Xã Hội

Đi bộ không đúng quy định, coi chừng bị phạt tiền, thậm chí phạt tù

TAND tối cao mới đây công bố bản án sơ thẩm số 77/2024 của TAND H.Krông Pắc (Đắk Lắk) xét xử bị cáo Trần Duy D. (68 tuổi, cư trú tại địa phương) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Vướng lao lý vì qua đường thiếu quan sát

Bản án cho thấy, vợ chồng ông D. đến nhà con gái chơi, địa chỉ tại ven QL26 theo hướng H.Ea Kar đi TP.Buôn Ma Thuột.

Trong lúc chờ con gái về ăn cơm, ông D. lấy bia ra uống. Được một lúc, thấy điện thoại của mình gần hết pin, ông D. đi bộ ngang qua QL26, sang cửa hàng đồ ăn đối diện bên kia đường lấy sạc pin.

Khi qua đường, do thiếu chú ý quan sát, ông D. không phát hiện chiếc xe máy đang lưu thông tới, khiến xảy ra va chạm.

Hậu quả, tài xế xe máy bị tổn thương 90% sức khỏe, ông D. cũng chịu ảnh hưởng 8%.

Hành vi đi bộ không đúng quy định có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu hình sự (ảnh minh họa)

Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, đoạn đường xảy ra tai nạn không có biển báo hiệu đường bộ ở 2 phía, không có vạch sơn cho người đi bộ qua đường.

Ông D. bị khởi tố, truy tố tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại điều 260 bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, ông D. thành khẩn khai báo, đã tự nguyện bồi thường cho bị hại, là người cao tuổi, có nhiều tình tiết giảm nhẹ… Phía bị hại cũng có một phần lỗi do thiếu quan sát, không thấy và không nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Do đó, tòa tuyên phạt ông D. mức án 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ.

Qua đường mà không vẫy tay có thể bị xử phạt

Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, viện dẫn quy định tại luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, người tham gia giao thông đường bộ bao gồm: người điều khiển, người được chở trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi trên đường bộ; người đi bộ trên đường bộ.

Thực tế cho thấy, nhiều người có tâm lý chỉ chú trọng đến việc chấp hành pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cũng vì điều này, ý thức chấp hành với người đi bộ thường bị coi nhẹ, dễ dãi.

Như đã đề cập, kể cả điều khiển phương tiện, dẫn dắt vật nuôi hay đi bộ, người tham gia giao thông đường bộ đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu vi phạm, pháp luật đã có đầy đủ chế tài để xử lý.

Về xử phạt hành chính, Nghị định 168/2024 (có hiệu lực từ 1.1.2025) quy định phạt tiền từ 150.000 – 250.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định.

Cùng đó là không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm đi vào đường cao tốc; mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

So với trước đây, nghị định mới bổ sung quy định xử phạt với lỗi “đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định”.

Theo đó, trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay. Nếu vi phạm nguyên tắc này, người đi bộ sẽ bị xử phạt với mức phạt như đã nêu.

Về xử lý hình sự, người nào tham gia giao thông đường bộ, tất nhiên bao gồm cả người đi bộ, nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 bộ luật Hình sự (khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù). Điển hình như vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk.


Nguồn