TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Hàng nghìn người đến chợ Choảng cầu may

Thanh HóaSáng 3/2, hàng nghìn người đến chợ Choảng (chợ Chuộng) mua cà chua, trứng thối… rồi ném nhau với quan niệm người ‘trúng đạn’ nhiều sẽ gặp may cả năm.

Chợ Chuộng được tổ chức ở xã Đông Hoàng, TP Thanh Hóa, và chỉ diễn ra duy nhất một lần trong năm vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán. Khu vực tổ chức phiên chợ là bãi đất bằng phẳng, rộng khoảng 3.000 m2. Chợ Chuộng còn được người dân địa phương gọi bằng nhiều tên khác nhau như chợ Choảng, chợ Giải xui, chợ Ân oán…

Chợ choảng nhau cầu may đầu năm

Cảnh ném nhau tới tấp ở chợ Chuộng. Video: Lê Hoàng

Từ sớm, người dân đã đổ về chợ Chuộng, thời điểm giữa buổi là lúc đông đúc nhất. Do trời mưa và ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, lượng người tham gia năm nay giảm so với các năm trước, ước tính khoảng 4.000-5.000 người. Trong những giờ cao điểm, con đường ven sông Hoàng và bãi đất trung tâm chợ trở nên chật chội.

Chợ Chuộng bày bán nhiều mặt hàng nông sản như táo, rau và các món ăn truyền thống như bánh đa gấc, bánh cuốn. Cà chua có giá khoảng 20.000-30.000 đồng mỗi kg tùy loại, được bán rất nhiều để phục vụ trò “ném lấy may”.




Thanh niên ném cà chua tấn công đối thủ ở chợ Chuộng. Ảnh: Lê Hoàng

Thanh thiếu niên là nhóm tham gia đông đảo nhất, họ thường tập trung thành nhóm dọc bờ đê và mang theo túi cà chua để “tấn công” nhau. Theo quan niệm, những người bị ném càng nhiều sẽ càng gặp may mắn. Để tăng tính “sát thương”, cà chua thường được bóp nhuyễn trước khi ném. Nhiều thiếu nữ bị ném đến mức bật khóc nhưng vẫn không ngừng cười vui vì niềm tin vào sự may mắn.

Các thiếu nữ mới lớn là những người bị ném nhiều nhất tại phiên chợ. Nhiều cô gái bị ném ngã sõng soài, bật khóc. “Chắc em chỉ dám đến chợ một lần cho biết thôi vì chưa thấy may mắn đâu mà người bê bết và bầm tím rồi”, Hà Anh, quê huyện Triệu Sơn, nói.




Cô gái trẻ lấy tay che mặt để tránh loạt đạn cà chua hướng về mình. Ảnh: Lê Hoàng

Có nhiều lý giải về nguồn gốc của chợ Chuộng, trong đó có tích truyện liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Một lần, nghĩa quân bị giặc Minh truy đuổi đến ven sông Hoàng, người dân đã tổ chức họp chợ để che giấu họ. Các tướng lĩnh cải trang thành nông dân, vũ khí được giấu trong đống rau quả. Khi quân giặc đến, thấy phiên chợ đông đúc, chúng đã không đề phòng và bị tấn công bất ngờ, tan tác.

Để ghi nhớ sự kiện này, hàng năm, người dân tổ chức chợ Chuộng vào mùng 6 Tết với phần đánh trận giả như một nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên trong những năm qua, một số thanh niên đã lợi dụng phiên chợ để giải quyết hiềm khích, dẫn đến những vụ xô xát đáng tiếc.




Nhiều tụ điểm đánh bạc tại chợ Chuộng. Ảnh: Lê Hoàng

Năm nay, bên cạnh các hoạt động truyền thống, tại chợ có nhiều tụ điểm đánh bạc tự phát, thu hút đông người tham gia mà không có sự can thiệp của lực lượng chức năng.

Chợ Chuộng nằm giáp ranh xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, vì vậy hai xã đã phối hợp xây dựng một cây cầu tạm bắc qua sông Hoàng để tạo điều kiện cho người dân và du khách thuận tiện vào chợ. Cầu chỉ dành cho người đi bộ và cấm các phương tiện thô sơ hay cơ giới.




Xác cà chua, rác thải ngập bờ đê sông Hoàng. Ảnh: Lê Hoàng


Lê Hoàng

Nguồn

Exit mobile version