Ngày 16/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2024 với chủ đề “Kiến trúc nhà ở thích ứng với Biến đổi khí hậu” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các đơn vị phối hợp tổ chức.
Hội thảo được tổ chức trong chuỗi sự kiện Festival Gạch gốm đỏ – Kinh tế xanh lần thứ 1 tại tỉnh Vĩnh Long từ ngày 16-23/11/2024, bao gồm Lễ trao giải cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” và Triển lãm trưng bày mô hình mẫu nhà ở nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Gặp gỡ Mùa thu là sự kiện được Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thường niên với các chủ đề chuyên môn thiết thực đối với giới nghề. Đến dự hội thảo có sự tham gia: Về phía Cơ quan Trung ương: Ông Phạm Trung Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Phi chính phủ, Bộ Nội vụ; Ông Hồ Chí Quang – Phó Vụ trưởng vụ Quy hoạch Kiến trúc – Bộ Xây dựng; Về phía tỉnh Vĩnh Long: Ông Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long; Ông Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cùng lãnh đạo các sở ban ngành tỉnh Vĩnh Long; Về phía Hội Kiến trúc sư Việt Nam: TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam và thành viên Ban chấp hành Hội; KTS Trần Hoài Hiệp – Chủ tịch Hội KTS Vĩnh Long cùng đông đảo khách mời các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, đại diện cơ quan báo chí, truyền hình.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long
Phát biểu chào mừng, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Việc xây dựng một nền kiến trúc bền vững, tiên tiến, thích ứng với BĐKH là một ưu tiên hàng đầu. Biến đổi khí hậu đang có nhiều tác động mạnh mẽ tới tỉnh Vĩnh Long, đặt ra nhiều thách thức trong việc quy hoạch và kiến trúc tỉnh. Việc thích ứng không còn là một lựa chọn, mà đã trở nên bắt buộc đối với tỉnh. Hy vọng, thông qua Hội thảo, Tỉnh Vĩnh Long sẽ có thêm các giải pháp giải quyết vấn đề này, từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Vĩnh Long sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các kiến trúc sư và Hội KTS Việt Nam phát triển nền kiến trúc nước nhà.
Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Cũng tại hội thảo, Ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khẳng định: “Chúng ta biết rằng BĐKH là vấn đề thời sự nhất trên toàn cầu. Tại Việt Nam, chính phủ và lãnh đạo từng địa phương cũng luôn tìm kiếm các giải pháp ứng phó, thích ứng với vấn đề này. Trên tinh thần chủ động và tiên phong, Hội Kiến trúc sư Việt Nam luôn cố gắng nhập cuộc những kế hoạch hành động quốc gia, với tinh thần tâm huyết cao nhất, chuyên môn cống hiến kịp thời nhất với lực lượng chuyên gia giàu trí tuệ, nhiệt thành nhất, kết nối sẻ chia trên phạm vi trong nước và quốc tế cùng đồng hành.”
Tại hội thảo, Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã mang tới góc nhìn quản lý, gợi mở những hướng đi hữu ích và thực tế cho vùng nguy cơ tiềm tàng bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu ở nước ta: Miền Tây Nam bộ – ĐBSCL qua dẫn luận về các Chiến lược phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Ông đã chỉ ra vai trò thiết yếu của việc quản lý và khai thác không gian mặt nước trong cấu trúc đô thị, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực gia tăng dân số tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Amber Seradni – Giám đốc Công ty ASC (Pháp), Chuyên gia tư vấn quy hoạch đô thị và chính sách bền vững, đã chia sẻ về Chiến lược quy hoạch đô thị thích ứng BĐKH và những bài học kinh nghiệm trên thế giới, đặc biệt là các kinh nghiệm giải quyết ngập lụt do triều cường, xâm thực.
KTS Phan Lâm Nhật Nam, Giảng viên ĐH Kiến trúc TP.HCM và KTS. Trần Cẩm Linh, Giám đốc K59 atelier với Bài tham luận: “Ứng dụng các bài học kiến trúc bản địa vào mô hình kiến trúc nhà ở thích ứng đương đại miền Nam Việt Nam” cũng tập trung vào những giá trị tích cực, thích ứng của kiến trúc bản địa và sự tiếp nối các giá trị đó qua các dự án xây dựng thực tiễn ở nhiều khu vực địa hình , tính chất khác nhau. Đặc biệt, nhóm KTS giới thiệu 09 yếu tố áp dụng cho kiến trúc đương đại thích nghi với điều kiện khí hậu miền Nam Việt Nam.”
Bà Amber Seradni – Giám đốc Công ty ASC (Pháp), Chuyên gia tư vấn quy hoạch đô thị và chính sách bền vững
KTS Phan Lâm Nhật Nam, Giảng viên ĐH Kiến trúc TP.HCM
KTS. Daisuke Sanuki – Giám đốc Sanuki Daisuke Architects – Thiết kế thụ động và tận dụng các yếu tố bản địa trong công trình nhà ở Việt Nam. Với kinh nghiệm nghiên cứu nhiều các mô hình nhà ở phổ biến tại Việt Nam, ông đã mang tới nhiều giải pháp nhà ở mới, hấp dẫn, thích ứng với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam.
KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cũng mang tới bài tham luận mang tính thời sự: “Kiến trúc thích ứng và Thiết kế 2 bản tái định cư sau bão lũ: Bản Nủ và Nậm Tông”. Tham luận đã chia sẻ về quá trình Thiết kế xây dựng môi trường ở sau thảm họa có nhiều thách thức nhưng cũng là mục tiêu, động lực thúc đẩy trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư.
KTS. Daisuke Sanuki – Giám đốc Sanuki Daisuke Architects
KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
Trong các giải pháp về thích ứng với biến đổi khí hậu, không thể thiếu các giải pháp về vật liệu xây dựng. Chính vì vậy, tại Hội thảo, Bà Võ Thái Xuân Thuỷ – Giám đốc Marketing và phát triển bền vững, Xi măng Fico-YTL đã mang tới các Đề xuất áp dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp – Hướng đến công trình bền vững trong thiết kế nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu.
Sau phần trình bày tham luận với rất nhiều thông tin về các nghiên cứu trong quy hoạch – kiến trúc nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, khách mời và diễn giả đã có dịp cùng ngồi lại và trao đổi ý kiến của mình xung quanh nhận diện kiến trúc nhà ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu như kịch bản nước biển dâng, hiện tượng xâm thực mặn, ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết cực đoan…
Toạ đàm trao đổi dưới điều phối của Ông Đỗ Hữu Hồng Quang – Giám đốc công ty Green Viet và khách mời KTS Phan Lâm Nhật Nam, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM; KTS Hồ Viết Vinh – Giảng viên trường Đại học học Kiến trúc TP. HCM; Bà Võ Thái Xuân Thuỷ – Giám đốc Marketing và Phát triển bền vững, Xi măng Fico-YTL; KTS Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; KTS Sanuki Daisuke – Giám đốc Sanuki Daisuke Architects (theo thứ tự từ trái sang phải).
KTS Hồ Viết Vinh chia sẻ: “Vĩnh Long có thể áp dụng mô hình của Hà Lan trong việc ứng dụng Đê bao đa tầng, các dự án khai thác nước tại Vĩnh Long, giải quyết vấn đề hoang hoá. Đê bao đa tầng sẽ có thêm vùng ngập triều tự nhiên, bảo vệ phù sa, thêm các khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản, tạo sinh kế cho người dân. Ông cho rằng nước vừa là khó khăn nhưng cũng là tài nguyên của vùng đồng bằng, vậy nên bằng các giải pháp thích ứng chủ động, chúng ta sẽ cải thiện được môi trường sống và giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu.”
Trong khuôn khổ Hội thảo Gặp gỡ Mùa thu 2024, với sự chỉ đạo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Kiến trúc, Tạp chí Kiến trúc đã phối hợp tổ chức triển lãm trưng bày mô hình mẫu nhà ở nông thôn thích ứng và các phương án đạt giải tại cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Các giải pháp kiến trúc được đề xuất đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các công trình nhà ở bền vững: Quy hoạch hợp lý, kết hợp với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là chìa khóa giúp ĐBSCL phát triển bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ an toàn cho người dân – Đó cũng chính là thông điệp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đang được lan tỏa mạnh mẽ với việc thúc đẩy sự kết nối liên ngành để cùng khuyến nghị những định hướng phát triển kiến trúc nhà ở an toàn bền vững, thích ứng và giàu bản sắc.
Thuỵ An – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc