– Trở lại Việt Nam sau 10 năm và đảm nhiệm cương vị Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam), đâu sẽ là trọng tâm của ông trong nhiệm kỳ của mình?
Việt Nam đã khác rất nhiều so với thời điểm tôi đảm trách cương vị Phó Trưởng đại diện AHK giai đoạn 2012-2014. Trong lần trở lại này, tôi vô cùng ấn tượng trước sự phát triển vượt bậc của đất nước các bạn. Quá trình Việt Nam chuyển mình thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực thực sự rất đỗi truyền cảm hứng.
Suốt 30 năm qua, chúng tôi đã thực hiện sứ mệnh xuyên suốt là làm cầu nối thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Đức, hỗ trợ các doanh nghiệp Đức gia nhập thị trường Việt Nam cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội giao thương tại Đức và thị trường châu Âu.
Giờ đây, chúng tôi tiếp tục cam kết đồng hành cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực và thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững mới.
– Vậy hành trình 3 thập kỷ ấy để lại cho ông ấn tượng gì sâu sắc nhất?
Kể từ khi mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1994, AHK Việt Nam luôn đặt mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy phát triển kinh tế và con người. Với việc khai trương văn phòng thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2005, sự hiện diện tại Việt Nam của chúng tôi đã tăng lên nhanh chóng trong 30 năm qua.
Từ khởi đầu khiêm tốn chỉ với một nhân sự vào năm 1994, đội ngũ AHK Việt Nam đã phát triển lên 50 nhân viên. AHK Việt Nam đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam hội nhập thị trường lao động với Đức, góp phần thúc đẩy thương mại và quan hệ đối tác song phương.
Ở thời điểm hiện tại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu (EU). Trong suốt hành trình đã qua tại Việt Nam, chúng tôi luôn kiên định đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
– Về phía các doanh nghiệp Đức, AHK Việt Nam đã hỗ trợ họ như thế nào trong việc tìm kiếm cơ hội cũng như tiếp cận thị trường Việt Nam?
Chúng tôi cung cấp các dịch vụ đa dạng mang thương hiệu DEinternational nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Đức trên thị trường quốc tế. Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm phân tích thị trường, chiến lược gia nhập thị trường, phát triển doanh nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp Đức, tư vấn chiến lược phát triển bền vững, hệ thống đào tạo nghề song hành, thực hành di cư công bằng, tham gia trong các hội chợ thương mại, hỗ trợ tiếp thị, quảng bá, và quản lý sự kiện/phái đoàn.
Với hơn 500 công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam và tạo ra hơn 50.000 việc làm, các doanh nghiệp Đức cũng góp phần vào hành trình vươn lên thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong khu vực của Việt Nam. Những nỗ lực của chúng tôi cũng tương đồng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững mà Việt Nam đang hướng tới. Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình với thịnh vượng và thành công của Việt Nam.
– Đức hiện đứng trong top các nước EU đầu tư vào Việt Nam. Theo đánh giá của ông, điều gì ở Việt Nam đặc biệt hấp dẫn với các doanh nghiệp Đức nói riêng và doanh nghiệp quốc tế nói chung?
Việt Nam là điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đức. Với tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ ở mức 5,05% vào năm 2023, Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia nổi bật trong khu vực ASEAN, thu hút chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Thứ nhất, với vị trí chiến lược trong ASEAN, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong thương mại quốc tế trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia theo đuổi chiến lược “Trung Quốc +1” nhằm thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, điện tử, và bây giờ là chất bán dẫn.
Thứ hai, mạng lưới các hiệp định thương mại tự do rộng khắp của Việt Nam, bao gồm EVFTA với EU, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Đức tiếp cận thị trường toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ. Các nhà đầu tư thành lập công ty con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cũng được hưởng các ưu đãi thuế và các biện pháp hỗ trợ khác của chính phủ.
Hơn nữa, chính phủ Việt Nam cũng đưa ra các ưu đãi hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài, cam kết thúc đẩy môi trường bền vững và đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này phù hợp với xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào công nghệ cao, năng lượng tái tạo và các hoạt động thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề cao của Việt Nam mang lại cơ hội vàng cho phát triển kinh tế xã hội và tăng trưởng kinh doanh.
Với những lợi thế kể trên, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Đức và quốc tế. Trong vai trò cầu nối, AHK Việt Nam sẵn sàng cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp Đức nếu họ gặp thách thức khi gia nhập thị trường Việt Nam.
Hãy cùng nhau nắm bắt những cơ hội vô tận mà Việt Nam mang lại và bắt đầu một hành trình đem đến thịnh vượng và thành công chung.
– Ở chiều ngược lại, ông nghĩ có điều gì Việt Nam cần cải thiện để hấp dẫn hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài hay không?
Để trở nên hấp dẫn hơn nữa, tôi cho rằng Việt Nam cần ưu tiên đẩy mạnh phát triển các nhà cung ứng nội địa và điều chỉnh các chương trình đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngoại. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng xanh và đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi trong kinh doanh.
– Đào tạo nghề là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Đức. Tiến trình hợp tác này đã mang lại những thành tựu như thế nào cho cả đôi bên?
AHK Việt Nam đang hợp tác với các trường cao đẳng trong nước và doanh nghiệp Đức trong việc triển khai chương trình đào tạo nghề song hành theo tiêu chuẩn Đức. Hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Đức mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.
Sinh viên tốt nghiệp chương trình này được trang bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tham gia chương trình. Mối quan hệ cộng tác này giúp các doanh nghiệp thu hút lao động chất lượng cao tại địa phương – vốn là yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Thông qua chương trình, đã có hơn 500 sinh viên tốt nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm cơ điện tử và logistics. Sáng kiến này không chỉ mang lại kết quả trước mắt mà còn mở ra cơ hội cho giới trẻ Việt Nam tiếp cận chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn toàn cầu cũng như bồi dưỡng tự tin và hoài bão cho các thế hệ sau.
Ngoài ra, AHK cũng đang triển khai một dự án khác liên quan tới tạo cơ hội cho lao động Việt có tay nghề cao mong muốn sinh sống và làm việc lâu dài tại Đức – Dự án Fair Migration (tạm dịch: Di cư công bằng)
– Đức là một trong những quốc gia thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam. Theo ông, khu vực tư nhân của Đức, đặc biệt là các công ty năng lượng tái tạo, có thể là một phần trong việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam hay không?
Quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên hai trụ cột vững chắc: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Đây cũng là lộ trình mà Đức hướng tới vì một tương lai an toàn, thân thiện với môi trường và kinh tế thịnh vượng.
Đây là thời điểm chín muồi để đầu tư vào Việt Nam – quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, gió và gió ngoài khơi. Ngoài ra, việc chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII khẳng định cam kết chuyển đổi năng lượng bền vững và phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam tại COP26. Các doanh nghiệp Đức sẵn sàng tham gia vào tiến trình này với lợi thế chuyên môn và công nghệ cho Việt Nam.
Một minh chứng thể hiện khả năng của Đức trong phát triển năng lượng tái tạo là dự án điện gió ngoài khơi của PNE AG tại Bình Định. Ngoài ra, sự tham gia của AHK Việt Nam trong việc thúc đẩy sản xuất xanh và các dự án bền vững là cũng làm nổi bật hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này. Tương tự, dự án Deutsches Haus TP. HCM, với thiết kế sử dụng năng lượng hiệu quả, thể hiện công nghệ hiện đại của Đức trong các giải pháp xây dựng bền vững. Những ví dụ này cho thấy rõ ràng rằng các doanh nghiệp Đức có thể tham gia vào tiến trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả ở Việt Nam.
– AHK Việt Nam đang có những dự định và kế hoạch gì nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư kinh doanh giữa hai bên?
Chúng tôi đặt ra 4 trọng tâm hợp tác chính trong thời gian tới:
Một là, AHK Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tăng cường kết nối các doanh nghiệp Đức và Việt Nam thông qua hội thảo, hội nghị. Từ các chuyến thăm của nhiều phái đoàn doanh nghiệp Đức tới Việt Nam, chúng tôi nhận thấy cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp cùng ngành gặp gỡ và xây dựng quan hệ.
Thứ hai, chúng tôi cam kết đồng hành với Việt Nam trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng hướng tới đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Bằng cách tận dụng chuyên môn của mình và hợp tác với các doanh nghiệp Đức, chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, chúng tôi mong muốn tiếp tục đóng vai trò là đối tác đáng tin cậy trong phát triển công nghệ, đổi mới, và công nghiệp 4.0. Thông qua những nỗ lực hợp tác và sáng kiến chuyển giao công nghệ, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Cuối cùng, chúng tôi kiên định với cam kết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam bằng việc thúc đẩy chương trình đào tạo nghề song hành theo tiêu chuẩn Đức. Với hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam, chúng tôi tự tin sẽ đạt được những mục tiêu này và mang lại giá trị to lớn cho cả hai quốc gia.