TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Giống chó biết hát qúy hiếm xuất hiện sau 50 năm

Nội dung chính

  • Giống chó biết hát tái xuất hiện sau 50 năm vắng bóng
  • Âm thanh mà giống chó này phát ra như một bản hòa ca

Phát hiện mở ra cơ hội bảo tồn giống chó quý hiếm

Theo CNN, giống chó này đã không còn xuất hiện trong môi trường tự nhiên trong 50 năm qua. Giống chó này đã được phát hiện lần đầu vào năm 1897 và được cho là đã biến mất do sự mất mát môi trường sống tự nhiên và sự lai tạp với chó hoang ở các làng. Đó chính là chó biết hát New Guinea.

Chó hát New Guinea (New Guinea Singing Dog, còn được gọi tắt là NGSD, là một giống chó hoang đặc hữu của đảo Papua New Guinea và thuộc nhóm chó Dingo. Điểm đặc biệt của chúng là khả năng phát ra những bản ca độc đáo với âm thanh tru tréo đặc trưng.

Chó hát New Guinea – Giống chó đã không còn xuất hiện trong môi trường tự nhiên trong 50 năm qua. (Ảnh: Pixabay)

Hòn đảo New Guinea là đảo lớn thứ hai thế giới, với phần phía đông thuộc quốc gia Papua New Guinea và phần phía tây là phần của Indonesia, được gọi là Papua. Chó hát được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1897 khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra một cá thể ở độ cao khoảng 2.100 mét trong tỉnh Central của Papua New Guinea.

Chó hát New Guinea là một trong số ít các giống chó hoang còn rất hiếm gặp trên thế giới. Cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có 2 bức hình của NGSD được chụp trong môi trường tự nhiên: một bức do nhà nghiên cứu động vật học người Úc Tim Flannery chụp vào năm 1989 và một bức khác chụp vào năm 2012 bởi hướng dẫn viên Tom Hewett.

Trong nhiều thập kỷ, chó hát New Guinea được cho là đã biến mất trong tự nhiên do sự phát triển của con người và sự lai tạp với các giống chó khác.

Để khám phá thêm về các chú chó này, nhà nghiên cứu động vật học James McIntyre đã chỉ huy một sứ mệnh thám hiểm đến cao nguyên Papua thuộc phần phía tây của hòn đảo, gần mỏ vàng và đồng Grasberg, là một trong những mỏ lớn nhất thế giới.

Chó hát New Guinea là một trong số ít các giống chó hoang còn rất hiếm gặp trên thế giới. (Ảnh: Pixabay)

Trong lần thám hiểm đó, McIntyre cùng các cộng sự, trong đó có các nhà khoa học đến từ Đại học Papua, đã thực hiện chụp hình và lấy mẫu phân từ 15 con chó hoang tại cao nguyên mà họ mô tả là có hành vi và tiếng gọi rất tương tự loài chó hát New Guinea. Hai năm sau, họ đã cố gắng bắt và thu mẫu máu từ ba con chó.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích trình tự gen của ba chú chó hoang và so sánh chúng với ADN của 16 chú chó hát New Guinea được nuôi nhốt, cùng với 25 dingo và hơn 1000 chú chó từ 161 giống khác nhau. Họ phát hiện ra rằng, chó hoang vùng cao nguyên và chó hát New Guinea có mẫu gen tương tự nhau. Cả hai đều có quan hệ huyết thống gần với dingo và có quan hệ xa hơn so với các giống chó khác từ Đông Á như chow chow, Akita và shiba inu.

Nhà di truyền học Elaine Ostrander, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết chó hoang dã ở cao nguyên có 70% gene trùng với chó nuôi nhốt. Những điểm khác biệt giữa chúng xuất phát từ quá trình giao phối cận huyết.

Elaine Ostrander cũng chia sẻ thêm rằng bộ gen của chó hát New Guinea đã suy yếu do giao phối cận huyết và gen của chó hoang vùng cao nguyên bao gồm các thông tin di truyền từ chó trong làng địa phương. Những chú chó này có vẻ như liên quan tới nhóm chó hoang trước đây đã được đưa đến Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, chó hát New Guinea được cho là đã biến mất trong tự nhiên do sự phát triển của con người và sự lai tạp với các giống chó khác. (Ảnh: Pixabay)

Những chú chó được bảo tồn ngày nay là kết quả của quá trình lai tạo giữa các giống. Ban đầu, chỉ có 8 con chó được đưa đến Mỹ và sau đó chúng đã lai tạo với nhau qua nhiều thế hệ, dẫn đến việc giảm sự đa dạng di truyền.

Tuy nhiên, hậu quả của việc giao phối cận huyết kéo dài nhiều năm, các nhà khoa học lo lắng rằng những chú chó hát được giữ trong điều kiện nuôi nhốt có thể sẽ sớm đối mặt với các vấn đề về sinh sản. Nghiên cứu sau đó được công bố trên tạp chí PNAS.

Giống chó ‘biết hát’ hiếm nhất thế giới

Chó hát New Guinea vô cùng quý hiếm với bản hát du dương, đặc sắc không thể tìm thấy ở đâu khác trong tự nhiên. “Chúng ta không mong muốn loài chó này biến mất, điều đó thực sự rất đáng tiếc,” nhà nghiên cứu Ostrander bày tỏ.

Chó hát New Guinea có quan hệ họ hàng chặt chẽ với chó dingo ở Australia nhưng có kích thước nhỏ hơn. Tiếng sủa của chúng kết hợp với tiếng hú đặc biệt, đến nỗi người ta thường so sánh nó với tiếng hát của cá voi lưng gù.

Loài chó hát New Guinea được nhận biết lần đầu tiên tại Papua New Guinea vào năm 1897. (Ảnh: Pixabay)

Ngày nay, chỉ có thể tìm thấy chó hát New Guinea trong các vườn thú và có khoảng 300 cá thể đang được nuôi nhốt. Chúng là hậu duệ của một số con chó hoang được bắt vào thập niên 1970.

Loài chó hát New Guinea được nhận biết lần đầu tiên khi một mẫu vật thuộc về giống chó này được phát hiện ở độ cao khoảng 2.100 mét tại Papua New Guinea vào năm 1897, theo kết quả nghiên cứu.

Chó hát New Guinea là giống chó có kích thước từ nhỏ đến trung bình, với cơ thể khỏe mạnh và cân đối, gần giống với chó Dingo hoang dã nhưng hơi nhỏ hơn một chút so với loài chó này. Chó cái có khả năng sinh sản hai lần trong một năm, điều này khác biệt với chó Dingo. Chúng có chiều cao khoảng 35-38 cm và cân nặng từ 8-14 kg. Bề ngoài của chúng giống với loài cáo, với đầu nhọn, trán rộng, tai đứng, mắt sắc, lông mềm mại, dài vừa đủ và có đuôi bông xù.

Chó hát New Guinea có sự nhanh nhẹn và duyên dáng đặc trưng. Chúng sở hữu cấu trúc xương linh hoạt, giúp chúng dễ dàng di chuyển qua những không gian hẹp. Chó hát New Guinea có khả năng săn mồi cực kỳ mạnh mẽ, đôi khi khả năng này thậm chí có thể vượt qua cả những gì chúng đã học được trong quá trình huấn luyện khi phát hiện ra con mồi. Chúng thường dùng các giác quan nhạy bén của mình để lắng nghe, quan sát và đánh hơi mồi.

Ngày nay, chỉ có thể tìm thấy chó hát New Guinea trong các vườn thú và có khoảng 300 cá thể đang được nuôi nhốt. (Ảnh: Pixabay)

Cấu trúc hàm và răng của chúng còn được cho là tốt hơn cả chó hoang Dingo. Trong tự nhiên, chế độ ăn của chúng bao gồm thú có túi như Wallaby, các loài gặm nhấm, Cuscus, một số loài chim, loài đà điểu đầu mào lùn, và thậm chí chúng cũng ăn cả trái cây.

Bộ lông của chúng thường có màu vàng đỏ, hoặc vàng đỏ xen lẫn các sọc trắng, và đôi khi là màu đen vàng. Lông trắng có thể xuất hiện nhưng không chiếm quá một phần ba tổng diện tích cơ thể và chỉ có ở một số vị trí nhất định như mũi, mặt, cổ, vai, chân, bàn chân, đỉnh đuôi và Bụng. Lông trắng này không được hình thành các mảng lớn trên cơ thể. Hai chân sau của chúng thoải, đuôi có độ dài vừa phải và phủ lông mượt. NGSD có khả năng tự làm sạch bộ lông của mình. Tuổi thọ của chúng có thể đạt từ 15 đến 20 năm. NGSD được biết đến là một giống chó có sức khỏe rất tốt.

Giống chó này mang tên theo tiếng kêu đặc trưng của chúng, một bản hòa âm phức tạp của những tiếng tru với nhiều âm vực khác nhau, cao thấp đan xen, không giống với bất kỳ giống chó nào khác, ngay cả giọng hú dài và điệu đà của loài chó săn như foxhound. NGSD có khả năng độc đáo trong việc thay đổi âm điệu khi tru hoặc hú.

Chúng không sủa liên tục nhưng lại phát ra một loạt âm thanh phức tạp, bao gồm tiếng kêu cao vút, tiếng thở dài và sủa từng tiếng một. Tiếng tru đặc biệt của chúng có âm vực lạ lùng, và chính điều này đã tạo nên tên gọi của chúng. Chúng thường kêu khi cảm thấy quấy rối hoặc bị kích động. Các nhà khoa học cho rằng tiếng hú của chúng độc đáo giống với tiếng của cá voi lưng gù. Họ cũng cho rằng loài này rất hiếm và giọng hát của chúng không thể tìm thấy ở bất kỳ loài chó nào khác.

Các nhà khoa học cho rằng giống chó này rất hiếm và giọng hát của chúng không thể tìm thấy ở bất kỳ loài chó nào khác. (Ảnh: Pixabay)

Chó hát New Guinea từng là giống chó hoang dã nhưng hiện nay chúng đã được thuần hoá gần như hoàn toàn và đã hòa nhập xã hội rất tốt. Chúng có khả năng thể hiện tình cảm với chủ nhân của mình. Chó NGSD rất hoạt bát và luôn trong tình trạng cảnh giác, không ngừng khám phá môi trường xung quanh bằng việc sử dụng tất cả các giác quan, kể cả việc nếm thử. Dù chúng thân thiện và gắn bó với chủ, chó NGSD vẫn tỏ ra cảnh giác với những người lạ và có thể trở nên hung dữ với các con chó khác, đặc biệt là với những con cùng giống.

Chó hát New Guinea không phải là lựa chọn phổ biến để nuôi trong gia đình vì chúng vẫn giữ nhiều tính chất hoang dã và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, có một số người chuyên nuôi chó đã nỗ lực xã hội hóa chúng. Khi được đào tạo bài bản, NGSD có thể trở nên rất đáng yêu và thân thiện. Vườn thú Taronga ở Sydney, cùng với một số vườn thú khác, đang nắm giữ vài con từ giống chó này và đang cố gắng bảo tồn chúng khỏi tình trạng tuyệt chủng. Chúng có khả năng sống trong điều kiện khí hậu lạnh và có thể thích nghi với sự thay đổi. Chó hát New Guinea cần được vận động và hoạt động ngoài trời thường xuyên.

Tổng hợp

Nguồn

Exit mobile version