TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Hà Nội thiếu nhân viên hành chính

Giám đốc Sở Nội vụ nói có thủ tục hành chính ở Hà Nội số hồ sơ gấp 39 lần địa phương khác, nhưng biên chế chỉ nhiều hơn 1-2 người.

Ngày 3/7, HĐND TP Hà Nội chất vấn việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đại biểu Nguyễn Vũ Bích Hiền (Phó bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng TP Hà Nội) đề cập tình trạng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính chậm do khối lượng công việc nhiều, thiếu cán bộ. “Đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ nêu giải pháp cũng như thông tin về tiến độ xây dựng đề án vị trí việc làm của thành phố”, đại biểu chất vấn.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh nói thủ tục hành chính, công việc chậm có nhiều nguyên nhân, như phối hợp chưa tốt giữa các ngành, cấp; quy định pháp luật chưa chặt chẽ, không sát với thực tế. Biên chế hiện nay chưa tương xứng với khối lượng công việc, quy mô, tính chất của Thủ đô. “Có thủ tục hành chính số lượng phải thực hiện gấp 39 lần tỉnh thành khác, nhưng biên chế chỉ hơn 1-2 người. Tỷ lệ biên chế của Hà Nội so với quy mô dân số rất thấp”, ông nói.

Bên cạnh đó, việc xây dựng biên chế cho các quận, huyện và sở ban ngành hiện chưa khoa học. Việc bố trí biên chế ở địa phương chưa căn cứ vào diện tích, dân số, đầu mối đơn vị hành chính, mật độ dân cư, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và các yếu tố đặc thù khác. Việc bố trí số người làm việc tại sở, ban ngành cũng chưa căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy và phạm vi, các thủ tục hành chính mà sở ban ngành đó phải giải quyết.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong

Về xây dựng đề án vị trí việc làm, ông Cảnh nói đến nay Sở Nội vụ đã phê duyệt được 2.687 đề án. Trong đó có 24 sở, 30 quận huyện, 307 đơn vị thuộc sở ban ngành và hơn 2.000 đơn vị thuộc quận, huyện, thị xã.

Điểm đột phá trong xác định vị trí việc làm là xác định rõ chuyên môn đào tạo, chức danh nghề nghiệp và hạng công chức. Cùng với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, ông Cảnh cho rằng thành phố đang có nhiều lợi thế để khắc phục bất cập trong biên chế hiện nay.

Cụ thể, thành phố được xác định số biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội và khả năng cân đối ngân sách. “Như vậy việc xây dựng biên chế không phụ thuộc vào chỉ tiêu Bộ Chính trị giao cho Hà Nội nữa”, ông Cảnh nói.

Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan được ký hợp đồng với lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là điểm mới quan trọng vì trước đây lao động hợp đồng không được thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo Luật Thủ đô sửa đổi, TP Hà Nội được phân cấp, chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ đặc thù là Thủ đô. HĐND TP Hà Nội quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định.

UBND thành phố được giao quy định điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức và vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thì Hà Nội phải bảo đảm tổng số cơ quan không vượt quá 15% (đối với cấp thành phố) và 10% (đối với cấp quận, huyện) so với khung do Chính phủ quy định.

Việc xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt tỷ lệ trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Doanh nghiệp “xin gặp lãnh đạo phòng khó hơn giám đốc sở”

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái) nói thành phố muốn phát triển toàn diện thì nhân sự các cấp phải tốt. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chất lượng phục vụ người dân của Thủ đô lại “tụt hạng, tụt bậc” trong năm qua. Chỉ số về thời gian giải quyết thủ tục hành chính bị giảm 32 bậc, CPI giảm 8 bậc.

“Không thể nào trình độ cán bộ, công chức ở Thủ đô lại thấp hơn các tỉnh thành khác. Vậy tại sao chỉ số của chúng ta thấp hơn?”, ông chất vấn, đề nghị lãnh đạo thành phố làm rõ.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nói thời gian qua Bộ Chính trị giao cho Ban Thường vụ Thành ủy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tập trung theo danh mục vị trí việc làm, kỹ năng làm việc. “Khẳng định với đại biểu Đặng Đình Đoàn là cán bộ Hà Nội không kém hơn các tỉnh, thậm chí năng lực, trình độ hơn hẳn”, ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Thành ủy rất quan tâm đến vị trí chủ chốt, người đứng đầu. Chưa hết nhiệm kỳ, thành phố đã quyết định thay 3 giám đốc, trưởng ngành chủ chốt; chuyển đổi 6 chủ tịch cấp huyện. Tình hình tại các đơn vị đã có nhiều tiến triển, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo. Ảnh: Hoàng Phong

Tuy nhiên, một số cơ quan chuyên môn của thành phố còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. Việc chậm giải quyết các thủ tục không nằm ở UBND, sở ngành mà nằm ở vị trí trưởng, phó phòng và chuyên viên. “Có doanh nghiệp nói gặp trưởng, phó phòng và chuyên viên khó hơn gặp giám đốc”, ông Bảo nói.

Ông cho biết Ban Tổ chức Thành ủy và UBND thành phố đã phối hợp, ban hành kết luận thanh tra về thực thi công vụ, trong đó yêu cầu thành phố “chỉ đạo thay thế một số chuyên viên, trưởng, phó phòng không làm việc mà đùn đẩy, né tránh”.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đề nghị thủ trưởng ngành và chủ tịch quận, huyện xác định trách nhiệm với tư cách người đứng đầu để đôn đốc thực thi công vụ, xử lý nghiêm cấp dưới nhũng nhiễu, đùn đẩy, nhất là đội ngũ trưởng, phó phòng và cơ quan tham mưu.


Sơn Hà

Nguồn

Exit mobile version