Phụ Nữ

Hình mẫu vượt qua rào cản giới tính

Bên cạnh việc được đánh giá và kỳ vọng trở thành “một cánh cửa  tương lai” mới của Hy Lạp, Tổng thống Katerina Sakellaropoulou cũng đã có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực môi trường và luật hiến pháp, là tiếng nói đại diện cho cộng đồng LGBT và các người dân tị nạn.
Phá vỡ khuôn mẫu

Năm 1982, bà được bổ nhiệm làm Trợ lý Thẩm phán tại Hội đồng Nhà nước, Tòa án Hành chính Tối cao Hy Lạp, và sáu năm sau thăng cấp Ủy viên Hội đồng  với công việc chính là về giáo dục, dịch vụ dân sự và liên quan đến chính quyền địa phương. Sau khi được thăng chức Ủy viên Quốc vụ năm 2000, giải quyết các vấn đề về luật môi trường, bà tiếp tục trở thành Phó Chủ tịch Tòa án Hành chính Tối cao năm 2015.

Nữ thẩm phán khi đó đã phá vỡ khuôn mẫu, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nằm quyền lãnh đạo tòa án cao nhất của cả nước vào năm 2018.

Bà Katerina Sakellaropoulou, nữ Tổng thống đầu tiên của Hy Lạp sau gần 200 năm (Ảnh: internet).

“Cánh cửa tương lai”

Tháng 1/2020, bà được Quốc hội bầu làm nữ Tổng thống đầu tiên của Hy Lạp, với 261 phiếu bầu trên tổng số 300 phiếu. Kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập, đã gần 200 năm, chưa có người phụ nữ nào được giữ chức vụ này.

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis chia sẻ: “Đất nước đang bước vào thập kỷ mới với tinh thần lạc quan hơn”. Ông nhấn mạnh sự kiện này chính là “cánh cửa tương lai” cho Hy Lạp.

So với các nước châu Âu, Hy Lạp đang bị “tụt hậu” khi số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí cấp cao trong chính trị quá ít. Hiện nay, trong nội các của quốc gia này chỉ có năm phụ nữ giữ chức vụ cấp cao. Năm 2017, Theo tiết lộ của Viện Bình đẳng giới châu Âu, Hy Lạp đứng ở vị trí cuối cùng trong chỉ số bình đẳng giới, đồng thời Eurostat cũng cho biết chênh lệch lương giữa nam và nữ ở đất nước này là hơn 12%.

Do đó, việc nữ thẩm phán Katerina Sakellaropoulou trở thành Tổng thống được coi là một động thái nhằm chống lại những chỉ trích ngày càng nhiều về vấn đề bất bình đẳng trong nội bộ chính quyền. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis phát biểu khi công bố đề cử: “Bắt đầu từ những vị trí trên cao….phụ nữ Hy Lạp sẽ nhận được những gì mà họ xứng đáng”.

Các nữ nghị sĩ Hy Lạp nhận xét đây sẽ là hình mẫu cho các thế hệ trẻ trong vấn đề bình đẳng giới. Trong một cuộc khảo sát của MRB sau đó cũng đã cho thấy 55% mọi người đánh giá cao sự kiện nữ tổng thống nắm quyền.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã gửi lời chúc mừng đến Hy Lạp và Tổng thống Katerina Sakellaropoulou trên twitter, cho rằng đất nước này đang “tiến vào một kỷ nguyên bình đằng mới”.

Đóng góp vì sự tiến bộ 

Tổng thống Katerina Sakellaropoulou là tác giả của một số bài báo và tiểu luận về các vấn đề của luật hiến pháp và môi trường.

Trong khoảng thời gian từ năm 2005-2014, bà là giảng viên Luật Môi trường tại Trường Thẩm phán quốc gia, đồng thời tham gia nghiên cứu các vấn đề nổi trội liên quan đến môi trường ở Hy Lạp như sự chuyển hướng của sông Acheloos (Thessaly), hay bảo tồn các khu vực tị nạn lịch sử trên Đại lộ Alexandras (Athens).

Bên cạnh đó, bà cũng có đóng góp trong cuốn sách “Đường lối xét xử của Hội đồng Nhà nước về khủng hoảng tài chính và bảo vệ môi trường” (2017).

Tổng thống Hy Lạp đã dẫn đầu hơn 2,000 người trong cuộc tuần hành: “Never again, Thessaloniki – Auschwitz” (Ảnh:Ảnh: Greek City Times).
Tổng thống Hy Lạp đã dẫn đầu hơn 2,000 người trong cuộc tuần hành: “Never again, Thessaloniki – Auschwitz” (Ảnh:Ảnh: Greek City Times).

Tổng thống Hy Lạp còn nổi tiếng với các lập trường tự do, suy nghĩ tiến bộ về quyền công dân, quyền tị nạn, và  hôn nhân đồng tính.

Bà đã từng viết tâm thư chia sẻ vào ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính: “Một thực tế đầy khắc nghiệp là người LGBT vẫn đang phải chịu nhiều ngược đãi. Đây là vấn đề của toàn xã hội, vì nó thể hiện nhân phẩm của con người cũng như liên quan đến việc khái niệm về quyền con người đang bị thu hẹp lại. Đặc biệt hơn, trong mùa dịch, họ còn bị phân biệt đối xử một cách tệ hại hơn khi tiếp cần các dịch vụ y tế. Ngày hôm nay, chúng tôi gửi thông điệp và lên án tình trạng bạo lực, thì địch các cá nhân vì khuynh hướng tình dục của họ, hoặc vì bất kỳ lí do nào khác. Chúng tôi ủng hộ quyền của mọi người được tự do ngôn luận, an ninh, quyền tự quyết và đối xử bình đẳng”.

Năm 2021, trong cuộc gặp gỡ với đại diện của cộng đồng LGBT tại văn phòng làm việc ở thủ đô Athens, Tổng thống Katerina Sakellaropoulou đã nhấn mạnh cần phải đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ trẻ em thuộcLGBT cũng như gia đình của chúng khỏi sự tấn công của xã hội.

Ngoài ra, bà cũng là một trong những người ủng hộ việc cấp quyền công dân cho trẻ em di cư tị nạn. 

Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Hy Lạp đã dẫn đầu hơn 2,000 người trong cuộc tuần hành: “Never again, Thessaloniki – Auschwitz”. Đây là lễ tưởng niệm sự kiện năm 1943, khi 2,800 người Do Thái ở thành phố Thessaloniki đã buộc phải lên chuyến tàu trục xuất Holocaust của Đức Quốc xã đến trại tập trung “tử thần” Auschwitz – một trong những khu vực hủy diệt lớn nhất châu Âu.

Bà chia sẻ: “Sự kiện chuyến tàu Holocaust năm đó là một di sản lịch sử toàn cầu. Việc gìn giữ và truyền lại kiến thức lịch sử cho các thế hệ sau, cũng như đồng cảm với nỗi đau đớn của các nạn nhân chính là vũ khí trang bị để ngăn chặn những cái ác tấn công dưới nhiều hình thức”.



Nguồn