Bất Động Sản

Hiểu nội thất như thế nào?

“Nội thất” là một từ quen thuộc, không chỉ trong giới chuyên ngành làm thiết kế kiến trúc, thi công xây dựng; mà trong cả cuộc sống. Tuy vậy, nội thất lại là một phạm vi khá rộng, có nhiều cách hiểu, cách nghĩ khác nhau. Nội thất, chiết theo Hán tự nghĩa là “trong phòng”, cũng vì thế mà nó… chung chung, không cụ thể.

Nội thất được tạo bởi nhiều yếu tố: Màu sắc, ánh sáng, vật liệu, đồ đạc, vật trang trí…

Theo cách nghĩ “truyền thống” của những người xây nhà, làm nhà; thì nội thất được hiểu là giai đoạn sau, giai đoạn hoàn thiện. Người ta hay nói rằng: Xây xong phần thô rồi, bây giờ đang làm nội thất. Hoặc một số công trình ở các dự án ở dạng xây thô (biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư) chủ nhà cũng hay nói, đặt vấn đề với kiến trúc sư, nhà thiết kế là: Làm nội thất, thiết kế nội thất (bởi cái vỏ, khung xương đã có rồi). Với cách hiểu này, thì nội thất khá rộng, bao gồm tất cả các nội dụng, vật liệu, thiết bị hoàn thiện như cửa, cầu thang, trần, vật liệu ốp lát tường – sàn, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện – chiếu sáng… nhưng có khi lại chưa đề cập đến các đồ đạc sử dụng như bàn ghế, giường, tủ…

Thiết bị sử dụng trong cuộc sống cũng được coi là nội thất
Thiết bị sử dụng trong cuộc sống cũng được coi là nội thất

Ở một cách hiểu khác, thì nội thất là những thứ đồ kê rời, hay còn gọi là đồ nội thất, đó là bàn, ghế, giường, tủ, kệ, hoặc đồ lắp đặt có tính cố định không cao như mành rèm… và cả những thiết bị sử dụng trong cuộc sống như tủ lạnh, tivi, máy nghe nhạc…; không bao gồm những thứ gắn liền với kiến trúc, có tính cố định như thiết bị điện – chiếu sáng, thiết bị vệ sinh.

Với các nhà chuyên môn, nội thất là không gian - yếu tố quan trọng nhất
Với các nhà chuyên môn, nội thất là không gian – yếu tố quan trọng nhất

Lại có cảnh hiểu nội thất một cách khác, là những yếu tố, những thứ trang trí, làm đẹp căn phòng, như màu sắc, hệ thống chiếu sáng, các đồ đạc rời, mành rèm và cả những thứ trang trí thuần tuý như tranh ảnh, tượng, bình hoa, vật lưu niệm…

Với những kiến trúc sư, những nhà thiết kế nội thất, thì nội thất còn được hiểu là không gian (mà đây thực sự là yếu tố quan trọng nhất), những thứ thiết bị, đồ đạc cụ thể kia xếp đằng sau.

Nội thất, nhiều khi là ấn tượng của vật liệu, chất liệu
Nội thất, nhiều khi là ấn tượng của vật liệu, chất liệu

Vì vậy, trong tường trường hợp cụ thể có thể hiều nội thất như sau:

  • Đối với nhà xây mới, nội thất là các hạng mục hoàn thiện, bao gồm trần, sàn, sơn tường, cửa, cầu thang, thiết bị chiếu sáng, thiết bị vệ sinh… các đồ đạc liền tường và kê rời như tủ bếp, giường, tủ, bàn, ghế, kệ…, mành – rèm…
  • Đối với công trình dự án xây thô như nhà biệt thự, nhà liền kề; thì nội thất còn có thêm một bước nữa ở trước, đó là cải tạo không gian. Theo đó có thể phá dỡ tường, xây tường khác để theo ý đồ công năng và tổ chức không gian. Sau đó là các phần trát, ốp lát, sơn hoàn thiện, lắp đặt thiết bị và đồ nội thất rời.
  • Đối với căn hộ chung cư: Tùy từng dự án hiện trạng tới đâu và cho phép cải tạo tới đâu mà nội thất hiểu tương ứng tới đó. Có dự án căn hộ hoàn toàn trống, không có tường ngăn chia và chỉ có đầu cấp điện, nước; thì nội thất là làm cả phần kiến trúc (bố trí mặt bằng công năng), tổ chức không gian, xây tường ngăn chia phòng, trát, ốp – lát, sơn hoàn thiện, thi công hệ thống điện nước (bao gồm hệ thống dây ống và thiết bị), sản xuất và lắp đặt đồ nội thất rời như giường tủ, bàn, ghế, kệ… Có dự án hoàn thiện hết phần xây dựng, có cả cửa thông phòng và tủ bếp, điều hòa… và không cho sửa đổi, thì nội thất chỉ là đồ kê rời hay sơn phủ lại tường, lắp mành rèm.
  • Đối với văn phòng trong các tòa nhà văn phòng: Nội thất chủ yếu là ngăn chia bằng vách nhẹ, vách kính (kết cấu ngăn chia, bao che tạm thời) và bố trí mặt bằng nội thất công năng: phân chia các phân khu: Tiếp tân, tiếp khách, phòng làm việc chung, phòng lãnh đạo riêng (nếu có), phòng họp, phòng trưng bày sản phẩm… các hệ thống bàn ghế làm việc, tủ tài liệu, cải tạo hệ thống chiếu sáng cho phù hợp với mặt bằng bố trí nội thất…
  • Với các công trình công cộng quy mô lớn, như nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, nhà văn hóa… thì nội thất là một công việc có khối lượng lớn, được coi như một dự án riêng biệt.

Trong mối quan hệ với kiến trúc, nội thất là bước sau; nhưng thực tế rất khó tách bạch cụ thể với kiến trúc và cả các vấn đề kỹ thuật khác. Ví dụ như có ý tưởng trang trí nội thất bằng một bức tranh ở vị trí đó, thì vấn đề lại bắt đầu rất sớm trong cả quá trình thiết kế, thi công, như cần một ô tường lõm, và một đầu điện chờ cho đèn rọi tranh. Và trong thực tế, rất nhiều nội dung công việc là “làm nội thất” hay “thiết kế nội thất”, “trang trí nội thất”… lại liên quan đến rất nhiều vấn đề kiến trúc và kỹ thuật. Bởi nội thất bố trí không được, không ổn, hệ thống kỹ thuật không phù hợp với ý đồ nội thất thì lại phải cải tạo, chỉnh sửa cả kiến trúc và kỹ thuật. Và cũng cần phân định rõ khái niệm “thiết kế nội thất” – là việc thiết kế công năng, không gian, thiết kế kỹ thuật và đồ đạc với khái niệm “trang trí nội thất” – chủ yếu là bài trí, tô điểm trên không gian, đồ đạc và hệ thống kỹ thuật đã có sẵn.

Tùy từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể mà có cách hiểu nội thất sao cho phù hợp để nhận định hay triển khai công việc.
Tùy từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể mà có cách hiểu nội thất sao cho phù hợp để nhận định hay triển khai công việc.

Và vì vậy, nên hiểu “nội thất” một cách linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, nội dung cụ thể hay trong tiến trình xây dựng; từ đó có những nhận định, đánh giá và triển khai đúng cho công việc.

Xem thêm hình ảnh về các không gian nội thất

Bài & ảnh: Hà Thành

© Tạp chí kiến trúc



Nguồn