#DEPTET – Hội chứng hậu nghỉ lễ và 4 cách “bật mood” năng lượng sau chuỗi ngày dài nghỉ Tết
Tết đã qua nhưng dư âm của kỳ nghỉ thì vẫn chưa nguôi ngoai. Hội chứng hậu nghỉ lễ (post-vacation blues) khiến không ít người có cảm giác uể oải, chán nản, chưa sẵn sàng trở lại với nhịp sống thường nhật.
Hội chứng hậu nghỉ lễ
Post-vacation blues (tạm dịch: Nỗi buồn hậu kỳ nghỉ lễ) là tình trạng bản thân rơi vào trạng thái mất tinh thần sau các mùa lễ, Tết. Hội chứng này tập hợp chuỗi cảm xúc buồn chán, hụt hẫng, khó chịu, mệt mỏi, uể oải, ngay cả khi bạn hoàn toàn hào hứng và tận hưởng kỳ nghỉ đầy vui vẻ. Thế nên, bạn sẽ gần như kiệt sức khi phải vật lộn lấy lại động lực, thay vì cảm thấy được nạp năng lượng, tinh thần sảng khoái để trở lại làm việc hậu nghỉ lễ. Hội chứng “căng thẳng” hậu nghỉ lễ diễn ra trong thời gian ngắn hạn hay dài hạn sẽ tùy thuộc ở từng cá nhân. Tuy nhiên, việc các triệu chứng này kéo dài bất thường có thể trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như trầm cảm hay rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực.
“Nếu tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ trong khoảng thời gian 2 tuần trở lên, bạn dễ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Sự buồn bã sau kỳ nghỉ lễ thường sẽ kéo dài ngắn hơn và không gây nhiều bất lợi, xáo trộn cuộc sống hằng ngày của bạn. Chúng cũng xuất hiện chủ yếu trong khoảng thời gian sau kỳ nghỉ”, Naomi Torres-Mackie, tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng tại bệnh viện Lenox Hill (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu tại Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần cho biết.
Cảm giác mất tinh thần xuất phát từ đâu?
Mùa Tết đoàn viên là lúc gia đình sum họp, quây quần, cùng nhau tận hưởng những ngày đầu năm mới an lành và vui vẻ. Đây cũng là lúc nhiều người tận hưởng các chuyến du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm và liên tục “nổ kèo” tụ họp cùng bạn bè. Đây là dịp giúp cơ thể, tâm trí liên tục giải phóng lượng lớn dopamine và serotonin (hai loại hormone hạnh phúc), làm bạn cảm thấy dễ chịu, phấn khởi hơn bình thường. Nhưng do cơ chế cân bằng hormone, nên lượng dopamine và serotonin cũng dần suy giảm khi Tết qua đi, khiến bạn cảm thấy hụt hẫng và bồn chồn. Đặc biệt, việc đột ngột kết thúc kỳ nghỉ lễ cũng có thể làm bạn mất phương hướng, động lực sau kỳ nghỉ lễ.
Không những thế, mùa Tết có thể dễ dàng xáo trộn thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh thường ngày, bởi đây là dịp hiếm hoi bạn có thời gian thong thả nuông chiều bản thân sau một năm tất bật làm việc. Bạn có thể ăn uống thỏa thích những món ngon, ngủ “nướng” thêm một chút, nhâm nhi đồ uống có cồn, ăn diện và chăm chút cho bản thân. Do vậy, sự đứt mạch chuỗi cảm xúc sung sướng này khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
“Sạc năng lượng” sau Tết
Chấp nhận cảm giác hụt hẫng: Tình trạng mắc phải hội chứng hậu nghỉ lễ không hẳn là một vấn đề quá nghiêm trọng. Việc nhận diện, gọi tên và chấp nhận cảm xúc hiện tại của bản thân sẽ là bước đầu giúp bạn buông bỏ những cảm xúc khó chịu theo hướng lành mạnh. Đừng gấp gáp mà hãy tạo cho bản thân không gian để những cảm xúc tiêu cực sẽ tiêu biến theo thời gian.
Lên dây cót đồng hồ sinh học thường ngày: Tái thiết lập lối sống lành mạnh là điều cần thiết để duy trì năng lượng và tinh thần. Đó là một chế độ ăn uống tập trung vào rau củ, trái cây, cùng các loại thịt, cá giàu dinh dưỡng, “thanh lọc” đồ ngọt, thức uống có cồn và chất kích thích. Đồng thời, bạn cũng nên tăng cường hoạt động thể chất nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy calo, cải thiện tâm trạng tiêu cực. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng lệch múi giờ sinh hoạt, bạn nên dành ra vài ngày nghỉ cuối cùng để bắt nhịp với cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn, nếu trở lại làm việc vào thứ hai, bạn nên hạn chế bay vào đêm chủ nhật. Thay vào đó, bạn có thể lùi lịch trở về sớm hơn vài ngày. Việc này sẽ giúp bản thân thư thả, có thời gian thích nghi với nhịp sống cũ trước khi bắt tay vào công việc.
Lập kế hoạch: Nicole Hollingshead, Tiến sĩ, nhà tâm lý học, trợ lý giáo sư lâm sàng về Y học Gia đình và Cộng đồng tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio (Mỹ) cho biết: “Sau khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, mọi người có thể cảm thấy lạc lõng hoặc trống rỗng nếu không có hoạt động hướng đến mục tiêu để giúp họ tập trung”. Vì thế, bạn nên lên kế hoạch cho kỳ nghỉ Tết tương tự lịch trình các chuyến du lịch. Dù là việc lớn hay nhỏ thì việc lên kế hoạch trước cũng giúp bạn nắm rõ các mốc thời gian, duy trì sự vui vẻ sau kỳ nghỉ và hạn chế rơi vào chuỗi cảm xúc tiêu cực. Bạn nên liệt kê cụ thể, giải quyết từng đầu việc, hay tham khảo công thức đặt mục tiêu hiệu quả SMART, phương pháp làm việc tập trung Pomodoro. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sửa soạn, trang hoàng lại không gian sống sau Tết như thay đổi bố cục nội thất, đồ trang trí, tô điểm thêm bằng mùi hương tươi mát, nhằm mang đến sự thư thái cho tinh thần, khơi nguồn động lực và cảm hứng sáng tạo.
Tăng kết nối với gia đình và bạn bè: Tết có thể xem là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Vì thế bạn không cần ép bản thân lập tức trở lại guồng công việc dày dặc ngay sau đó. Việc tăng cường lịch trình hậu nghỉ Tết bằng các hoạt động, trải nghiệm thú vị, mới lạ có thể đưa bản thân giải thoát khỏi trạng thái bức bối. Những bữa tiệc tân niên, gặp gỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng là một ý tưởng không tồi giúp cân bằng các cảm xúc tích cực trong công việc lẫn đời sống cá nhân. Những kết nối này sẽ giúp giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác dễ chịu, điều hướng cảm xúc, phân tán sự cô đơn, lạc lõng.
Cuộc vui nào cũng sẽ đi đến hồi kết. Tuy nhiên, sự chuyển đổi đột ngột từ “chế độ nghỉ” sang “chế độ làm việc” có thể khiến bản thân bị choáng ngợp, làm trầm trọng các vấn đề sức khỏe tinh thần. Vì thế, bạn nên lắng nghe cảm xúc của bản thân, chuẩn bị tâm thế đón nhận sẽ giúp dư âm hậu nghỉ lễ nhẹ nhàng và qua đi nhanh hơn.