dệt vải nhuộm vải, buôn thúng bán mẹt gánh rong, chế tác vàng bạc thiếc, sơn mài, thêu thùa may vá, hàng xáo, phở gánh, làm vàng mã, khắc con dấu, đóng thuyền bè, hát ả đào, viết chữ nho, viết thư pháp… Kết hợp phương pháp vẽ tay và chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa, gỗ cùng các kỹ thuật và chất liệu đương đại như inox, mica, kính, đèn cảm biến…, những kỹ nghệ “vang bóng một thời” của Hà Nội xưa bỗng khoác lên mình một tấm áo hiện đại, gần gũi. Đặc biệt triển lãm sẽ sử dụng ánh sáng để làm nổi bật chủ đề chính với cấu trúc tự do, phóng khoáng – khai thác các khoảng không gian trên, dưới để tránh gò bó vào các mảng vách, tường.
Từng góp phần làm nên một Thăng Long phồn thịnh xưa, có những làng nghề đã vượt qua bão táp thời gian để tiếp nối di sản cho đến hiện giờ. Gắn liền với hình hài địa lý của thủ đô từ ngàn năm, nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa luôn quấn quýt với các con sông để rồi từ đó sinh cho đời những tấm lụa óng ả, đẹp bền. Phẩm hạnh quý giá và khiêm cung của người phụ nữ trên từng sợi tơ đã truyền cảm hứng cho hai hoạ sỹ Phan Minh Bạch và Hà Phạm sáng tạo ra “Giọt hạnh Tơ vàng”. Khối tác phẩm sắp đặt thể hiện hình ảnh con thuyền buồm trên chiếc khung cửi dệt lụa truyền thống, hòa quyện với dòng sông mượt mà kết từ dải lụa dệt tay truyền thống ở làng lụa Hà Đông (nơi đã và đang sản xuất một loại vải lụa đặc biệt chỉ dành riêng cho họa sỹ vẽ tranh).
Triển lãm sắp đặt “Thiên Quang” đón khách từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/03/2025 tại “ngôi đền tri thức” của thủ đô ngàn năm văn hiến – Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây hứa hẹn là điểm đến đầy chánh niệm cho những ai muốn tìm về giá trị truyền thống, khám phá những nét đẹp ôm ấp bề dày lịch sử của đất kinh kỳ, đặc biệt trong dịp xuân về Tết đến.