Tài Chính

Đức tăng cường mua uranium của Nga

Máy ly tâm khí để tách đồng vị urani tại một nhà máy Rosatom ở Novouralsk, Nga.

 

Theo báo cáo mới của Der Spiegel công bố hôm 3/1, Đức đã tăng đáng kể lượng uranium nhập khẩu từ Nga trong năm 2024, đạt 60,8 tấn, tăng 70% so với năm trước.

Những phát hiện này dựa trên dữ liệu từ Bộ Môi trường, Năng lượng và Bảo vệ Khí hậu của Lower Saxony.

Uranium đang được xử lý tại cơ sở Nhiên liệu hạt nhân tiên tiến ở Lingen, hoạt động theo quyền sở hữu của Pháp thông qua Framatome – một nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân thuộc công ty năng lượng khổng lồ EDF.

Nhà máy đang chuẩn bị sản xuất pin nhiên liệu hạt nhân chuyên dụng cho các lò phản ứng WWER do Liên Xô thiết kế vẫn đang hoạt động ở Đông Âu. Các nhà máy này trước đây phụ thuộc vào pin nhiên liệu do Nga sản xuất.

Chính phủ Đức lưu ý rằng, việc nhập khẩu uranium từ Nga không phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với Moscow.

“Hiện tại, EU không có lệnh cấm nhập khẩu hoặc xuất khẩu nào đối với nhiên liệu hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình của Nga”, Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang cho biết.

EU từ lâu đã tranh luận về việc trừng phạt ngành hạt nhân của Nga như một phần trong nỗ lực cắt đứt quan hệ năng lượng với Moscow. Tuy nhiên, những hạn chế như vậy chưa bao giờ thành hiện thực, vì chúng đã bị một số quốc gia EU phản đối mạnh mẽ – cụ thể là Hungary và Slovakia – những quốc gia phụ thuộc vào hợp tác năng lượng hạt nhân với Nga.

Tháng trước, ủy viên năng lượng mới của khối, Dan Jorgensen, thừa nhận EU đã không thể khắc phục được sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, và thúc đẩy một kế hoạch mới nhằm cắt giảm nguồn cung cấp dầu, khí đốt và nhiên liệu hạt nhân từ nước này.

“Rõ ràng với mọi người là cần phải có điều gì đó mới vì… mọi thứ đang bắt đầu đi sai hướng”, ông Jorgensen nói, đồng thời hứa sẽ trình bày “một lộ trình cụ thể bao gồm các công cụ và phương tiện hiệu quả để chúng ta giải quyết phần còn lại của vấn đề”.

Theo RT

Nguồn