TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Hành lang xanh trong quy hoạch chung Hà Nội: Thách thức và tiềm năng

(KTVN 250) Bài viết này không hướng đến cụ thể các chiến lược phát triển cho hành lang xanh (HLX) mà chỉ bàn về cách thức “tư duy” về khái niệm này trong bối cảnh là quy hoạch chung (QHC). Cách đặt vấn đề sao cho đúng ở phạm vi QHC rất quan trọng, bởi vì nó là tiền đề cho sự nghiên cứu triển khai các dự án sau này đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, tinh gọn và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Để tiếp cận HLX một cách hợp lý trong QHC, chúng ta cần tập trung tính linh hoạt trong triển khai thực tiễn.

Nội hàm mở rộng của khái niệm

HLX là một khái niệm đang được áp dụng ngày càng phổ biến trong quy hoạch đô thị hiện đại, đặc biệt là ở những thành phố lớn đang đối mặt với các thách thức về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Khái niệm này không chỉ liên quan đến việc tạo ra không gian xanh mà còn bao hàm sự kết nối các không gian này lại với nhau, hướng đến một mục tiêu tổng thể về một môi trường sống bền vững, thân thiện và khỏe mạnh. Khái niệm này trong quy hoạch đô thị và môi trường mang hai nội dung chính: thứ nhất, là khu vực hạn chế phát triển với mục đích bảo vệ; thứ hai, là mang tính xanh, tức là thân thiện và bảo vệ môi trường. Sự hiểu biết sâu sắc về hai yếu tố này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất và mục đích của HLX mà còn cho phép chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của nó trong bối cảnh quy hoạch và phát triển bền vững với vùng xung quanh.

Hành lang trong quy hoạch đô thị

Trong ngữ cảnh quy hoạch đô thị,“hành lang” thường được hiểu là một khu vực địa lý dài và hẹp, có chức năng kết nối hoặc phân chia các không gian đô thị. Trong bối cảnh của HLX, các khu vực này thường được xây dựng như những dải đất có trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ, hoặc thậm chí là khu vực ngập nước tự nhiên, giúp tăng cường khả năng kết nối giữa các môi trường sống và đồng thời cũng làm giảm bớt tác động tiêu cực của đô thị hóa. “Hành lang” vừa mang tính trải dài theo tuyến, vừa mang tính bảo vệ những hạng mục nào đó, ngăn cản những sự tác hại rõ ràng nào đó đến mục tiêu cần bảo vệ.

Xanh: không chỉ là màu sắc!

Khi nói đến “xanh” trong HLX, chúng ta cần hiểu rộng hơn ngoài việc chỉ đơn giản là một màu sắc. Xanh ở đây là biểu tượng cho sự sống, cho không gian thiên nhiên trong lành và một môi trường bền vững. Trong quy hoạch đô thị, xanh thường liên quan đến việc tạo ra và bảo tồn không gian cho thực vật, đa dạng sinh học, và các hệ sinh thái tự nhiên. Những không gian xanh này không chỉ làm đẹp và tạo không khí trong lành mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, lọc không khí, và cung cấp không gian xã hội cho cộng đồng. Nghĩa rộng hơn của khái niệm này chính là lấy môi trường, sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của con người, động thực vật trong môi trường này làm nền tảng đánh giá sự phát triển. Không phải là các chỉ số về tiêu dùng, về doanh thu, về giá trị vật chất.

Ở góc nhìn của những nhà quy hoạch và môi trường, những người làm văn hóa thì có lẽ HLX là một giải pháp thú vị, đem lại nhiều giá trị cho đô thị, tuy nhiên, ở góc độ thực tiễn các nhà đầu tư, kinh tế, tài chính thì HLX cần phải được “khai thác” theo hướng kinh tế xanh chứ không đơn thuần chỉ là những không gian rộng lớn về nông nghiệp, làng xã, rừng hồ, sông suối. HLX là phạm vi nghiên cứu để phát triển mô hình tăng trưởng xanh (kinh tế xanh) thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Hà Nội và lân cận.

Quy hoạch gì với “hành lang xanh” để linh hoạt đáp ứng nhu cầu

Để phân tích sâu hơn về vai trò và tầm quan trọng của HLX trong quy hoạch đô thị, nhất là đối với Hà Nội và vùng phụ cận, chúng ta cần xem xét các câu hỏi cốt lõi như: Hà Nội đang thực sự thiếu những gì? Vùng phụ cận cần kết nối gì với Hà Nội? Và giá trị gia tăng từ HLX sẽ đóng góp như thế nào cho cả Hà Nội và vùng phụ cận?

Việc trả lời 03 các câu hỏi này sẽ giúp xác định chính xác chức năng và lợi ích của HLX, từ đó định hình rõ ràng hơn các chiến lược phát triển. Ở đây, nguyên tắc chính là không thể tách rời công năng của HLX với các khu vực xung quanh, trong đó vai trò kết nối, giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội và vùng phụ cận.

Hà Nội đang thiếu những gì?

Hà Nội, một trong những thành phố lớn nhất Việt Nam, đang đối diện với nhiều thách thức lớn trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Một trong những vấn đề chính mà thành phố đang phải đối mặt là ô nhiễm không khí. Trong mùa đông, khi lượng khí thải từ phương tiện giao thông và các nguồn nhiên liệu khác tăng cao, ô nhiễm không khí ở Hà Nội trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và gây ra những vấn đề lớn về môi trường sống.

Ngoài ra, thành phố cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu không gian xanh công cộng. Mặc dù có một số công viên và khu vực xanh, nhưng vẫn còn thiếu hụt không gian xanh đủ để đáp ứng nhu cầu của dân cư đông đúc. Sự thiếu hụt này không chỉ làm giảm chất lượng môi trường sống mà còn gây ra các vấn đề về sức khỏe và tinh thần của cư dân.

Thêm vào đó, ngập lụt sau mỗi cơn mưa lớn cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Hà Nội. Hệ thống thoát nước của thành phố không đủ khả năng xử lý lượng nước mưa lớn, dẫn đến tình trạng ngập lụt và gây ra thiệt hại về tài sản cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của cư dân. Áp lực từ sự gia tăng dân số cũng đang tạo ra những thách thức lớn cho Hà Nội. Tắc nghẽn giao thông, quá tải trong các bệnh viện và trường học là những dấu hiệu rõ ràng của sự cần thiết phải đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng để đáp ứng nhu cầu của cư dân.

Vùng phụ cận cần kết nối những gì với Hà Nội?

Vùng phụ cận Hà Nội bao gồm các khu vực nông thôn và các thị trấn nhỏ xung quanh thành phố, nơi đang trải qua quá trình đô thị hóa một cách không đồng đều. Những khu vực này cần được kết nối tốt hơn với Hà Nội thông qua hệ thống giao thông hiệu quả, đảm bảo rằng cư dân có thể di chuyển thuận lợi giữa nơi làm việc và nơi ở. Ngoài ra, việc kết nối này còn bao gồm cả sự phân bổ nguồn lực và dịch vụ từ trung tâm thành phố ra vùng ngoại ô, nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân.

Giá trị gia tăng của HLX đóng góp được gì cho Hà Nội và phụ cận?

HLX có thể mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội và các vùng phụ cận, bao gồm: Các HLX giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, và cung cấp không gian xanh cho cư dân thư giãn và tập thể dục, từ đó nâng cao sức khỏe và chất lượng sống. HLX giúp điều tiết lượng nước mưa, giảm thiểu nguy cơ ngập lụt trong khu vực đô thị. HLX có thể trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút khách tham quan đến với Hà Nội và các khu vực lân cận, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương, thúc đẩy kinh tế các làng nghề, khu nông nghiệp thuận tự nhiên.

Như vậy, sự giới hạn của khái niệm bởi ngôn từ và sự tổng hợp góc nhìn từ nhiều phía, chúng ta có thể hình dung ngắn gọn HLX là một vùng phát triển chú trọng vào nền kinh tế xanh, gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa cộng đồng và góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh từ TP Hà Nội và một số khu vực phụ cận.

HLX không phải là công cụ để ngăn chặn sự phát triển lan tỏa của đô thị, cũng không phải chỉ là vùng đệm sinh thái theo các lý thuyết, mô hình về đô thị mà bản chất nó là một vùng động lực với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến những tiêu chí tăng trưởng mới cho Hà Nội và vùng phụ cận. Hà Nội và vùng phụ cận hướng đến những vùng tăng trưởng xanh với động lực là kinh tế xanh, là một chiến lược phù hợp với bối cảnh hiện nay. Phù hợp với đặc tính nguồn lực, giá trị lịch sử của vùng.

Cách hiểu này sẽ xác định rất rõ được nhiệm vụ, tính chất, định hướng, nguồn lực và chiến lược thực hiện sau này của toàn vùng. Với cách hiểu như vậy, vùng động lực xanh này mở ra một cách thức để vận hành kinh tế bền vững hơn, bảo vệ môi trường, sản xuất sạch, hạn chế phát thải, bất động sản xanh và các nguồn thực phẩm xanh, lối sống xanh và hướng đến tiếp biến được nguồn nội lực văn hóa mở rộng. Tầm nhìn như vậy thì sự phát triển ở vùng này sẽ đa dạng, linh hoạt và thích ứng với thị trường hơn.

Xác định những nội dung chiến lược có tính khả thi cao trong QHC có đề cập đến HLX

Đồ án QHC được xem là khung chiến lược cơ bản để định hình cho sự phát triển của một vùng rộng lớn. Khái niệm “chung” ở đây thường được hiểu là chỉ bàn về những vấn đề ở mặt cơ bản và rộng lớn. Tuy nhiên, sự hiểu khái niệm “chung” trong đồ án QHC hiện nay còn nhiều hạn chế trong việc giải quyết vấn đề thực tiễn và mang tầm thực thi cao.

QHC là “chung sức” cho các dự án chiến lược: Thực tiễn cho thấy hầu hết các đồ án QHC không có tính khả thi cao, vì sao như vậy? Phần lớn những điều chỉnh cục bộ, hay toàn bộ QHC phần lớn là “chạy đuổi” theo sau thực tiễn hơn là dự báo và hoạch định khả năng thay đổi theo kịch bản. Đây là một sự thật cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại cách tư duy về QHC theo cấu trúc như hiện nay. Tư duy QHC hiện nay đang bàn tất cả vấn đề ở một phạm vi lớn về diện tích nhưng chỉ sơ sài về nội dung, nguyên lý để phục vụ cho đầu tư công và quản lý nhà nước, mà chưa thực sự hướng đến lợi ích “chung” của các thành phần có thể tham gia và thúc đẩy quy hoạch.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì nên hiểu chữ “chung” này theo một hướng khác. Đó là những nhiệm vụ lớn cần sự “chung sức” của khối nhà nước, lẫn tư nhân cùng làm. Cái chung này có tầm chiến lược, cần có sự thu hút đặc biệt riêng về điều kiện để cùng tham gia, cùng thực hiện. Như vậy, thực chất của đồ án QHC  chính là quy hoạch các dự án “chiến lược” cần sự chung sức của nhà nước và tư nhân cùng làm. Khái niệm “chung” ở đây không chỉ là sự tổng quát mà nó còn phải rất chi tiết ở những dự án có tính chất ảnh hưởng lớn và trọng điểm, không cần phải đi vào quy hoạch chi tiết để nghiên cứu tiền khả thi hay khả thi mà phải nghiên cứu khả thi ngay ở QHC.

Nếu QHC chỉ nghiên cứu sơ khởi thì dẫn đến quy hoạch chi tiết có thể không khả thi về quy mô, tính chất, vị trí hay đối tượng, vốn dẫn đến việc phải điều chỉnh lại QHC, rất mất thời gian và công sức. Những vấn đề “chung” không phải là những vấn đề cố định mà là những vấn đề quan trọng cần sự góp sức và sẵn sàng có sự điều chỉnh cục bộ ngay ở QHC cho phù hợp với thị trường. Đây là vấn đề cần cân nhắc nghiên cứu thứ nhất.

Cần có sự tham gia của khối tư nhân

Một khía cạnh khác, đồ án QHC hiện nay quá nặng về số liệu thống kê, hoạch định các giới hạn hành chính, dân số và chỉ tiêu mang tính hành chính phục vụ cho việc quản lý của cơ quan nhà nước mà không có tính hiện thực khả thi cao về mặt xây dựng, về mặt thị trường và kêu gọi đầu tư.

Muốn thực hiện các việc “lớn” thì phải xác định những nguồn lực lớn, trong khi ngân sách hạn hẹp và khó khăn, thì QHC chính là nền tảng cho việc hợp tác thực hiện các dự án này. Các dự án lớn thường đòi hỏi nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường, tiềm lực tài chính và quản trị tốt, như vậy mới đem lại sự hiệu quả. Riêng việc này thì khối tư nhân có ưu điểm và có tầm nhìn chiến lược cụ thể, khả thi hơn với các khối quản lý của nhà nước. Cho nên, QHC phải tạo ra bằng được cơ chế cho khối tư nhân phát huy được giá trị của mình. Hay nói một cách dễ hiểu và dễ thực thi hơn, QHC có một phần các quy hoạch chi tiết dự án trọng điểm của các khối tư nhân cùng tham gia vào, có lồng ghép vào đó sự tham gia, quản lý và định hướng một phần của nhà nước.

HLX cần xác định là vùng động lực kinh tế xanh, phát triển theo hướng bền vững và góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề của TP Hà Nội và vùng phụ cận. Chính sự trói buộc của những quan điểm, tầm nhìn về HLX hiện nay ở QHC làm cho đồ án trở lên mông lung, khó khả thi. Bởi vì nguồn lực thực hiện với một diện tích lớn như vậy thì nói ra là không thể. Khối tư nhân họ có cách của họ, khối quản lý nhà nước cũng có khung của họ, khối người dân, cộng đồng cũng có tiếng nói của họ. QHC thực chất là một ngôn ngữ, ai cũng hiểu được và ai cũng có thể góp phần thực thi theo khả năng và nguyện vọng của mình.

Động lực từ những dự án lớn

Ở góc độ tương tác, sự phát triển của các nhân tố dự án, tuy tưởng là có tính chất cục bộ nhưng lại có tính động lực là cực kỳ quan trọng, nó có tác dụng lan tỏa sự phát triển về mô hình, về thị trường, về dịch vụ, về nguồn lực và tạo ra các ảnh hưởng nhất định đến các vùng còn lại của khu vực trong phạm vi.

Cách làm quy hoạch từ dưới lên như vậy sẽ phù hợp với năng lực của các nhà đầu tư, do họ tính toán được rất cụ thể hiệu quả của quá trình thực hiện, chính sách và cách thức hợp tác mà vì thế tính khả thi thường sẽ cao hơn. Mặt khác, khối nhà nước đóng vai trò tạo ra dự án động lực nhưng chỉ cần tham gia một phần ở công tác quản lý, định hướng và kết nối nhiều hơn là công tác thực hiện dự án với vốn ngân sách 100%. Nó giúp cho khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ đoàn kết hơn, chung tay hơn trong việc thực hiện các dự án QHC và đồng thời chính họ sẽ là những nhân tố tương lai hỗ trợ việc giám sát, cải tiến và thúc đẩy quá trình điều chỉnh QHC một cách chủ động thích ứng với thị trường và sự phát triển nhất.

Ở góc độ quản lý nhà nước, thay vì phê duyệt QHC rồi sau đó rất có khả năng xảy ra tình trạng điều chỉnh thì nên tạo điều kiện để các bên tìm cách chia sẻ những quan điểm này với họ một cách thường xuyên hơn và cập nhật kịp thời với thị trường hơn, nhiệm vụ QHC là một công cụ để “thương thuyết” nhằm đạt được mục đích của các bên hơn là một công cụ chỉ thuần túy phục vụ cho các mệnh lệnh, ý định chủ quan trong quá trình hoạch định sự phát triển./.

KTS Trương Nam Thuận



Nguồn

Exit mobile version