Tài Chính

Gia nhập WTO được gần 10 năm, một quốc gia muốn được Mỹ trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn

Mặc dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2015 nhưng Kazakhstan vẫn chưa được Mỹ cấp quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Kazakhstan đều mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương. Nhưng tu chính án Jackson-Vanik – một tàn dư về thương mại từ thời Chiến tranh Lạnh – vẫn là trở ngại đối quá trình này.

Tu chính án Jackson-Vanik cấm hành pháp cấp quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR cho các quốc gia mà Mỹ cho rằng họ hạn chế quyền tự do di dân. Việc xóa vĩnh viễn một quốc gia khỏi danh sách Jackson-Vanik phải được Quốc hội Mỹ phê duyệt. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ có thể quyết định miễn điều khoản này nếu người đứng đầu cơ quan hành pháp Mỹ cho rằng quốc gia đó có tiến bộ trong lĩnh vực trên hoặc nếu nó phù hợp với quyền lợi của Hoa Kỳ.

Kazakhstan là nước ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến mà Mỹ đưa ra vào đầu năm nay, được gọi là tiến trình B5+1. Trong đó, các quốc gia Trung Á nỗ lực giảm bớt rào cản thương mại để thu hút nhiều đầu tư hơn từ phương Tây. Đồng thời, các quan chức Kazakhstan phàn nàn rằng hợp tác giao thương với Mỹ bị hạn chế bởi điều luật Jackson-Vanik mà Mỹ áp dụng lên Kazakhstan.

Có 5 nước, bao gồm Azerbaijan, Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, vẫn phải tuân theo đạo luật Jackson-Vanik và hàng năm phải yêu cầu được miễn trừ khỏi các hạn chế của đạo luật.

Các nhà ngoại giao của Kazakhstan đang nỗ lực tìm cách nhận được quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn từ Mỹ.

“Jackson-Vanik là trọng tâm chính trong cam kết của Kazakhstan với Quốc hội”, một báo cáo do Cơ quan nghiên cứu chính sách công của Quốc hội công bố vào tháng 8.

“Xét đến tầm quan trọng của vấn đề này đối với chính phủ Kazakhstan, việc bãi bỏ Jackson-Vanik sẽ có tác động tích cực đến quan hệ song phương”, báo cáo cho biết.

Tại một diễn đàn đầu tư được tổ chức vào mùa hè vừa qua ở Washington, Đại sứ Kazakhstan tại Mỹ, Yerzhan Ashikbayev, cho rằng việc đưa Kazakhstan ra khỏi danh sách Jackson-Vanik là “dễ dàng đạt được”.

Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, các nhà lập pháp Mỹ đã không xem xét vấn đề này. Nhiều dự luật xóa bỏ Jackson-Vanik cho Kazakhstan được đưa ra trong những năm trước không được thông qua. Một dự luật tương tự, HR 3611, được đưa ra tại Quốc hội hiện tại, có vẻ cũng sẽ chịu chung số phận, mặc dù đã có 43 người ủng hộ, bao gồm cả ủy viên của Đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Daniel Witt, Chủ tịch Trung tâm Thuế và Đầu tư Quốc tế có trụ sở tại Washington, DC, tin rằng việc từ chối cấp quy chế PNTR cho Kazakhstan sẽ gây bất lợi cho lợi ích chiến lược của Mỹ tại Trung Á. “Những bước quan trọng nhất mà chính phủ Mỹ có thể thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư tại Kazakhstan là dỡ bỏ nhiều hạn chế khác nhau đối với đầu tư, chẳng hạn như luật Jackson-Vanik”, Witt phát biểu vào tháng 7 tại một cuộc họp bàn tròn về thương mại khu vực.

Theo số liệu của Cục thống kê Kazakhstan, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Kazakhstan đạt 4 tỷ USD năm 2023, tăng hơn 33% so với năm 2022. Đầu tư của Mỹ vào Kazakhstan đạt 3 tỷ USD cùng năm, giảm 1 nửa so với năm trước đó. Mỹ hiện vẫn nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Kazakhstan, cùng với Hà Lan và Thụy Sĩ.

Theo Eurasia

Nguồn